Thủ tướng chốt phương án thoái vốn Nhà nước tại ‘ông lớn’ Sông Đà

Thứ sáu, 09/06/2017, 08:44
Thủ tướng vừa phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà. Theo đó Nhà nước chỉ giữ lại 51% vốn điều lệ đến năm 2019. Năm 2020 tiếp tục thoái thêm.

Tổng công ty Sông Đà sẽ được cổ phần hóa theo hình thức kết hợp bán bớt phần vốn nhà nước hiện có và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Hiện tại Sông Đà có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng. Theo đó sẽ cơ cấu phát hành lần đầu là 450 triệu đồng cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng.

Nhà nước nắm giữ 229.500.000 cổ phần, tương ứng chiếm 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019. Đến năm 2020 bán tiếp phần vốn Nhà nước còn nắm giữ xuống dưới 50% vốn điều lệ.

Tỷ lệ cổ phần bán ưu đãi cho người lao động là 0,183% vốn điều lệ tương ứng 822.000 cổ phần. 135 triệu cổ phần sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 30% vốn điều lệ.

Cuối cùng, 84.768.000 cổ phần sẽ được bán đấu giá công khai, chiếm 18,82% vốn điều lệ.

Cơ cấu nắm giữ vốn sau khi cổ phần hóa Sông Đà. Đồ họa: Hiếu Công.

Mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu của Sông Đà sẽ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng cũng ủy quyền cho Bộ trưởng Xây dựng quyết định tiêu chí, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và tỷ lệ cổ phần cụ thể bán cho nhà đầu tư chiến lược.

Sông Đà phải thực hiện xử lý đất đai, thuê đất của Nhà nước, trả tiền thuê đất hàng năm, thực hiện việc quản lý, sử dụng đất theo đúng quy định của Luật đất đai và pháp luật có liên quan.

Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 464 người. Tổng số lao động chuyển sang làm việc tại công ty sau cổ phần hóa là 412 người. Số lao động nghỉ việc tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 52 người.

Tòa nhà Sông Đà. Ảnh: Tổng công ty Sông Đà.

Tổng công ty Sông Đà được thành lập ngày 1/6/1961 với mô hình ban đầu là ban chỉ huy công trình thủy điện Thác Bà. Đến năm 2010, công ty được hoạt động theo mô hình tập đoàn.

Đến năm 2012, Tập đoàn Sông Đà đổi tên thành Tổng công ty Sông Đà hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Sông Đà hoạt động trên nhiều lĩnh vực như xây lắp các công trình công nghiệp, giao thông, dân dụng, diện, thủy lợi, tổ hợp công trình ngầm. Ngoài ra còn có thi công xử lý nền móng công trình, xây dựng nhà các loại…

Sông Đà đang nắm giữ 24 công ty có trên 50% vốn điều lệ và 16 công ty liên kết.

Theo Zing

Các tin cũ hơn