Giảm quy mô phòng nhưng có giảm diện tích?
Chiều 28/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe báo cáo của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch (VHTTDL) và UBND TP. Đà Nẵng về Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, quy hoạch phát triển du lịch Sơn Trà được lập từ tháng 5/2013 do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Đà Nẵng.
Đến tháng 11/2016, bản quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt và công bố vào tháng 2/2017. Tuy nhiên, Phó thủ tướng khẳng định trên thực tế bản quy hoạch chưa được triển khai.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, tất cả dự án trên bán đảo Sơn Trà đều đã được đồng ý chủ trương hay cấp phép trước khi bản quy hoạch được lập. Việc quản lý, xây dựng các dự án này thuộc thẩm quyền và cũng là trách nhiệm giải quyết của Đà Nẵng.
Các dự án mà Đà Nẵng đã cấp phép, chấp nhận chủ trương có quy mô phòng lưu trú khoảng 5.000 phòng. Còn Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà quy định số phòng lưu trú giới hạn ở 1.600 phòng.
UBND TP.Đà Nẵng và các cơ quan chức năng phải thật sự cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học. |
Sau khi lắng nghe báo cáo của Bộ VHTTDL và UBND TP.Đà Nẵng, Phó Thủ tướng yêu cầu chưa triển khai quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà trong 3 tháng để Đà Nẵng xem xét, giải quyết các kiến nghị.
Trao đổi với PV về vấn đề này, KTS Hoàng Sừ - Nguyên Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam hoan nghênh chỉ đạo trên của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Tuy nhiên theo ông Sừ, 3 tháng chỉ là một khoảng thời gian rất ngắn. Vì vậy để thực hiện nghiệm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vị KTS cho rằng, UBND TP.Đà Nẵng và các cơ quan chức năng phải thật sự cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học.
“Tôi không rõ Đà Nẵng sẽ triển khai lấy ý kiến như thế nào? Nếu thực hiện nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thì ngoài Sở, ban, ngành địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đà Nẵng cần phải có hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia một cách rộng rãi.
Nội dung không chỉ xoay quanh quy mô số phòng nên bao nhiêu? 1600 phòng hay nhỏ hơn? Chính phủ cần chỉ đạo rà soát cụ thể, đầy đủ theo khuyến nghị gồm 8 điểm của Hội thảo về Sơn Trà đã được gửi Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Có như vậy mới thực sự khoa học và cầu thị nhằm mục tiêu phát triển bền vững cho Sơn Trà”, ông Sừ nhấn mạnh.
Một vấn đề KTS Hoàng Sừ lo lắng đó là quy mô 1.600 phòng có ít hơn nhiều so với quy mô 5.000 phòng của TP.Đà Nẵng đã cấp phép. Tuy nhiên vẫn lấy mất 1056ha rừng Sơn Trà, xấp xỉ 1/4 bán đảo Sơn Trà.
“Một con số không thể chấp nhận. Diện tích này lớn gấp 35 lần diện tích của dự án khu du lịch Tiên Sa hiện đang bị dư luận phản đối mạnh mẽ”, ông Sừ lo lắng.
Rà soát phục hồi lại diện tích nguyên gốc của Sơn Trà
Nguyên Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam cho rằng Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà lấy căn cứ rừng đặc dụng Sơn Trà 2591ha là một thiếu sót cơ bản.
Việc làm cần thiết đó là rà soát phục hồi lại diện tích nguyên gốc của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
“Nếu Chính phủ đồng ý phục hồi lại diện tích gần 4.400ha cho Sơn Trà thì đương nhiên bản Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà phải bỏ và làm lại quy hoạch tổng thể Sơn Trà theo hướng quy hoạch tích hợp giữa bảo tồn đa dạng sinh học và quy hoạch du lịch”, ông Sừ kiến nghị.
Về nhu cầu gia tăng số phòng khách sạn tại Đà Nẵng, vị kiến trúc sư nêu rõ quan điểm, thành phố không thiếu đất ven biển để nâng tổng số phòng khách sạn lên 52.000 phòng như Đà Nẵng tính toán.
“Do vậy việc phá hơn 1056ha rừng Sơn Trà để phát triển du lịch là hết sức sai lầm. Sơn Trà phải là khu bảo tồn thiên nhiên độc nhất vô nhị đồng thời là khu du lịch sinh thái Quốc gia độc đáo.
Được như vậy thì vai trò của Sơn Trà lớn hơn, bền vững hơn nhiều so với phá rừng làm du lịch và Sơn Trà sẽ thực sự trở thành động lực cho du lịch toàn vùng phát triển”, ông Sừ nêu quan điểm.
Theo Đất Việt