Tàu cá vỏ thép hư hỏng hàng loạt: Vì sao? Tàu hỏng nằm bờ, ngư dân than trời

Thứ bảy, 13/05/2017, 11:36
Doanh nghiệp đóng tàu tự ý thay thế thép Hàn Quốc, Nhật Bản bằng thép Trung Quốc dùng để đóng tàu sắt (tàu đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ) khiến tàu bị gỉ sét, hư hỏng. Nhiều thiết bị máy móc của tàu không đảm bảo khiến tàu cá của ngư dân đang trong thời gian bảo hành nhưng phải nằm bờ chờ sửa chữa dù đang trong vụ chính khai thác. Chuyện đang xảy ra tại Bình Định khiến nhiều ngư dân bức xúc.

Tàu cá vỏ thép mang tên Khánh Đỏ BĐ 99086 của ông Đinh Công Khánh ở cùng xã Cát Khánh (Phù Cát) bị hư hỏng đang neo đậu tại cảng cá Đề Gi. 

Tàu mới đóng đã hư hỏng

Hơn một tháng nay, tàu cá BĐ 99086 của ông Đinh Công Khánh (trú Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định) phải nằm bờ chờ sửa chữa. Ông Khánh cho biết, tàu bị hỏng hộp số đã nhiều lần gọi điện liên hệ với đơn vị đóng tàu là Cty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) thông báo, đề nghị doanh nghiệp vào sửa chữa nhưng bất thành.

Trong lúc tàu nằm bờ, nhưng lại đến kỳ hạn nộp tiền cho ngân hàng, cùng nhiều thứ phí khiến ông Khánh càng khốn đốn. “Mỗi ngày tôi phải chi gần 100 ngàn đồng thuê người giữ tàu và trả tiền bến bãi, chưa kể đã đến kỳ hạn trả nợ vay gần 300 triệu đồng cho ngân hàng. Không biết xoay thế nào…” – ông Khánh rầu rĩ.

Ngư dân Lê Văn Thải (trú xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), chủ tàu cá vỏ thép Lê Gia 01 BĐ 99016 bức xúc cho hay, tàu có công suất 940 CV hành nghề lưới vây, cũng do Cty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) đóng. Cuối năm 2016, ông nhận tàu về và mở chuyến biển đầu tiên nhưng thất bại vì thiết bị hầm bảo quản sản phẩm không đảm bảo.

Nhà máy đóng tàu cử thợ máy sữa chữa mất 2 tuần mới xong. Ngày 2/4, ông vận hành tàu để chuẩn bị mở chuyến biển thứ 2 thì hộp số và kim phun dầu của tàu bị hỏng, đến ngày 18/4 mới khắc phục được. Ngày hôm sau cho tàu chạy thử, thợ máy kiểm tra và cho biết bô, sơn hàn giải nhiệt tàu cá bị hỏng.

Ngư dân Nguyễn Văn Lý (54 tuổi, trú thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99004 công suất 811 CV cho biết tàu của ông do Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng. Đóng xong tàu ông còn nợ ngân hàng 13,6 tỷ đồng. Cứ ngỡ có tàu vỏ thép thì việc làm ăn sẽ khấm khá, nào ngờ 4 chuyến biển đầu tiên nó còn “báo hại” khiến ông thâm nợ thêm gần 500 triệu đồng.

Nhiều ngư dân tại các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, TP Quy Nhơn cũng phản ánh đến ngành chức năng về việc tàu cá đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng khi chỉ mới đưa vào sử dụng.

Theo Sở NN&PTNT Bình Định, trong số 7 tàu cá được đóng tại Cty TNHH MTV Nam Triệu, thì máy chính nhãn hiệu Mitsubishi của 6 tàu bị sự cố hư hỏng; máy phát điện trên 3 tàu cũng hoạt động không tốt; hầm bảo quản sản phẩm không giữ được lạnh; một số tàu thân vỏ tàu bị gỉ sét. Ngoài ra, có 4/5 tàu cá của ngư dân tiếp nhận từ Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đã bị gỉ sét, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng.

Ngư dân Nguyễn Văn Lý bức xúc vì tàu mới đóng nhưng đã bị gỉ sét và hư hỏng

Công ty đóng tàu thừa nhận thiếu sót

Kết quả các đợt kiểm tra, đánh giá tình hình hư hỏng và sửa chữa, bảo hành tàu cá vỏ thép của ngư dân (do Cty TNHH MTV Nam Triệu và Cty TNHH Đại Nguyên Dương thực hiện) và phản ánh của ngư dân cho thấy nhiều tàu cá vỏ thép có hiện tượng sơn bị bong tróc, gỉ, sét nặng; hệ thống đường van, ống bị gỉ sét; hầm bảo quản thoát nước kém; hệ thống lạnh không tốt; máy chính bị hư hỏng và không đồng bộ; hệ thống lái bị hỏng, chảy nhớt.

Công ty TNHH Đại Nguyên Dương tự ý thay thế thép của Hàn Quốc, Nhật Bản bằng thép Trung Quốc. Hai DN nói trên thu hàng trăm triệu đồng tiền thiết kế tàu cá của ngư dân là trái với quy định của Chính phủ.

Ngày 10/5 mới đây, tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng ngư dân có tàu bị hư hỏng, 2 doanh nghiệp này đã thừa nhận thiếu sót. Đại diện Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thống nhất chịu toàn bộ chi phí kéo lên đà tại Cam Ranh (Khánh Hòa) để sơn sửa lại toàn bộ tàu bị rỉ sét và khắc phục các sự cố hư hỏng trong phạm vi trách nhiệm bảo hành của công ty. Đại diện Cty TNHH MTV Nam Triệu cũng nhất trí với báo cáo kiểm tra việc hư hỏng cũng như kiến nghị của ngư dân và ý kiến của lãnh đạo địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, việc tàu cá vỏ thép mà các doanh nghiệp mới bàn giao cho ngư dân không đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp thiếu trách nhiệm trong thực hiện hợp đồng đã ký kết. Do vậy, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký kết, sửa ngay các tàu cá bị hư hỏng, thay thế chất liệu thép Trung Quốc bằng thép Hàn Quốc hoặc của Nhật Bản và đồng bộ máy móc thiết bị trên tàu theo đúng hợp đồng. Ông Châu cũng đưa ra thời hạn 1 tháng để các doanh nghiệp khắc phục xong các tàu cá bị hư hỏng và chịu hoàn toàn kinh phí sửa chữa.

Ông Nguyễn Trà Dương - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (Chi nhánh Bình Định), cho biết hiện có 11 ngư dân vay vốn từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để đóng tàu đã quá hạn nhưng vẫn không trả được nợ. Việc trả nợ không đúng kỳ hạn dẫn đến toàn bộ dư nợ sẽ bị chuyển đến sang nhóm nợ quá hạn, đồng nghĩa với việc ngư dân sẽ không được Nhà nước hỗ trợ lãi suất.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích