|
Ông Moon Jae In (trái) và vợ tại nhà riêng ở Seoul - Ảnh: Reuters |
Liệu tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In có thay đổi chính sách ngoại giao đối với CHDCND Triều Tiên hay không?
Chuyên gia Barthélémy Courmont - giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược của Pháp (IRIS), đã không ngần ngại nêu ra câu hỏi trên như một tia hy vọng trong bối cảnh chiến tranh sẵn sàng bùng nổ bất kỳ lúc nào trên bán đảo Triều Tiên.
Thắng nhờ tình hình căng thẳng
Ông Moon không phải là gương mặt xa lạ trên chính trường. Ông từng ra ứng cử Tổng thống năm 2012 và thất bại trước bà Park Geun Hye.
Từ nhiều năm qua, ông là hiện thân của cánh đối lập trung tả và ông cũng là người đã “giở sang trang” lịch sử sau 10 năm đảng bảo thủ cầm quyền ở Hàn Quốc.
Có ba nguyên nhân để giải thích chiến thắng của ông. Đầu tiên, tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc chậm lại sau nhiều thập niên “Hán giang kỳ tích” (kỳ tích sông Hàn, tức kỳ tích trong kinh tế Hàn Quốc) trong khi các đời Tổng thống bảo thủ Lee Myung Bak và Park Geun Hye đều thất bại trong cải cách kinh tế.
Kế đến, các vụ tai tiếng dẫn đến việc Tổng thống Park Geun Hye mất chức cách đây mấy tháng đã vạch trần lề lối điều hành đất nước thiếu minh bạch, bao che cho lợi ích nhóm và các tập đoàn gia tộc. Nhiều nhà kinh tế Hàn Quốc đã đánh động lâu nay nhưng rồi “đâu vẫn vào đấy”.
Cuối cùng phải tính đến bối cảnh an ninh và chiến lược. Quan hệ liên Triều đột nhiên trở nên căng thẳng hiếm thấy.
Mỹ gia tăng các dấu hiệu can thiệp vào tình hình bán đảo Triều Tiên từ khi ông Donald Trump cầm quyền. Trong khi đó, người dân Hàn Quốc lại không muốn “trả học phí” một khi quan hệ Mỹ-Triều Tiên ngày càng căng thẳng.
Thành bại ở chính sách Ánh dương
Các yếu tố thuận lợi ấy đã đưa ông Moon Jae In lên lèo lái con thuyền Hàn Quốc. Các nhà quan sát quốc tế mong đợi lịch sử sẽ giở sang trang, ông Moon sẽ mở ra một thời kỳ chuyển tiếp mới nối lại đàm phán với Triều Tiên.
Năm 2012, Tổng thống cựu trào Park Geun Hye từng hứa hẹn sẽ dịu giọng với Triều Tiên nhưng rồi cuối cùng bà phải đành buông xuôi trước sức ép từ chính sách bảo thủ trong đảng cầm quyền.
Trong khi đó, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Moon suy nghĩ khác về quan hệ liên Triều. Trong suốt chiến dịch tranh cử cũng như trong diễn văn nhậm chức, ông khẳng định nếu điều kiện hội đủ, ông sẵn sàng bay đến Bình Nhưỡng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Ông đã bổ nhiệm ông Lee Nak Yon vào vị trí Thủ tướng và ông Suh Hoon giữ chức giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia (NIS).
Hai người này cũng như ông đã từng có giai đoạn tham gia chính sách Ánh dương. Đây là chủ trương hòa giải và hợp tác mang lại những tiến bộ ngoạn mục phá băng quan hệ liên Triều vào đầu thập niên 2000.
Thậm chí chính ông Suh Hoon đã tham gia dàn xếp bí mật cho cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Il năm 2007.
Gian nan đường về quê mẹ Thống nhất đất nước còn là việc cá nhân của tân Tổng thống Moon Jae In. Trong một cuốn sách xuất bản hồi tháng 1 vừa qua, ông đã viết: “Một khi thống nhất hòa bình đến, việc đầu tiên tôi muốn làm là sẽ đưa mẹ già 90 tuổi của tôi trở về quê bà (ở Triều Tiên)”. Một số bà con của ông Moon hiện nay vẫn còn sinh sống bên kia vĩ tuyến 38. Trong những ngày tới, tân Tổng thống Moon Jae In sẽ phải chứng tỏ ông đã sẵn sàng tiếp tục thúc đẩy chính sách Ánh dương. Một khi thay đổi chính sách với Triều Tiên, ông cũng sẽ định hình một mô hình quan hệ mới cân bằng hơn, độc lập hơn với đồng minh Mỹ. Nếu ông chọn giải pháp tiếp tục duy trì phương án triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc song song với biện pháp thúc đẩy đàm phán với Bình Nhưỡng và trấn an Bắc Kinh, xem như quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn vẫn như cũ. Bằng như ông quyết định từ bỏ THAAD, chắc chắn Mỹ sẽ phản ứng và cũng có thể Mỹ sẽ mất đồng minh Hàn Quốc. Cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc Yoon Young Kwan nhận định tân Tổng thống Moon Jae In sẽ ủng hộ thống nhất đất nước nhưng với thái độ dè dặt và không xa rời thực tế địa-chính trị. Dù sao đi nữa, đường về quê ngoại của ông Moon Jae In vẫn còn xa! |
Theo TTO