Ảnh minh họa |
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 28/5, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, xác nhận UBND tỉnh này đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an), Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) phải có nghĩa vụ sửa chữa các tàu cá do đơn vị mình đóng bị hư hỏng theo hợp đồng thỏa thuận với các chủ tàu. Việc khắc phục các tàu vỏ thép bị hỏng, sự cố trục trặc phải hoàn thành trong tháng 6/2017.
UBND tỉnh cũng tái khẳng định việc các công ty đóng tàu tự ý thay tôn thép vỏ tàu từ loại Hàn Quốc, Nhật Bản sang loại Trung Quốc trái với hợp đồng đã ký kết là không thể chấp nhận. Tỉnh cũng yêu cầu các công ty đóng tàu phải hỗ trợ cho các chủ tàu cá bị thiệt hại do nằm bờ, không thể ra khơi hoạt động do lỗi của cơ sở đóng tàu.
Cũng tại văn bản trên, UBND tỉnh giao chủ tịch UBND các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, TP.Quy Nhơn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các chủ tàu cá các thủ tục pháp lý để tiến hành khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân trong trường hợp các đơn vị đóng tàu không thực hiện nghĩa vụ của mình.
“Hợp đồng ghi phải đóng bằng thép Hàn Quốc, Nhật Bản mà tự ý thay bằng thép Trung Quốc là buộc phải tháo gỡ ra, đóng lại theo đúng yêu cầu. Máy tàu cũng vậy! Máy mới mua, đang thời hạn bảo hành mà bị lỗi, bị hỏng liên tục như vậy là phải đền bằng máy mới khác, đúng hiệu ghi trong hợp đồng.
Còn việc một số máy tàu bên ngoài thì nhãn hiệu Mitsubishi như hợp đồng nhưng bên trong lại là một nhãn hiệu khác thì phải làm rõ. Nếu các công ty đóng tàu không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của mình, vi phạm hợp đồng, chính quyền sẽ hướng dẫn, hỗ trợ bà con khởi kiện ra tòa đểgiải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng” - ông Châu nói.
Ông Hà Ngọc Tân, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cũng cho biết chính quyền địa phương này đã ghi nhận kiến nghị của các ngư dân chủ tàu và đang kiểm tra việc khắc phục của các công ty đóng tàu. Khi ngư dân chính thức có đơn yêu cầu, huyện sẽ phân công cán bộ chuyên môn trợ giúp về pháp lý để khởi kiện ra tòa.
Cũng theo ông Tân, Công ty Nam Triệu đang kiểm tra để sửa chữa các máy tàu bị hỏng.
“Nhưng tôi không đồng ý vì máy mới do công ty giao, mới hoạt động vài tháng mà bị hỏng liên tục như vậy thì phải đổi máy mới khác đúng chất lượng, nhãn hiệu theo hợp đồng chứ không sửa chữa gì cả! Riêng việc các công ty đóng tàu tự ý thay thép kém chất lượng hay một số máy móc, thiết bị không rõ xuất xứ, chất lượng thì cần đề nghị cơ quan công an điều tra” - ông Tân nói.
Cùng ngày, trao đổi với PV, ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho hay trong tuần tới đơn vị tư vấn độc lập do Sở thuê sẽ tiến hành kiểm định tất cả tàu vỏ thép bị hỏng của ngư dân tỉnh này.
Theo ông Phúc, có đến ba trong năm tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng mới bị gỉ sét nặng phần vỏ tàu và công ty này đã thừa nhận tự ý thay bằng thép Trung Quốc. Còn Công ty TNHH MTV Nam Triệu có đến 12 trong tổng số 20 tàu vỏ thép đóng mới cho ngư dân Bình Định bị hỏng, nhiều nhất là bị sự cố máy chính.
“Vừa qua, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu, đại diện hãng máy tàu Doosan của Hàn Quốc cùng công ty bán máy tàu có làm việc với một số chủ tàu. Hôm đó, tôi bận làm việc với lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cũng về giải quyết tàu vỏ thép hỏng nên không dự được.
Nghe anh em báo lại là cứ nói qua nói lại, các đơn vị đổ lỗi cho ngư dân. Sở sẽ can thiệp chứ không để như vậy! Sau khi có kết quả kiểm định, nếu xác định máy bị lỗi thì nhà cung cấp phải thay máy mới cho bà con chứ không thể chấp nhận chỉ thay phụ tùng như các công ty đó nói được” - ông Phúc nhấn mạnh.
Theo Pháp Luật TP.HCM