Tàu cá vỏ thép hư hỏng hàng loạt: Vì sao?

Thứ bảy, 13/05/2017, 09:11
Sau khi nhiều tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định đóng theo Nghị định (NĐ) 67 bị hư hỏng, gỉ sét, bị thay thế bằng thép Trung Quốc… Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tổng rà soát điều kiện của các cơ sở đóng tàu.

Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng 11 tàu vỏ thép theo Nghị định 67.

DN đóng tàu phải có trách nhiệm

Hai cơ sở đóng tàu cá theo NĐ 67 bị ngư dân Bình Định khiếu nại vừa qua là Cty TNHH Đại Nguyên Dương (huyện Xuân Trường, Nam Định) và Cty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu (Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Các chủ tàu phản ánh, về hợp đồng đóng tàu bằng vỏ thép Hàn Quốc/Nhật Bản nhưng bị thay thế bằng thép Trung Quốc; vỏ tàu mới đi đã gỉ sét, máy trục trặc “như cơm bữa”, hầm bảo quản không giữ được lạnh…

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, NĐ 67 chủ trương hiện đại hóa đội tàu cá, giúp ngư dân vừa tăng hoạt động kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền trên biển. Vì thế, không thể một số trục trặc “làm rầu” ý nghĩa rất lớn của NĐ 67.

Theo ông, quá trình đóng tàu theo NĐ 67, ngư dân không thể hiểu hết về chất lượng thép, chỉ DN mới biết thép mua từ đâu, chất lượng thế nào. “Tàu mới đi vào đánh bắt một thời gian ngắn đã gỉ sét, máy trục trặc…rõ ràng chất lượng con tàu không đảm bảo cho quá trình khai thác, và trách nhiệm đó là do cơ sở đóng tàu. Còn những gì gọi là thủ tục, thao tác của ngư dân chưa đúng…chỉ là phần nhỏ. DN đóng tàu phải có trách nhiệm cùng ngư dân khắc phục, giải quyết”- ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho rằng, việc lãnh đạo tỉnh Bình Định sẵn sàng hỗ trợ nếu ngư dân khởi kiện các DN đóng tàu ra tòa. Đây là việc làm rất cần thiết và đúng đắn, Hội Nghề cá Việt Nam ủng hộ.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT), sau khi có thông tin, Tổng cục đã cử đoàn công tác vào làm việc với các chủ tàu, địa phương để nắm rõ tình hình và hướng dẫn xử lý. Vụ việc xảy ra liên quan đến năng lực giám sát của chủ tàu với quá trình đóng tàu vỏ sắt. Đây là hợp đồng dân sự, nên nếu ngư dân không có điều kiện, khả năng, có thể thuê tư vấn
giám sát.

Liên quan đến việc hợp đồng ký là dùng thép Nhật/Hàn Quốc, nhưng DN đóng tàu lại dùng thép Trung Quốc, ông Trung cho rằng, đã có thoả thuận giữa ngư dân và DN đóng tàu, ai sai, người đó phải chịu trách nhiệm.

Tổng rà soát cơ sở đóng tàu NĐ 67

Theo Vụ Khai thác Thủy sản, sau khi có thông tin vụ việc ở Bình Định, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi các địa phương kiểm tra, giám sát cơ sở đóng tàu và hướng dẫn thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép.

Hiện đã có 557 tàu cá đóng mới theo NĐ 67 (trong đó 188 tàu vỏ thép, 22 tàu composite, 347 tàu vỏ gỗ) và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động. Phần lớn tàu đã phát huy hiệu quả, nhưng cũng có một số tàu vỏ thép không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại cho chủ tàu.

Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tổng rà soát lại các cơ sở đóng tàu để đảm bảo đủ kiện kiện theo quy định và chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm về việc đánh giá và công bố cơ sở đóng tàu vỏ thép đủ điều kiện trên địa bàn.

Ngoài ra, các địa phương cần tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn ngư dân, chủ tàu trên địa bàn các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật đối với tàu cá, công tác duy tu sữa chữa tàu cá vỏ thép theo quy định. Theo NĐ 67, chủ tàu được hỗ trợ 100% chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ, nhưng không quá 1% giá trị đóng mới tàu vỏ thép.

Ông Nguyễn Văn Trung cho biết: “Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở đóng tàu và thanh tra cả cơ quan đăng kiểm, để thực hiện đúng quy định của nhà nước”.

Theo Tổng cục Thủy sản, NĐ 67 đóng 2.284 tàu tàu vỏ thép và các loại. Hiện gần 900 tàu đã ký hợp hợp đồng tín dụng, có khoảng 630 tàu đi vào hoạt động. Chính phủ đang giao Bộ NN&PTNT tham mưu, trình chính sách mới thay thế, hoặc sửa đổi, bổ sung NĐ 67, trên cơ sở đánh giá hơn 2 năm thực hiện nghị định này.

“Ngư dân không thể nắm hết được chất lượng thép, hay máy móc. Hơn nữa, lần đầu họ đóng tàu vỏ thép, nên cơ quan quản lý nhà nước phải tư vấn, hỗ trợ. Đây là việc cần rút kinh nghiệm, khuyến cáo cho hợp đồng tiếp tục sau này. Ở đây, cũng phải nói thẳng, rất khó để đảm bảo 100% không xảy ra sơ suất gì. Chúng ta thường nói, người mua nhầm, chứ người bán có bao giờ nhầm đâu”.       

Ông Nguyễn Việt Thắng

Ngư dân đã ký cam kết dùng thép Trung Quốc?

Chiều 12/5, trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Tổng Giám đốc Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Xuân Trường, Nam Định) cho biết, ngư dân đã thống nhất với công ty, kéo tàu về cảng Cam Ranh, đưa lên đà để bảo dưỡng nước sơn.

Còn việc dùng thép Trung Quốc, ông Nguyên cho rằng: “Bên đăng kiểm họ đã kiểm tra các bước, đủ tiêu chuẩn đóng tàu rồi. Ngư dân cũng có biên bản cam kết hẳn hoi. Cam kết thỏa thuận đồng ý với kiểm định, nếu sai hoàn toàn chịu trách nhiệm”- ông Nguyên nói.

Ông Nguyên cũng cho biết, công ty của ông đã đóng 11 tàu theo NĐ 67, trong đó Bình Định 5 tàu, còn lại là của tỉnh Nam Định.

Lỗi động cơ hay thiếu kiến thức vận hành?

Trao đổi với Tiền Phong về việc tàu cá vỏ thép liên tục gặp sự cố về máy, đại tá Đặng Ngọc Oanh, Giám đốc Cty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an), cho biết khi có sự cố doanh nghiệp này đã cử một phó tổng giám đốc trực tiếp vào Bình Định giải quyết. Hiện các tàu cá gặp sự cố đã sửa chữa xong và vận hành ổn định. Theo ông Oanh, Cty đã đóng gần 30 tàu cá vỏ thép cho ngư dân, trong đó có 5 tàu của ngư dân Bình Định gặp sự cố.

Trả lời về việc ngư dân cho rằng tàu gặp sự cố do doanh nghiệp đóng tàu đã không lắp máy đúng chủng loại, đại tá Oanh cho biết Nam Triệu đã lắp đúng chủng loại máy Mitsubishi của Nhật, có Vinacontrol kiểm định và Tổng cục Thuỷ sản giám định. Theo ông Oanh, máy này do hãng cấp chứ không phải do Nam Triệu sản xuất ra.

“Trong cuộc họp giải quyết mà tỉnh Bình Định tổ chức, hãng máy có tham gia, họ cam kết máy mới 100% và đề nghị cho các đơn vị độc lập vào kiểm tra. Hãng máy họ cho rằng việc tàu có sự cố ngư dân cũng có lỗi là không có kiến thức vận hành. Trước đây đi tàu vỏ gỗ thô sơ, giờ đi tàu hiện đại cần phải trang bị thêm kiến thức để vận hành chứ”- ông Oanh nói.

Theo ông Oanh, khi máy gặp sự cố, đáng lý ngư dân phải để nguyên chờ hãng máy kiểm tra, bảo hành, đằng này ngư dân cứ thế tháo ra rồi sau đó mới thông báo cho hãng. Tuy máy đã bị dỡ nhưng hãng máy vẫn hỗ trợ bảo hành cho ngư dân, kể cả máy tàu bị lột biên họ vẫn tạo điều kiện thay cho. Về phía Nam Triệu, khi tàu sự cố, doanh nghiệp này có hỗ trợ cho bà con, tàu nào ít 50 triệu đồng, tàu nào nhiều 200 triệu đồng trong thời gian tàu nằm bờ.       

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích