Liên quan đến cuộc làm việc giữa Tổng cục du lịch và Hiệp hội du lịch TP.Đà Nẵng, ngày 11/5 vừa qua chưa có sự thống nhất trong quan điểm về quy hoạch bán đảo Sơn Trà, KTS Hồ Duy Diệm - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch TP.Đà Nẵng đã có những quan điểm của mình về sự việc trên. Để khách quan thông tin, Đất Việt xin trích đăng nguyên lời phát biểu của ông!
Rừng Sơn Trà bị lấn dần theo quy hoạch
Về quy hoạch bán đảo Sơn Trà, Tổng cục du lịch, Bộ VHTT-DL hiện nay vẫn cho rằng đã làm đúng quy trình, đúng thủ tục và không sai, nên cuộc làm việc vừa qua với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng là với mong muốn nhận được sự đồng thuận, ủng hộ, thế nhưng họ quá chủ quan và sai lầm.
Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà thành phố Đà Nẵng được thành lập trên cơ sở Khu rừng cấm quốc gia Sơn Trà qua các thời kỳ:
Năm 1977, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định các Khu rừng cấm trong đó có khu rừng cấm Bán đảo Sơn Trà có diện tích khoảng 4.000ha, thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Năm 1992, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã đóng cửa rừng tự nhiên các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trong đó có khu Rừng cấm bán đảo Sơn Trà; đồng thời, Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà có diện tích tự nhiên là 4.439 ha. Kể từ thời điểm này, khu rừng cấm bán đảo Sơn Trà được đổi tên là Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và được quản lý theo quy chế quản lý rừng đặc dụng.
Năm 2008, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2008 - 2020. Theo đó Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có diện tích: 2.591,1ha; trong đó rừng tự nhiên còn 2.320,0ha ; rừng trồng 192,1ha và chưa có rừng 79ha. Theo qui hoạch này, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà mất 1.747ha.
KTS Hồ Duy Diệm |
Năm 2012, TP.Đà Nẵng đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để xây dựng quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng và ban hành Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có diện tích: 2.538,9ha; rừng tự nhiên 2.310,4ha, theo qui hoạch này, Sơn Trà mất thêm 53ha.
Ngày 14/10/2014, UBND TP ra quyết định giao cho Phường Thọ Quang, quận Sơn Trà quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: 1.071,6ha - đây chính là phần lớn diện tích, hiện nay được giao cho 18 dự án phát triển du lịch ở Sơn Trà.
Căn cứ đề án qui hoạch của UBND TP, ngày 09/11/2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 2163/QĐ-TTP về quy hoạch Sơn Trà theo đó với tổng quy mô diện tích của Sơn Trà là 4.298ha, rừng tự nhiên là 2.810ha.
Trong đó 1.488ha sẽ phát triển Khu du lịch Sơn Trà “trở thành Trung tâm Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước…”.
Chỉ tiêu đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt du khách (khách lưu trú 180.000 lượt); đến năm 2030 đón 4,6 triệu lượt du khách (khách lưu trú 300.000 lượt); hình thành các Trung tâm, cụm Dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp quy mô đến năm 2030 có khoảng 1.600 phòng khách sạn.
Hiện nay gần 400ha, vùng đệm khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đã được giao cho các Tập đoàn và Đại gia "bao chiếm". Một số dự án đã hình thành, một số đang xây dựng bị tạm dừng, một số đang ngấp nghé, chờ cơ hội để "siết cổ "Sơn Trà, các dự án nằm khắp dọc bãi biển bao bọc lấy bán đảo Sơn Trà được chúng tôi ví như chiếc dây thòng lọng hoặc vòng kim cô xiết cổ và bức tử Sơn Trà không biết khi nào.
Tất cả các quy hoạch trên, đều dựa vào văn bản ký từ thời cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, năm 2008, đã cho phép xây 2000 biệt thự, nhưng khi nhận thấy sai lầm, ông đã dừng ngay, nhưng thế hệ sau không thu hồi lại dựa vào đó để ký cho triển khai tiếp. Tôi tin chắc, họ biết sai nhưng chính quyền mới dựa vào lợi ích doanh nghiệp, lái người làm công tác tư vấn đi vào các sai lầm.
Hãy lắng nghe dư luận
Ngày 28/4 vừa qua, đã có một hội thảo, trong đó các nhà khoa học, các chuyên gia, cũng như nguyện vọng của hàng triệu dân Đà Nẵng đã được tổng hợp, viết thành thư khuyến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
Các khuyến nghị chính bao gồm: một là, rà soát lại toàn bộ các Quy hoạch liên quan đến bán đảo đã được phê duyệt nhằm thống nhất con số về diện tích rừng đặc dụng ở khu BTTN Sơn Trà; hai là, rà soát và chấn chỉnh lại việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Sơn Trà, đặc biệt là chuyển đổi đất rừng đặc dụng/Khu bảo tồn thiên nhiên sang “đất khác”.
Loài voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà |
Ba là, tổ chức điều tra và thẩm định lại Đánh giá Môi trường Chiến lược đối với Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà; bốn là, xây dựng quy hoạch tích hợp tổng thể về bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, kết nối cả hệ sinh thái rừng và biển trong một tổng thể mối liên hệ sinh thái tự nhiên; năm là, xem xét quy hoạch hợp nhất Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới trình UNESCO công nhận.
Sáu là, xây dựng cơ chế thống nhất giao một đơn vị chính quản lý, bảo vệ rừng, quản lý mọi hoạt động du lịch của du khách và người dân lên bán đảo Sơn Trà; bẩy là, xây dựng mô hình du lịch sinh thái tạo ra thu nhập từ hoạt động bảo tồn hệ sinh thái và thiên nhiên hoang dã ở Sơn Trà.
Tám là, nghiên cứu và áp dụng mô hình tổ chức phi lợi nhuận tham gia quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà như mô hình Công viên thiên nhiên Đảo Phillip ở bang Victoria của Úc và Khu bảo tồn khỉ Tarsier ở Bohol, Philippine.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có một chỉ thị cho Bộ VHTT-DL, UBND TP rà soát lại quy hoạch để chắc chắn, khoa học hơn. Bởi đơn giản, những người làm quy hoạch từ 2013-2016 chưa ai lên thăm rừng Sơn Trà, tất cả những chỗ được khoanh vùng cho xây biệt thự đều là nguồn nước của thú rừng, cụ thể là voọc chà vá chân nâu.
Hơn hết, cấu thành của bán đảo Sơn Trà rất kỳ diệu, bên trên là rừng, dưới là biển và dưới chân biển đó là rừng san hô đá biển chân Sơn Trà, tôm, cá cua đều dựa vào sống và phát triển, nên nếu phá bên trên, lở ra đất đổ xuống là san hô chết, cả một môi trường rộng lớn sẽ bị hủy diệt.
Mặt khác, Sơn Trà còn là lá chắn che gió Đông Bắc, khi có bão tố thì đây sẽ là bình phong, làm cho thành phố bình yên, không có cơn bão lớn nào đi được từ phía Đông Bắc vào làm ảnh hưởng được TP Đà Nẵng.
Đã có thống kê tìm hiểu, khi cơn bão bình thường, sóng đập vào phía Bắc Sơn Trà, cao hơn sóng đập vào bờ TP Đà Nẵng 2m, khối lượng nước khổng lồ, nguy hiểm cho thành phố chuyển qua đây, để thấy sự quan trọng của nó.
Chính vì thế đây là một quy hoạch sai cả về pháp lý và đạo lý. Được biết, sẽ có 137 lô biệt thự/31ha của dự án biển Tiên Sa, hiện mới làm 40 móng, còn gần 100 cái đang chuẩn bị làm.
Nếu Tiên Sa làm cả giai đoạn mở rộng khoảng trên 140 ha nữa thì có thể có gần 1000 biệt thự với 1600 phòng khách sạn, phục vụ 4 triệu khách/năm, tương đương 3000 người thường xuyên lên Sơn Trà. Cho nên, quy hoạch của Tổng cục du lịch không phù hợp, không làm cho con người Đà Nẵng hài lòng, kể cả nhân dân cả nước, thế giới cũng không hài lòng.
Việc cần làm là gì?
Để xử lý được những việc trên, theo tôi, đầu tiên, cần có một Quy hoạch Du lịch Sơn trà hợp lý bảo đảm cân bằng sinh thái giữa con người và thiên nhiên bảo đảm không biến rừng nguyên sinh thành biệt thự khách sạn resort. Một ngàn con voọc chà vá và hàng trăm loài động vật khác đang thiếu lá cây nước uống thì tại sao con người văn minh lại đi dành đất dành rừng. Đà Nẵng đang còn 15.000 ha đất đã quy hoạch đã san lấp chưa sử dụng sao lại phải đào bới rừng quốc gia.
Tổng cục Du lịch trước đây đã làm quy hoạch đụng chạm đến rừng cấm đên khu quân sự trọng yếu đến an ninh quốc phòng, đến lá chắn gió mùa Đông-Bắc và bão tố vào thành phố, động chạm và bầu sinh quyển lá phối của thành phố. Quy hoạch ấy đã bị phản ứng không đồng tình của nhân dân cả nước, gây phẫn nộ trong các vị cựu chiến binh và cán bộ hưu trí vì những sai trái về pháp lý và đạo lý.
Tổng cục Du lịch nên điều chỉnh quy hoạch du lịch Sơn Trà theo hướng du lịch sinh thái du lịch trải nghiệm học hỏi thư giãn phục hồi sức khỏe du lịch tìm hiểu về động vật thực vật quỷ hiếm quy hoạch làm sao cho rừng nhiều cây quý hơn, có chỗ cho con người vui chơi thường ngoạn cho các loài vật có nguồn nước uống để sinh sôi nãy nở. Các biệt thự khách sạn nên ở xa rừng lui vào thành phố an ninh quốc phòng được đảm bảo.
Nhân dân Đà Nẵng, nhân dân Việt nam và thế giới sẽ hoan nghênh và biết ơn quy hoạch như vậy và Quy hoạch như vậy sẽ làm cho Đà Nẵng có uy tín hơn, phát triển hơn. Để tất cả mọi người biết đến một thành phố vừa phát triển mà vẫn bảo vệ môi trường, thiên nhiên tươi đẹp của mình, vẫn giữ nguyên được báu vật cho mình và cho nhân loại.
Thủ tướng: Khẩn cấp bảo vệ các loài linh trưởng Ngày 10/5, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức có quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Mục tiêu là đảm bảo tất cả các loài linh trưởng ở Việt Nam phân bố bên trong và bên ngoài các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên được bảo tồn và phát triển bền vững.Cụ thể: hoàn thiện khung pháp lý để đảm bảo các loài linh trưởng và môi trường sống của chúng được bảo tồn và phát triển bền vững. Tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật; ngăn chặn hoạt động săn bắn, bẫy bắt và buôn bán trái pháp luật đến năm 2025 giảm 70% nạn săn bắn các loài linh trưởng; xây dựng ít nhất 3 trung tâm cứu hộ đạt tiêu chuẩn để thực hiện việc cứu hộ, tái thả các cá thể linh trưởng theo các quy trình.Bên cạnh đó, các vườn quốc gia và khu bảo tồn có phân bố các loài linh trưởng nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và ngăn chặn các hoạt động làm suy thoái rừng tại những khu vực là môi trường sống của các loài linh trưởng. Phục hồi rừng và trồng rừng nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng môi trường sống cho các loài linh trưởng được ưu tiên bảo tồn tại chỗ.Thực hiện các hoạt động, dự án ưu tiên để quản lý và bảo vệ khẩn cấp đối với các loài linh trưởng đặc hữu và cực kỳ nguy cấp có số lượng cá thể ít (ít hơn 500 cá thể) và các hành động giảm thiểu rủi ro (bệnh tật và thảm họa) đối với các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm. Thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo việc thực hiện Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng. Thành lập Nhóm công tác về Linh trưởng để hỗ trợ việc triển khai Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030.Quyết định này cũng đưa ra danh mục 8 dự án tồn các loài linh trưởng do Bộ NNPT-NT, Bộ TN-MT cùng UBND cấp tỉnh, thành thực hiện. |
Theo Đất Việt