Cắt mẫu thép đi thẩm định?
Chiều 6/6, các ngành chức năng tỉnh Bình Định đã bắt đầu tiến hành thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 trên cơ sở khoa học để xác định rõ chất lượng, giá trị, nguồn gốc sản phẩm và tính năng hoạt động của tàu so với hợp đồng đã ký kết giữa ngư dân và cơ sở đóng tàu. Dự kiến tổ sẽ tiến hành thẩm định lại 18 tàu vỏ thép có đơn kiến nghị về chất lượng vỏ tàu, máy móc... và sẽ công bố kết quả trước ngày 25/6 này.
Tổ thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đối với tàu cá của ngư dân Trần Văn Hạo |
Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, tổ trưởng tổ thẩm định cho biết, đối tượng thẩm định là 18 chiếc tàu vỏ thép đóng theo NĐ 67 mà chủ tàu kiến nghị về chất lượng vỏ tàu, máy tàu, trang thiết bị khai thác hàng hải. Công việc tổ thẩm định sẽ đo đạt các kích thước cơ bản của vỏ tàu; xác định vật liệu thép vỏ tàu; đo độ dày vỏ tại các phần, gồm: Tôn đáy tàu, tôn hông tàu, tôn mạn tàu, tôn vách, tôn cabin và các lớp sơn bảo vệ vỏ tàu.
Về phần máy chính, máy phát điện của tàu tổ thẩm định sẽ xác định các loại nhãn hiệu ghi hoặc đóng trên động cơ, hộp số truyền động; năm sản xuất; nơi sản xuất; số seri, hộp số.... Về trang thiết bị hàng hải, ngư lưới cụ, tổ thẩm định sẽ xác định các loại nhãn hiệu, số máy, đồng thời kiểm tra tính năng hoạt động của máy và thử tải các thiết bị khai thác.
Tổ thẩm định kiểm tra máy tàu |
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định Trần Văn Phúc, trong thời gian tổ chức thẩm định, nếu phát sinh thêm yêu cầu kiểm tra của các chủ “Đợt kiểm định này tổ công tác sẽ tập trung đến những tàu gỉ sét phần vỏ do Cty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, nếu chủ tàu đồng ý tổ công tác sẽ cắt mẫu thép để mang đi kiểm định. Đối với các tàu do Cty TNHH MTV Nam Triệu đóng chủ yếu bị hỏng máy, hầu hết đã được khắc phục. Sau đợt thẩm định, Sở NN&PTNT Bình Định sẽ tổ chức cuộc họp báo cáo sơ bộ về kết quả kiểm tra hiện trường vào ngày 13/06” - ông Phúc cho hay.
Ngư dân lo vì doanh nghiệp rề rà
Hiện nay, nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng vẫn đang còn nằm bờ để cơ sở đóng tàu sửa chữa. Trong khi đó 2 đơn vị đóng tàu là công ty TNHH Đại Nguyên Dương và công ty TNHH MTV Nam Triệu “rề rà” trong việc khắc phục khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa vì đối mặt với số nợ hàng chục tỷ đồng vốn vay ngân hàng.
Nhiều tàu bị sự cố hỏng máy chính và máy phát điện |
Tàu vỏ thép mang số hiệu BĐ 99004 TS của ngư dân Nguyễn Văn Lý (trú xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định) đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương theo hợp đồng được đóng bằng thép Hàn Quốc/Nhật Bản nhưng doanh nghiệp lại tự ý đóng tôn (thép) Trung Quốc. Thế nhưng điều đáng nói, sau khi ngư dân phản ánh, cơ quan chức năng làm việc yêu cầu công ty này sớm sữa chữa nhưng đơn vị này lại “mất hút” gần cả tháng nay.
Ông Lý bức xúc: “Tàu hỏng nằm bờ, nợ ngập đầu tại ngân hàng, công ty TNHH Đại Nguyên Dương thì rề rà không chịu sửa chữa. Dường như họ cố tình trốn trách nhiệm, có thời gian tôi liên lạc với đại diện công ty không được. Sau ngày làm việc tại UBND tỉnh Bình Định, công ty TNHH Đại Nguyên Dương “mất hút” mãi đến hôm nay đơn vị mới xuất hiện để sửa chữa nhưng ngư dân chưa đồng tình. Lúc mới ký hợp đồng với công ty thì họ nói như rót mật vào tai, giờ gặp sự cố ngư dân đang lâm nợ thì họ thờ ơ. Tôi đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định vì sao lại đóng thép Trung Quốc”.
Kiểm tra ngư lưới cụ |
Tàu cá vỏ thép BĐ 99245 TS của ngư dân Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) hạ thủy (tháng 12/2016) đến nay tàu cá của ông chỉ đi được 2 chuyến biển nhưng thua lỗ đến gần 200 triệu đồng vì máy tàu hư hỏng liên tục. “Con tàu này tôi đóng với số tiền 19,8 tỷ đồng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu, máy tàu được trang bị là loại máy chính hãng Doosan (Hàn Quốc) nhưng bị hư hỏng liên tục, phải nằm bờ. Làm việc với hãng máy thì họ chỉ đồng ý thay phụ tùng, nhưng nếu không thay máy mới chắc chắn tôi phải trả tàu lại cho công ty chứ không dám ra khơi vì trên tàu là tính mạng của hơn 10 thuyền viên”- ông Sơn nói.
Theo Dân Trí