Tranh cãi về năng lực chiến đấu chống phiến quân của binh sĩ Philippines

Thứ bảy, 27/05/2017, 12:04
Những cuộc đụng độ gây thương vong lớn trong lịch sử khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng chiến đấu của quân đội Philippines trước phiến quân.

Quân đội Philippines ngày 25/5 mở chiến dịch tấn công nhóm phiến quân Maute đang chiếm giữ thành phố Marawi thuộc tỉnh Lanao del Sur ở miền Nam nước này. Nhóm phiến quân khoảng 100 tay súng trước đó đã đẩy lùi quân chính phủ ra khỏi thành phố, giết hại nhiều sĩ quan an ninh và bắt cóc dân thường làm lá chắn sống, theo PhilStar.

Những hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội về chiến dịch tấn công phiến quân của các đơn vị quân đội Philippines ở Marawi đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi về khả năng tác chiến đô thị, chống phiến quân cực đoan của lực lượng này.

Những bức ảnh do truyền thông Philippines công bố cho thấy binh sĩ Philippines túm tụm sau những chiếc xe tải quân sự đấu súng với phiến quân, hoặc di chuyển quá gần nhau trên đường phố, trong khi các tay súng Maute có thể ẩn nấp trong bất cứ ngôi nhà nào.

Những người chỉ trích cho rằng với chiến thuật di chuyển như vậy, binh sĩ Philippines rất dễ "làm mồi" cho các loại hỏa lực mạnh của phiến quân, có thể hứng chịu thương vong rất lớn nếu bị tấn công bằng súng phóng lựu hoặc súng chống tăng. Trên thực tế, ít nhất 13 binh sĩ đã thiệt mạng trong ba ngày giao tranh với phiến quân.

Lính Philippines túm tụm sau xe tải đấu súng với phiến quân Maute. Ảnh: Star.

Giới quan sát nhận định chiến dịch tấn công phiến quân ở Marawi có thể sẽ kéo dài nhiều ngày bởi những bất cập trong công tác huấn luyện và chiến đấu của quân đội Philippines, lực lượng từng bị các chuyên gia quân sự của WATM xếp vào nhóm 6 đội quân yếu kém nhất thế giới.

Philippines chi khoảng 2,5-3 tỷ USD cho quốc phòng mỗi năm, chiếm 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong đó, 45% ngân sách được đầu tư cho lục quân, không quân và hải quân Philippines chỉ nhận được 14-15% chi tiêu quốc phòng. Ngành công nghiệp quốc phòng, lực lượng chịu trách nhiệm sản xuất vũ khí đạn dược cho quân đội và cảnh sát, chỉ được phân bổ 1% ngân sách.

Sự đầu tư quá chênh lệch khiến không quân và hải quân Philippines gần như không có khả năng chiến đấu. Chương trình hiện đại hóa cho hai lực lượng này mới được bắt đầu từ năm 2015, nhưng lại thực hiện không hợp lý.

Khí tài hiện đại nhất của không quân Philippines là phi đội 6 máy bay phản lực huấn luyện FA-50PH được nước này mua mới nhưng không mua kèm vũ khí, đạn dược. Hải quân Philippines chỉ có một số tàu tuần tra, trong đó có hai chiếc thuộc lớp Hamilton được Mỹ bán sau khi loại biên. Kế hoạch mua tên lửa chống hạm cho tàu chiến cũng bị hủy bỏ để đầu tư mua áo giáp và kính nhìn đêm cho lục quân.

Luôn được ưu tiên đầu tư nhưng lục quân Philippines chưa thể hiện được hiệu quả của mình trong chiến đấu, đặc biệt là trong cuộc chiến chống phiến quân. Sau 50 năm xung đột với các nhóm phiến quân Hồi giáo, quân đội Philippines vẫn chưa thể dẹp tan mối đe dọa này. Chính phủ Philippines từng ký hiệp định đình chiến với một số nhóm phiến quân, nhưng nhóm Abu Sayyaf và Maute trên đảo Mindanao vẫn hoạt động rất tích cực, thường xuyên đối đầu với quân đội.

Mỗi năm, có từ hàng chục đến hàng trăm lính Philippines thiệt mạng trong các vụ phục kích và đánh bom của phiến quân. Tháng 4/2016, một đơn vị quân đội Philippines bị khoảng 100 tay súng Abu Sayyaf phục kích trên đảo Basilan. Sau 10 giờ giao tranh, 18 binh sĩ Philippines thiệt mạng, 53 người bị thương, trong khi chỉ tiêu diệt được 5 phiến quân.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng quân đội Philippines gặp rất nhiều bất lợi khi chiến đấu với phiến quân ở miền nam. Các đơn vị quân đội Philippines phần lớn được triển khai từ khu vực khác đến, trong khi phiến quân Hồi giáo rất thông thuộc địa hình, luôn hoạt động ở những vùng đất quen thuộc và có sự hỗ trợ từ các tổ chức khủng bố nước ngoài.

Cùng với quân đội, cảnh sát Philippines cũng tham gia tích cực trong các chiến dịch chống phiến quân. Tuy vậy, lực lượng này cũng có nhiều chiến dịch tai tiếng khiến nhiều người nghi ngờ khả năng chiến đấu của họ.

Năm 2010, 20 du khách Hong Kong bị một cựu cảnh sát bắt làm con tin trong một chiếc xe bus tại Manila. Sau 10 tiếng đồng hồ đàm phán căng thẳng, cảnh sát Philippines quyết định đột kích vào chiếc xe bus để giải cứu con tin. Tuy nhiên, những lúng túng trong khi đột kích của cảnh sát đã khiến 8 con tin thiệt mạng.

Sau này, cảnh sát Philippines vẫn phạm phải nhiều sai lầm chết người. Năm 2015, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Philippines mở cuộc đột kích để bắt giữ Zulkifli Abdhir, kẻ đánh bom bị truy nã bởi FBI. Tuy nhiên, họ lại đánh động lượng lớn phiến quân ở gần khu vực đột kích.

Một cuộc đọ súng lớn nổ ra, khiến 44 lính đặc nhiệm thiệt mạng trong khi phiến quân chỉ mất 23 người. Đây được coi là thiệt hại lớn nhất trong lịch sử đặc nhiệm Philippines.

Quân đội và cảnh sát Philippines hôm 24/5 tuyên bố sẽ chiếm lại thành phố Marawi trong vòng ba ngày. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu này vẫn chưa hoàn thành, khi phiến quân Maute chia nhỏ thành nhiều nhóm, liên tục tập kích, phục kích lực lượng tấn công trong đô thị. Các chuyên gia quân sự cho rằng chiến dịch này có thể sẽ là một bài học quý báu để quân đội Philippines tiếp tục rút kinh nghiệm cho quá trình huấn luyện và tác chiến của mình.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích