Đề nghị tăng tuổi hưu, nâng mức đóng BHYT

Thứ hai, 29/05/2017, 09:02
Quỹ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) có khả năng mất cân đối thu - chi, Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) từ năm 2017 bắt đầu bội chi. Từ thực tế đó, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu và tăng mức đóng BHYT.

Bộ Tài chính đề nghị xem tăng tuổi hưu, tăng mức đóng bảo hiểm y tế.

Bộ Tài chính vừa có dự thảo báo cáo Thủ tướng về việc rà soát, hoàn thiện hệ thống BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và thực hiện các giải pháp hỗ trợ của nhà nước mở rộng đối tượng tham gia.

Tăng tuổi hưu để ổn định quỹ

Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2015-2017, ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 130 tỷ đồng để chi trả lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995. Phần kinh phí ngân sách phải đóng BHXH cho người lao động (LĐ) có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước năm 1995 hơn 22.000 tỷ đồng, Quốc hội đã giao Chính phủ bố trí ngân sách chuyển trả hàng năm từ nay tới năm 2020.

Bộ Tài chính tính toán, trong 20 năm tới, Quỹ BHXH vẫn bảo đảm khả năng cân đối. Nhưng với điều kiện phải thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia BHXH; tốc độ tăng lương tính đóng BHXH bình quân 10%/năm (như giai đoạn 2010-2016); lộ trình tăng lương (cả lương cơ sở và lương hưu) bình quân 7%/năm.

Tuy nhiên, về lâu dài tiềm ẩn một số nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH, như: Tình trạng chậm, nợ đóng BHXH ngày càng tăng; tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam thấp so với thế giới (bình quân người Việt nghỉ hưu lúc 54 tuổi, trong khi tuổi hưu của Nhật Bản 70 tuổi, Anh và Đức 67 tuổi...). Cùng đó, tuổi thọ người Việt ngày càng tăng, thời gian hưởng lương hưu kéo dài.

Từ những phân tích trên, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép bộ này chuyển đổi hơn 22.000 tỷ đồng ngân sách phải chuyển cho Quỹ BHXH thành trái phiếu Chính phủ. Trong đó, năm 2018 chuyển 6.000 tỷ đồng thành trái phiếu, năm 2019 chuyển đổi 6.000 tỷ đồng và năm 2020 chuyển đổi 10.090 tỷ đồng.

Vì hiện Quỹ BHXH cũng đầu tư lớn vào trái phiếu, nên việc chuyển đổi trên tương tự việc quỹ này mua trái phiếu. Trước đó, Bộ Tài chính đã thực hiện chuyển đổi 324.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước vay Quỹ BHXH sang hình thức trái phiếu Chính phủ.

Bộ Tài chính cũng đề xuất Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, đề xuất mức độ, đối tượng, lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu phù hợp thực tế Việt Nam và xu hướng chung của thế giới. Do Việt Nam sắp bước vào thời kỳ già hóa dân số, lao động trẻ sẽ thiếu trong tương lai; thực tế nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu và sức khỏe để làm việc thêm. Ngoài ra, nâng tuổi nghỉ hưu sẽ tận dụng được lao động có kinh nghiệm, trình độ. “Vì vậy, việc nâng tuổi nghỉ hưu có thể thực hiện được”, Bộ Tài chính phân tích.

Trước đó, cũng vì lý do để ổn định Quỹ BHXH, trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu. Với lộ trình mỗi năm tăng tuổi hưu thêm 6 tháng, tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Khi đề cập vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng cho biết, cơ quan này tiếp tục bảo lưu quan điểm không tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt trong tất cả ngành nghề, lĩnh vực. Chỉ tăng tuổi nghỉ hưu với khu vực lao động gián tiếp, đơn vị hành chính, sự nghiệp, còn khu vực lao động trực tiếp (công nhân) không thể tăng, do công nhân khó lòng đáp ứng được các yêu cầu về sức khỏe.

Theo Bộ Tài chính, về cơ bản, toàn bộ tiền nhàn rỗi từ các Quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng đầu tư tăng trưởng. Hết năm 2016, tổng dư nợ đầu tư tăng trưởng của các quỹ này đạt 518.000 tỷ đồng, thu lời hơn 134.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2012-2016. Tỷ lệ sinh lời đạt bình quân 7,8%/năm. Số tiền sinh lời từ đầu tư được chi cho công tác quản lý và phân bổ vào các quỹ BHXH.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn