Ngày 2/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã ký quyết định thành lập Tổ công tác thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Thành phần Tổ công tác gồm 8 thành viên, do ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định làm tổ trưởng; các thành viên gồm các kỹ sư, giám định viên chuyên về đăng kiểm.
Nhiệm vụ của Tổ công tác là thẩm định, đánh giá, xác định rõ chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và tính năng hoạt động của vỏ tàu, máy tàu và các thiết bị được thi công, cung cấp cho tàu vỏ thép so với hợp đồng đã ký kết giữa ngư dân với cơ sở đóng tàu.
Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định nằm bờ vì liên tục gặp sự cố. |
Tổ công tác báo cáo kết quả và đề xuất các biện pháp giải quyết cho Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ tỉnh Bình Định xem xét, quyết định.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, qua kiểm tra thực tế theo đơn kiến nghị của ngư dân, 4 tàu vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng đều bị sự cố, máy phát điện bị hư hỏng hoặc hoạt động không tốt; hầm tàu không giữ được lạnh; hệ thống làm nghề lưới chụp bị hoen gỉ, đứt gãy, một số vỏ tàu bị gỉ sét...
Công ty này cũng trang bị cho tàu hộp số không đồng bộ, dẫn đến hư hỏng liên tục.
Trong khi đó, 3 tàu vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng cũng đang bị gỉ sét vỏ tàu, ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng; hầm bảo quản sản phẩm kém; két dầu bị hư hỏng, máy dò cá không hoạt động được.
Ngư dân bức xúc trước việc Công ty Đại Nguyên Dương đã tự ý thay đổi tôn đóng tàu vỏ thép. Theo hợp đồng, các tàu này phải được đóng tôn của Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Tuy nhiên, Công ty này đã thay thế bằng tôn đóng tàu của Trung Quốc, đến nay các tàu đều bị gỉ sét nghiêm trọng.
Trong khi đó, 3 tàu vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng cũng đang bị gỉ sét vỏ tàu, ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng; hầm bảo quản sản phẩm kém; két dầu bị hư hỏng, máy dò cá không hoạt động được.
Ngư dân bức xúc trước việc Công ty Đại Nguyên Dương đã tự ý thay đổi tôn đóng tàu vỏ thép. Theo hợp đồng, các tàu này phải được đóng tôn của Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Tuy nhiên, Công ty này đã thay thế bằng tôn đóng tàu của Trung Quốc, đến nay các tàu đều bị gỉ sét nghiêm trọng.
Về vấn đề này, tại cuộc họp ngày 10/5, đại diện Công ty Đại Nguyên Dương thừa nhận công ty dùng thép Trung Quốc nhưng là loại thép có chất lượng tương đương với thép Hàn Quốc và Nhật Bản.
Người này cũng cho biết nhà máy không hỏi ý kiến chủ tàu khi thay loại thép vì nghĩ cơ quan đăng kiểm cho phép thì làm.
Tại cuộc họp, ông Trần Châu nói ngư dân không có kiến thức nên không giám sát được việc đóng tàu, khoán trắng cho nhà máy, trong khi hai công ty đóng tàu chưa thực sự vì tính đa mục tiêu của Nghị định 67 mà chỉ nghĩ làm ăn kinh tế, kiếm lời, dẫn đến sự cố của hàng loạt tàu vỏ thép mới đóng.
Ông Châu yêu cầu Sở NNPT-NT tỉnh Bình Định thuê ngay một đơn vị độc lập kiểm định chất lượng tất cả các tàu vỏ thép có vấn đề do hai công ty trên thi công, báo cáo đầy đủ tình hình thất thu của ngư dân do việc hư hỏng tàu gây nên để tỉnh có hướng xử lý.
Cũng theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Bình Định, trong trường hợp các đơn vị đóng tàu không thực hiện nghĩa vụ của mình, UBND TP Quy Nhơn, huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ và Phù Cát chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các chủ tàu cá, ngư dân các thủ tục pháp lý để tiến hành khởi kiện ra tòa theo quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân.
Hiện Bình Định có 37 tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ Về một số chính sách phát triển thủy sản. Tuy nhiên, khi đưa vào khai thác, rất nhiều tàu bị hư hỏng máy móc, không được sửa chữa kịp thời ảnh hưởng lớn đến sản xuất và trả nợ của chủ tàu.
Hiện nay đã có 11 khách hàng không trả nợ đúng kỳ hạn, các ngân hàng đang lo lắng trước tình trạng hàng loạt tàu vỏ thép hư hỏng nằm bờ.
Theo Đất Việt