Ngày 11/5, phát biểu tại Viện Brookings ở Washington, Cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezaa Rice - từng là cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush cha - đã nhắc đến khả năng tìm cách liên minh với Nga để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Vị cựu Ngoại trưởng đánh giá, Nga có "chính sách đối ngoại rất hung hăng" và "vô cùng phức tạp", và rất khó khăn để tìm sự tương tác giữa Moscow và Washington.
Bà Condoleezaa Rice lo tên lửa Triều Tiên bay tới Mỹ. |
Song bà cũng lưu ý rằng, Nga - là "lực lượng, trong đó có thể tìm thấy một số lĩnh vực hợp tác".
"Không ai muốn một lãnh đạo Triều Tiên liều lĩnh với những tên lửa đạn đạo tầm xa" - bà Rice nói. "Nếu như tên lửa của Triều Tiên có thể bắn tới Alaska, thì nó cũng có thể bắn tới Vladivostok. Vậy làm thế nào để tìm ra cách hợp tác giải quyết vấn đề Triều Tiên, tôi tin rằng đây cũng là những gì Nga sẽ quan tâm", bà nhắc đến phương án Mỹ có thể hợp tác với Nga.
Ý đồ của bà Condoleezaa Rice đã khá rõ ràng, Bình Nhưỡng từng tuyên bố có thể bắn tên lửa đạn đạo tới Alaska, cực Tây nước Mỹ. Và dường như Washington cũng tin tưởng vào hiệu quả chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên.
Và nếu tên lửa có thể đi được tới một khoảng cách như vậy, các quốc gia xung quanh sẽ phải dè chừng. Nhật Bản, Hàn Quốc đang sốt sắng lo ngại các ảnh hưởng từ chương trình phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng, và Mỹ buộc phải tìm cách gia tăng áp lực để bảo vệ đồng minh.
Trung Quốc dưới sức ép từ Mỹ cũng đã chịu xuống tay và cùng thảo luận với nhau các biện pháp kinh tế mạnh mẽ hơn đối với Bình Nhưỡng.
Khi đó, với vị trí của một quốc gia láng giềng, có vẻ như Nga cũng nên cảm thấy lo ngại vì tầm ảnh hưởng của loại tên lửa đạn đạo tầm xa mà Triều Tiên phát triển có thể hướng tới Mỹ, thì cũng có thể bắn tới Nga.
Còn điều gì tuyệt vời hơn, khi Mỹ cùng Nga hợp tác liên minh để kiềm tỏa mối nguy hiểm này?
Song, vị cựu cố vấn an ninh Mỹ cũng muốn hướng vấn đề sang việc Mỹ cần tìm cách hợp tác với Nga bởi ảnh hưởng thực sự của Moscow đối với Triều Tiên đang ngày càng gia tăng.
Khi những rạn nét giữa Trung Quốc và Triều Tiên ngày càng sâu thêm, Nga đang dần trở thành một yếu tố nền tảng trong cuộc khủng hoảng ở hai bờ Triều Tiên.
Nga và Triều Tiên có một lịch sử quan hệ lâu dài cả về kinh tế và hệ tư tưởng. Hồi năm 2014, Moscow đã xóa 90% trong khoản tiền 11 tỉ USD mà Bình Nhưỡng nợ từ thời Liên Xô. Và có thể nói, các dự án gần đây đã cho thấy một mối quan hệ thậm chí nồng ấm hơn giữa hai nước.
Hai quốc gia gần đây đã ký một dịch vụ vận tải tàu qua lại giữa TP Rason của Triều Tiên và TP cảng Vladivostok của Nga 6 lần/tháng, với sức chứa 200 hành khách cùng 1.000 tấn hàng. Trong khi đó, hồi tháng 4 vừa qua, các khí tài quân sự Nga đã được nhìn thấy điều động tới khu vực biên giới giáp Triều Tiên.
Hồi tháng 3, Moscow cũng đã đồng ý cho phép tăng nhập khẩu lao động từ Triều Tiên vào Nga. Khoảng 10.000 người Triều Tiên được cho là đang sinh sống tại Nga. Trong đó, có nhiều lao động Triều Tiên là lao động bị ép buộc ra nước ngoài làm việc để gửi ngoại tệ về Bình Nhưỡng.
Tháng 1/2017, các quan chức đứng đầu công ty đường sắt quốc doanh Nga Russian Railways đã thăm Triều Tiên để đề xuất tăng cường hợp tác về lĩnh vực đường sắt giữa hai nước, trong đó có việc xây dựng tuyến được sắt nối Rason với Khasan và chương trình huấn luyện sinh viên Triều Tiên ở các ĐH Nga.
Hơn nữa, khi Trung Quốc gần đây đe dọa sẽ cắt đứt nguồn dầu xuất khẩu sang Triều Tiên nếu Bình Nhướng thử hạt nhân lần sáu, Nga đã có các động thái ngụ ý nước này có thể thay thế vai trò của Trung Quốc trong việc xuất khẩu nguồn nhiên liệu này.
Nga cũng từng phản ứng mạnh mẽ với Triều Tiên nhưng đổi thái độ vì khoảng cách thực sự giữa hai nước. |
Chưa kể, chính khoảng cách địa lý khiến Nga buộc phải xem xét lại quan hệ của họ với người hàng xóm Triều Tiên.
Trước đây, chính quyền ông Putin từng chỉ trích chương trình hạt nhân của Triều Tiên và tham gia thực thi các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng hồi năm 2014.
Nhưng Moscow thay đổi thái độ khi chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên lên các mức mới. Theo tạp chí Stratfor của Mỹ, Nga cũng như phần còn lại của thế giới, đều lo ngại Bình Nhưỡng, đặc biệt khi địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên chỉ cách TP cảng Vladivostok của Nga chỉ 200 dặm (khoảng 320km)
Tương lai cho hợp tác Mỹ- Nga cùng giải quyết vấn đề Triều Tiên vẫn là những điều khó nói khi Mỹ ngày càng tìm mọi cách để đàm phán với các nước trong khu vực nhằm kiềm tỏa Bình Nhưỡng.
Theo Đất Việt