Trước khi có quy hoạch khu du lịch quốc gia, bán đảo Sơn Trà đang có tới 11 dự án du lịch được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt. Tổng số buồng quy đổi của các dự án này lên đến 5.049, nằm trên diện tích 1.075,31 hécta.
Theo KTS Hoàng Đạo Bảo Cầm, các nhà quy hoạch đã giảm gần 70% số buồng so với hiện trạng này. Số buồng quy đổi của 5 phân khu nghỉ dưỡng trên bán đảo - theo điều chỉnh của quy hoạch - chỉ còn 1.600.
Theo của các nhà làm quy hoạch, với 1.600 phòng, mật độ xây dựng sẽ không chiếm quá 3% các khu chức năng của Sơn Trà. “Chúng tôi chỉ làm quy hoạch du lịch, không làm quy hoạch xây dựng, nhưng với phương tiện là số phòng, chúng tôi khống chế được việc xây dựng” - KTS Cầm nói.
Ông ước tính, nếu mỗi phòng nghỉ có diện tích khoảng 30 mét vuông, tính cả các không gian lễ tân và hành lang, lên tới 80 mét vuông, thì 1.600 phòng này dù có xây tất trên một mặt bằng, cũng chưa chiếm tới 13 hécta.
Bản đồ khớp nối các dự án cũ tại Sơn Trà do KTS Hoàng Đạo Bảo Cầm cung cấp. |
Đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch cho rằng, cần kiểm soát tình trạng phát triển các dự án trên bán đảo Sơn Trà.
“Trước đây tình trạng xây dựng ở Sơn Trà thiếu kiểm soát” - ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch nói - “Một quy hoạch tổng thể là cơ sở quan trọng cho việc khắc phục tình trạng này”.
Nhiều dự án được Đà Nẵng phê duyệt trước khi có quy hoạch đã tạo ra ấn tượng xấu trong dư luận. Trong đó, có khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa với 40 móng biệt thự không phép, cày bới nham nhở núi Sơn Trà.
Nếu tính tất cả các dự án xây dựng tại Sơn Trà khi chưa có quy hoạch, có thời điểm lên tới 25 dự án, bao gồm du lịch, quân sự, chùa chiền...
Bản đồ quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Phần màu tím là trung tâm tiếp đón và lưu trú. |
Theo bản quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà được phê duyệt năm 2016, các khu nghỉ dưỡng sẽ nằm dưới cos 150m - nghĩa là nằm ngoài khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Quy hoạch có 21 hécta nằm trong khu bảo tồn. Trong đó có vườn thực vật (10 ha) và khu cứu hộ động vật (10ha) là các thành tố vốn có của khu bảo tồn. Một hạng mục xây mới, là khu nhà nghỉ sinh thái trên cây với diện tích 1 hécta.
Tuy nhiên, cho đến lúc này, chưa có một dự án nào được triển khai thực hiện theo quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Bản quy hoạch mới được Thủ tướng phê duyệt ngày 9/11/2016 và được công bố vào ngày 15/2/2017.
Tổng cục Du lịch khẳng định sẽ hết sức thận trọng trong việc lắng nghe ý kiến về quy hoạch. Theo ông Tuấn, cuối tháng 5 này, sẽ có các hội thảo chuyên môn được tổ chức ở Hà Nội và Đà Nẵng để phía các nhà quy hoạch tiếp nhận ý kiến từ các bên và thông tin cho đại chúng. “Chúng tôi còn thiếu sót trong việc xử lý các ý kiến góp ý, và chậm thông tin cho truyền thông” - Tổng cục trưởng thừa nhận.
Trước ý kiến của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho rằng Quy hoạch này là trái quy định tại Điều 30 của Luật Đầu tư, đại diện Tổng cục cho rằng có sự lầm lẫn về khái niệm.
“Ý kiến trên đã có sự nhầm lẫn quy hoạch này với các dự án đầu tư cụ thể. Điều 30 Luật đầu tư quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội đối với các dự án đầu tư cụ thể chứ không phải quy hoạch” - Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn khẳng định - “Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà là quy hoạch mang tính định hướng. Khi triển khai các dự án đầu tư cụ thể phải tuân thủ pháp luật liên quan. Các dự án đầu tư liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội thì phải xin ý kiến Quốc hội theo quy định tại Điều 30”.
Bảo vệ quan điểm về sự cần thiết của quy hoạch khu du lịch quốc gia, bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch khẳng định: “Việc định hướng phát triển du lịch một cách hợp lý, xây dựng cơ sở lưu trú với quy mô hạn chế và được kiểm soát chặt chẽ tại những khu vực đã được xác định trong quy hoạch là phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, vừa phát huy giá trị tài nguyên của Sơn Trà, vừa mang lại hiệu quả kinh tế và đóng góp tích cực cho bảo tồn.”
Theo VNE