Triều Tiên bất ngờ gởi thư tới Quốc hội Mỹ

Thứ sáu, 12/05/2017, 18:11
Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Triều Tiên đã gửi bức thư hiếm hoi tới Mỹ để phản đối việc Hạ viện nước này thông qua gói trừng phạt mới cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng hôm 12-5.

Trong thư, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Triều Tiên lên án các biện pháp trừng phạt mới nói trên là hành động tàn ác chống lại loài người, theo thông tin từ hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA).

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cùng các quan chức chính quyền tại lễ khai trương khu nhà ở Ryomyong tại Bình Nhưỡng hôm 13-4-2017. Ảnh: AP

Hiện chưa rõ bức thư được gởi tới Hạ viện Mỹ bằng con đường nào, bởi Triều Tiên và Mỹ vốn không có quan hệ ngoại giao và cũng không có kênh liên lạc chính thức nào. Theo tiết lộ của KCNA, bức thư được gởi ngày 12-5.

Trước đó, Hạ viện Mỹ ngày 4-5 đã bỏ phiếu với tỷ lệ ủng hộ áp đảo, thông qua dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào công nghiệp hàng hóa của Triều Tiên. Dự luật cho rằng hàng hóa do "lao động cưỡng bức" từ Triều Tiên sản xuất cũng có thể bị "cấm cửa" vào Mỹ.

Việc Bình Nhưỡng lên án các động thái của Washington nhằm vào nước này vốn không phải điều bất thường song hiếm khi chuyển sự phản đối trực tiếp tới Quốc hội Mỹ. Thông thường, quốc gia bị cô lập nhất thế giới này bày tỏ sự bất mãn với Washington thông qua các tuyên bố của Bộ Ngoại giao hoặc qua các đại diện của sứ mệnh tại Liên Hiệp Quốc ở New York - Mỹ.

Ông Koh Yu-hwan, chuyên gia về Triều Tiên tại Trường ĐH Dongguk, cho biết Triều Tiên không phải là chưa có tiền lệ liên lạc trực tiếp tới cơ quan lập pháp hay chính phủ của Mỹ. Bình Nhưỡng từng gởi thư tới Mỹ năm 1984 kêu gọi mở cuộc đàm phán 3 bên giữa Bình Nhưỡng, Seoul và Washington.

Thế nhưng động thái hôm 12-5 rất đáng chú ý bởi nó xuất phát từ Ủy ban đối ngoại Quốc hội - một cơ quan mới hoạt động trở lại sau quyết định tạm dừng của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il vào năm 1998.

Ông Koh cho rằng việc "tái sinh" ủy ban đối ngoại có thể được xem như một nỗ lực của Triều Tiên nhằm tạo ra một "cánh cửa" mới trong việc giao tiếp với thế giới bên ngoài, đặc biệt là Mỹ và Hàn Quốc.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn