Tân Tổng thống Pháp: Nhiều thách thức, vẫn tiến bước

Thứ bảy, 13/05/2017, 17:56
Với bản lĩnh thể hiện trong quá trình tranh cử, tân Tổng thống Emmanuel Macron được kỳ vọng sẽ đưa nước Pháp đi lên cũng như góp phần cải cách châu Âu trước những thách thức hiện nay.

Năm 2017 chứng kiến một cuộc bầu cử được cho là thú vị nhất trong lịch sử nước Pháp vì lần đầu tiên kể từ khi nền Cộng hòa thứ năm được thành lập, hai chính đảng lớn nhất là Cộng hòa và Xã hội không có ứng viên nào lọt vào vòng hai.

Cử tri Pháp đã lựa chọn ứng viên Emmanuel Macron thuộc phong trào tự do “En Marche!” (Tiến bước) và chính trị gia Marine Le Pen thuộc đảng Mặt trận quốc gia (FN) vốn nổi tiếng với tư tưởng cực hữu vào vòng bỏ phiếu quyết định.

Kết quả sơ bộ cuộc bỏ phiếu vòng hai diễn ra vào ngày 7/5 cho thấy ứng viên Macron giành được hơn 65% số phiếu và trở thành Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp, đồng thời phá vỡ truyền thống đảng Cộng hòa và đảng Xã hội thay nhau cầm quyền.

Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mừng chiến thắng. (Nguồn: Reuters)

Tiếp nối làn sóng thay đổi

Hai ứng viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen lọt vào vòng hai của cuộc chạy đua Tổng thống năm nay là bước ngoặt lịch sử. Nhưng nếu đặt cuộc bầu cử vào bối cảnh nước Pháp, khi tâm lý chán nản của cử tri đối với các chính đảng lớn lan rộng, đó không phải điều bất ngờ.

Tỷ lệ tăng trưởng trung bình của Pháp đã sụt giảm đáng kể, từ 2,2% trong giai đoạn 1995-2004 xuống chỉ còn 0,7% trong giai đoạn 2005-2014. Tỷ lệ thất nghiệp của Pháp cũng cao hơn mức trung bình ở châu Âu trong khoảng một thập niên qua. Những vụ đánh bom, khủng bố dưới nhiều dạng thức trong thời gian qua khiến xã hội Pháp chia rẽ về vấn đề người nhập cư và đại đa số tỏ ra bất an với tình hình an ninh - xã hội.

Trên trường quốc tế, vai trò của Pháp tại Liên minh châu Âu (EU) đã có phần giảm sút. Với tư cách là một trong hai cường quốc đầu tàu châu Âu, Pháp lo lắng vì ảnh hưởng chính trị của họ đang suy giảm so với Đức.

Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Khu vực các nước sử dụng đồng Euro (Eurozone) cho thấy nguồn cảm hứng chính trị của châu Âu lúc này là Đức chứ không phải Pháp. Điều này đe dọa vai trò, vị thế của Pháp, nhất là khi hoạt động của EU phản ánh quan điểm của Đức nhiều hơn.

Ngoài ra, nhiều nước trên thế giới đang chứng kiến làn sóng đòi thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt những gì không còn phù hợp với thực tiễn, hoặc cử tri không thấy hài lòng. Sự hiện diện của hai ứng viên Le Pen và Macron với đường lối và cương lĩnh tranh cử hoàn toàn trái ngược nhau trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017 chính là sự tiếp nối cho làn sóng thay đổi đó.

Chặng đường gian khó phía trước

Quá trình chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử ở Pháp sẽ diễn ra rất nhanh chóng, chỉ một tuần sau khi kết quả bầu cử được công bố. Điều đó có nghĩa ông Macron sẽ nhậm chức ngay Chủ nhật tuần này.

Chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 7/5 mang nhiều ý nghĩa cho bản thân ông Macron và nước Pháp nhưng phía trước ông là một chặng đường đầy gian khó với những thách thức đòi hỏi bản lĩnh và năng lực vượt trội của người đứng đầu.

Việc đầu tiên mà tân Tổng thống Pháp phải đối diện là cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng tới. Đảng của ông Macron mới thành lập gần một năm và sẽ phải cạnh tranh vất vả với những chính đảng lâu đời hơn để giành được đa số ghế.

Trong trường hợp phong trào “Tiến bước” không giành được đa số ghế trong Quốc hội, ông Macron sẽ buộc phải cố gắng thành lập liên minh cầm quyền, tức là phải hợp tác với những nhân vật thuộc cả cánh tả và cánh hữu.

Tuy nhiên, phương án này không hề đơn giản bởi khi ông Macron - vốn có tư tưởng trung dung - bị kẹt giữa hai phe tả và hữu, bất kỳ quan điểm hay chính sách nào của ông cũng có thể bị phê phán, thậm chí bác bỏ.

Bên cạnh đó, thành lập và duy trì một chính phủ liên minh cũng đồng nghĩa với việc ông phải chiến đấu cật lực với cả hai phe tả, hữu để bảo vệ những chính sách của mình.

Thách thức thứ hai là trong lòng nước Pháp đang tồn tại quá nhiều vấn đề hóc búa mà ông Macron phải giải quyết.

Trong khoảng hai thập kỷ qua, nền kinh tế Pháp không thực sự sáng sủa, xã hội lại bị chia rẽ về vấn đề người nhập cư, những vụ khủng bố lại càng làm người dân cảm thấy bất an. Vì vậy, ông Macron sẽ phải tìm giải pháp hàn gắn một đất nước đang bị chia rẽ không chỉ trong giới tinh hoa mà còn trong quảng đại quần chúng, khi những nhóm đối lập xung đột quan điểm với nhau xoay quanh câu hỏi: ủng hộ hội nhập hay tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.

Đây không hẳn là những di sản mà các Tổng thống tiền nhiệm để lại, mà thực sự là những bài toán khó có thể giải quyết một sớm một chiều.

Thách thức thứ ba là niềm tin và sự kiên nhẫn của cử tri.

Tình hình thực tiễn của nước Pháp phần nào cho thấy niềm tin của cử tri vào các chính trị gia đã giảm sút. Nói cách khác, người Pháp đang ngày càng thiếu kiên nhẫn với chính sách và hành động của chính quyền.

Những vấn đề chưa được giải quyết triệt để cộng với tâm lý thất vọng của cử tri - những người không còn đủ kiên nhẫn với những chính đảng truyền thống, chính là lý do giải thích tại sao những đảng cực hữu như FN lại nổi lên trong thời gian gần đây.

Vì thế, các Tổng thống tiền nhiệm chỉ “trụ” nổi một nhiệm kỳ (ông Nicolas Sarkozy giữ chức từ năm 2007-2012, ông Francois Hollande cũng chỉ đảm nhiệm từ 2012-2017). Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Sarkozy và Hollande sụt giảm nhanh chóng ngay sau khi họ nắm quyền vì cả hai ông đều không thể thực hiện được cam kết phục hồi nền kinh tế như hứa hẹn lúc tranh cử.

Trong bối cảnh đó, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải cho thấy rằng chương trình hành động của mình không phải là sự lặp lại hay tiếp nối những chính sách không được lòng dân mà người tiền nhiệm Hollande thực thi trong 5 năm qua.

Thúc đẩy cải cách EU

Nước Pháp, cùng với Đức, là trung tâm giải quyết những vấn đề chung của EU. Dù gặp vấn đề gì, Pháp vẫn là một quốc gia phát triển nằm trong khối G7, sẵn sàng thực hiện hoạt động quân sự ở nước ngoài để bảo vệ lợi ích của Pháp – điều mà Anh lưỡng lự còn Đức thì không bao giờ nghĩ tới.

Kể từ khi Cộng đồng Than - Thép châu Âu được thành lập với tư cách là nền móng ban đầu cho EU ngày nay, chưa bao giờ nguy cơ tan rã tổ chức hội nhập khu vực thành công nhất thế giới lại được nhắc tới nhiều như vậy.

Do tầm quan trọng về kinh tế lẫn chính trị của Pháp đối với EU, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ngày 7/5 vừa qua cũng sẽ tác động mạnh tới tương lai của khối.

Ông Macron thắng cử là kết quả mà những người ủng hộ EU chờ đợi. Chiến thắng của ông Macron giúp châu Âu thoát khỏi một kịch bản rất tệ là “Frexit”. Những phát biểu của các nhà lãnh đạo EU và các nước châu Âu sau khi có kết quả bỏ phiếu cho thấy sự hồ hởi và hy vọng lớn đặt vào vị tân Tổng thống.

Ngay từ khi bắt đầu tranh cử, ông Macron cho rằng tương lai của nước Pháp nằm trong EU và Eurozone, đồng thời nhấn mạnh phải thúc đẩy cải cách EU, tìm ra một EU mới trong bối cảnh hiện nay.

Để làm được điều đó, ông Macron và nước Pháp sẽ hợp tác với Đức như truyền thống song hành dìu dắt EU tiến lên trong hơn 60 năm qua. Trong cuộc vận động tranh cử, ông Macron đã nhiều lần nhắc tới kế hoạch chọn Đức làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên, qua đó thể hiện rất rõ rằng ông rất coi trọng cường quốc láng giềng này.

Ngoài ra, tân Tổng thống Pháp có kế hoạch thăm các nước châu Âu ngay từ đầu nhiệm kỳ để đặt ra một lộ trình 5 năm nhằm xây dựng ngân sách phù hợp cho Eurzone. Nói chung, với Macron, viễn cảnh cơn ác mộng về ngày tàn của EU đã tạm qua, Liên minh sẽ có cơ hội để cải cách.

***

Việc ông Macron thắng cử đã phá vỡ truyền thống chọn ra một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm. Có lẽ Macron cũng thừa hiểu rằng chiến thắng của mình không đơn thuần là vì ông thuyết phục được cử tri, mà do rất nhiều người lo ngại tư tưởng cực hữu, dân tộc chủ nghĩa mà bà Le Pen theo đuổi.

Nhiều người còn lo ngại rằng liệu ông Macron có quá trẻ để lãnh đạo nước Pháp? Nhưng phải nhắc lại rằng, Macron đã thể hiện rõ bản lĩnh trong quá trình tranh cử và hy vọng ông sẽ tiếp tục tiến lên, tạo thêm những bất ngờ tích cực trên cương vị tân Tổng thống Pháp trong thời gian tới.

Theo Thế giới và Việt Nam

Các tin cũ hơn