Lùm xùm đấu thầu tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM

Thứ hai, 15/05/2017, 09:16
Không chỉ gia hạn thời điểm đóng thầu đến 5 lần, gói thầu “Cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh” trị giá 240 tỷ đồng, do Bệnh viện Ung bướu TP.HCM làm chủ, đã bị điều chỉnh hồ sơ tạo lợi thế cho một đơn vị đồng thời đẩy một nhà thầu khác khỏi cuộc chơi.

Trong khi bệnh nhân chờ máy phục vụ điều trị thì việc đấu thầu lại lùm xùm. Trong ảnh, bệnh nhân điều trị tại BV Ung bướu TP.HCM.

Bất thường

Ngày 29/11/2016, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM phát hành hồ sơ mời thầu và ấn định 14 giờ ngày 29/12/2016 sẽ đóng thầu. Hai dòng máy có model cao cấp nhất của hai hãng Elektra do Công ty CP Đầu tư Y tế Việt Mỹ ở Hà Nội và Varian của Công ty dược trang thiết bị D. ở TP.HCM tham gia thầu đều có thể đáp ứng. Thời điểm phát hành hồ sơ không có đơn vị nào kiến nghị về các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật.

Thế nhưng, ông Hà Văn Nam- Giám đốc Công ty CP Đầu tư Y tế Việt Mỹ nói, sau khi công ty mua hồ sơ mời thầu thì Bệnh viện Ung bướu TP.HCM ra thông báo gia hạn thời điểm đóng thầu để điều chỉnh hồ sơ. Từ cuối năm 2016 đến ngày 14/3/2017, nơi đây gia hạn thời điểm đóng thầu đến…5 lần. Đặc biệt, ngày 17/3, bệnh viện đã điều chỉnh 2 nội dung trong hồ sơ mời thầu, bất chấp trước đó, hồ sơ mời thầu do bệnh viện phát hành lần 1 hoàn toàn tuân thủ các quy định, trình tự về pháp luật đấu thầu.

Ông Nam bức xúc khi 2 nội dung điều chỉnh: “Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực kinh nghiệm” và “tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật” đã “tạo lợi thế cho một nhà thầu khác”. Dẫn chứng cho thấy, trước đây, hồ sơ mời thầu có tiêu chí yêu cầu nhà thầu phải thực hiện “toàn bộ hoặc phần lớn” số lượng các hợp đồng, thì được bệnh viện điều chỉnh thành “đã hoặc đang thực hiện”…

Theo đó, về quy mô gói thầu từ “nhà thầu có một hoặc hơn 1 hợp đồng cung cấp và lắp đặt thiết bị xạ trị có trị giá tối thiểu là 150 tỷ đồng” được điều chỉnh thành “hơn hoặc bằng 2 hợp đồng, có tổng trị giá hơn hoặc bằng 150 tỷ đồng”. “Việc thay đổi này đã không đáp ứng được tiêu chí “có giá trị bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị của gói thầu đang xét” quy định tại Thông tư 05 ngày 16/6/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”- ông Nam nói.

Theo ông Nam việc điều chỉnh nội dung “tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật” càng lộ rõ ý đồ tạo lợi thế cho một nhà thầu khác. Theo đó, có ít nhất 6 tiêu chí kỹ thuật quan trọng khi đánh giá máy gia tốc đã không được đưa vào làm tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu, trong khi các tiêu chí kỹ thuật quan trọng của máy Elektra lại chấm điểm thấp nhưng các tiêu chí phụ, không quan trọng lại có điểm đánh giá rất cao…

“6 tiêu chí quan trọng như: Khoảng trống từ đầu máy đến điểm đồng tâm, tốc độ ngàm trong đầu máy gia tốc, độ chính xác vị trí lá hay vùng thu nhận ảnh của bộ tạo ảnh…của hãng Elektra đều vượt trội so với Varian đã bị bỏ ra khỏi hồ sơ thầu”- ông Hà Văn Nam nêu và cho biết: “Việc điều chỉnh kỳ lạ trên dẫn tới thiết bị được chấm điểm kỹ thuật cao, nhưng lại có cấu hình và tính năng kỹ thuật kém hơn thiết bị có điểm kỹ thuật thấp”. Theo ông Nam, yêu cầu điểm tối thiểu tăng lên 90 điểm, thay vì 80 điểm dẫn tới chỉ duy nhất hãng Varian đạt về kỹ thuật vào vòng “chung kết” đồng thời loại Công ty CP Đầu tư Y tế Việt Mỹ khỏi cuộc chơi.

Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ

Không chịu được cuộc đấu thầu kỳ lạ, ngày 27/4, Công ty CP Đầu tư Y tế Việt Mỹ gửi đơn tố cáo đến Thủ tướng Chính phủ. Trong đơn, ông Hà Văn Nam cho rằng, trong 50 máy gia tốc xạ trị hiện có, được đặt tại các bệnh viện ung bướu lớn tại Việt Nam, hãng Elektra chiếm tới 27 máy, số còn lại của hãng Varian và Siemens. Tuy nhiên, theo ông Nam, vấn đề không phải là năng lực hay chất lượng của máy mà ở đây là có sự “khuất tất trong cuộc đấu thầu này”.

Dẫn chứng bằng các “chiêu thức” để gia hạn thời điểm đóng thầu đến 5 lần cũng như điều chỉnh nhiều nội dung kỹ thuật làm lợi cho một nhà thầu khác, ông Nam cho rằng, ngày 27/3 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trả lời những thắc mắc của công ty là “Không thay đổi bảng điểm kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu… theo tinh thần chỉ đạo của cấp có thẩm quyền” nhưng không nói rõ “ai chỉ đạo”.

Tiếp tục kiến nghị, ngày 17/4, lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trả lời lý do điều chỉnh trong hồ sơ mời thầu vì: “Được sự chỉ đạo của UBND TPHCM, bệnh viện đã điều chỉnh tiêu chuẩn đánh giá năng lực kinh nghiệm đối với hợp đồng cho phù hợp với tình hình thực tế”.

Trước sự việc trên, ngày 8/5, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà ký công văn gửi UBND TP.HCM truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu: “UBND TP.HCM kiểm tra việc đấu thầu của gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM; Giải quyết khiếu nại của Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Mỹ liên quan việc đấu thầu của gói thầu nêu trên; Có biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 1/6”.

Điều chỉnh hồ sơ mời thầu, gia hạn là khách quan?

Trao đổi với PV về những khuất tất trong gói thầu máy xạ trị trên, bác sĩ Phạm Xuân Dũng- Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM nói, ông mới làm giám đốc bệnh viện được 3 tháng, trong khi gói thầu diễn ra vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, do yêu cầu của các cấp có thẩm quyền  phải rà soát để “chọn thiết bị tốt nhất” nên bệnh viện đã nhiều lần họp hội đồng khoa học để ngồi lại và điều chỉnh các tiêu chí kỹ thuật trên.

“Việc điều chỉnh hồ sơ mời thầu là khách quan, công khai, minh bạch, đảm bảo tính cạnh tranh và việc điều chỉnh năng lực kinh nghiệm trong hồ sơ mời thầu là tuân thủ theo Thông tư 05 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”- bác sĩ Dũng trình bày.

Nói về việc gia hạn gói thầu nhiều lần, bác sĩ Dũng cho rằng, “đây là yêu cầu khách quan” đồng thời lý giải do hội đồng khoa học cần nhiều thời gian để tiếp thu các ý kiến từ sở ngành để chọn thiết bị tốt nhất và việc này là quyền của chủ đầu tư. Ngoài ra, ông Dũng cũng vừa có công văn kiến nghị Sở Y tế TP.HCM chủ trì mời các sở ngành có thẩm quyền thẩm định lại hồ sơ mời thầu của gói thầu trên, để bệnh viện tiến hành các bước tiếp theo, giúp có máy điều trị cho bệnh nhân.

Trả lời những thắc mắc về việc điều chỉnh hồ sơ mời thầu từ Công ty CP Đầu tư Y tế Việt Mỹ, ngày 21/3/2017, ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký công văn, kết luận: “Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định, trường hợp thực tế trên thị trường có nhiều nhà sản xuất, cung cấp thiết bị xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu điều trị của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thì việc hồ sơ mời thầu đưa ra các tiêu chí đánh giá, thang điểm, tổng số điểm tối thiểu theo hướng tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu nhằm hướng tới một thiết bị xạ trị cụ thể nào đó, gây sự cạnh tranh không bình đẳng là vi phạm quy định”.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn