|
Tên lửa đẩy Unha-3 của Triều Tiên trong lần phóng vệ tinh năm 2016. Biến thể quân sự của nó là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Taepodong 2 - Ảnh: CSIS |
Cho đến cuối ngày 14-5, người ta vẫn chưa rõ Triều Tiên đã sử dụng loại tên lửa đạn đạo nào trong vụ bắn thử rạng sáng cùng ngày.
Là tên lửa vũ trụ?
Theo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (USPACOM), quỹ đạo bay của tên lửa Triều Tiên sáng nay cho thấy nó không phải là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. USPACOM khẳng định cần thời gian để xác định chính xác loại tên lửa được sử dụng.
Mấu chốt là tuyên bố tên lửa Triều Tiên đã đạt độ cao hơn 2.000km của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada mà hãng tin Reuters dẫn lại. Bà Inada nhận định đây có thể là loại tên lửa mới được Triều Tiên phát triển.
Sự xung đột giữa hai luồng thông tin mà bà Inada đưa ra và USPACOM khiến nhiều người hoang mang. Kết hợp cả hai tuyên bố của Mỹ và Nhật sẽ dẫn đến một câu hỏi: không phải tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà lại đạt độ cao trên 2.000km, đó là loại tên lửa đạn đạo gì? Chỉ có duy nhất một khả năng, là tên lửa vũ trụ.
Có thể là bà Bộ trưởng nói "hố", hoặc USPACOM đánh giá sai. Nhưng kể cả trong trường hợp cả hai thông tin đều chính xác, đó cũng không phải là điều bất ngờ đối nếu nhìn vào kho tên lửa của Triều Tiên.
Về lý thuyết, tên lửa vũ trụ vẫn được xếp vào nhóm tên lửa đạn đạo vì có quỹ đạo bay theo đường đạn.
Theo chuyên trang về tên lửa của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Triều Tiên đang sở hữu ICBM có tên Taepodong-2 có tầm bắn tới từ 10.000 - 15.000km (3 tầng động cơ), hoặc từ 4.000 - 10.000km (2 tầng động cơ).
Khi được sử dụng làm tên lửa đẩy vũ trụ, Taepodong-2 có tên gọi Unha-3. Lần gần đây nhất Triều Tiên phóng Unha-3 là vào tháng 2-2016.
Theo CSIS, tên lửa đẩy của Triều Tiên đã đưa thành công vệ tinh Kwamongsong-4 vào quỹ đạo đồng bộ mặt trời.
Cơ chế hoạt động
Thông tin chính xác về tên lửa mới này của Triều Tiên sẽ được xác minh. Tuy nhiên, việc tên lửa đạn đạo bay ở độ cao hàng trăm km là... chuyện thường.
Điển hình như tên lửa đạn đạo tầm trung Pukkuksong-2 được Triều Tiên bắn thử hồi tháng 2 vừa rồi.
Đây là biến thể mới nhất của tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm (SLBM) Pukkuksong-1 do Triều Tiên phát triển.
Tên lửa Pukkuksong-2 đã bay được khoảng 500km, đạt tới độ cao tối đa 550km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.
Điều này xuất phát từ cơ chế hoạt động đặc trưng của tên lửa đạn đạo.
|
Đồ họa mô phỏng quỹ đạo bay của một loại tên lửa đạn đạo mang nhiều đầu đạn. Phần chứa đầu đạn được thể hiện bằng phần màu đỏ trên tên lửa. Ở giai đoạn số 2, ngay khi chưa ra khỏi bầu khí quyển Trái đất, đã có bộ phận đầu tiên rời khỏi tên lửa đẩy. Đến giai đoạn số 4, bộ phận tên lửa cuối cùng sẽ rời khỏi phần chứa đầu đạn. Đầu đạn sẽ đạt độ cao tối đa trong không gian ở giai đoạn số 5 và bắt đầu mất dần độ cao, trở về bầu khí quyển vào giai đoạn số 6, tách thành nhiều đầu đạn nhỏ hơn (số 7) và lao xuống mục tiêu theo phương thẳng đứng (số 8) - Nguồn: ICBM System Program Office (SPO) |
Chính xác hơn, đây là cơ chế hoạt động/quỹ đạo bay của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nhưng nó cũng giống với hành trình bay của các loại tên lửa đạn đạo khác, ngoại trừ tên lửa đạn đạo chiến thuật. Cơ chế này gồm có 3 giai đoạn:
Giai đoạn phóng thẳng đứng: Tên lửa sẽ được phóng lên theo chiều thẳng đứng để lấy độ cao. Tầm bắn càng xa thì độ cao càng lớn, tốc độ của tên lửa càng cao. Sau khi thoát ra khỏi bầu khí quyển đậm đặc của Trái đất, tên lửa đẩy sẽ bắt đầu giai đoạn thứ hai. Trên thực tế, có một số tên lửa đạn đạo vẫn không thoát ra khỏi bầu khí quyển của Trái đất, điển hình là tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Giai đoạn giữa: Đây là giai đoạn tên lửa đạn đạo sẽ đạt độ cao lớn nhất trong hành trình bay. Tên lửa sẽ chuyển động theo phương ngang theo quy luật của vật bị ném lên trong trường trọng lực. Quỹ đạo của tên lửa lúc này có hình dạng một phần ellipse. Sau khi đạt độ cao tối đa, đầu đạn sẽ được tách ra khỏi các phần còn lại của tên lửa đẩy rồi mất dần độ cao và rơi trở lại Trái đất dưới tác dụng của trọng lực.
Giai đoạn cuối: Đầu đạn sẽ lao xuống mục tiêu theo phương thẳng đứng. Để tăng hiệu quả tấn công và sức hủy diệt, thông thường một tên lửa đạn đạo sẽ mang theo rất nhiều đầu đạn để khiến hệ thống phòng thủ của đối phương không kịp trở tay. Có trường hợp lại sử dụng "đầu đạn giả" để đánh lừa hệ thống phòng thủ nhằm đảm bảo đầu đạn thật sẽ đánh trúng và gây thiệt hại cho kẻ thù.
Định nghĩa và phân loại Định nghĩa một cách ngắn gọn, tên lửa đạn đạo là tên lửa có phần lớn quỹ đạo sau khi phóng đi tuân theo nguyên tắc đường đạn bay hình parabol úp. Tên lửa đạn đạo được phân loại dựa vào tầm bắn và phương tiện phóng của chúng. Chia theo tầm bắn thì bao gồm: - Tên lửa đạn đạo chiến thuật (150 - 300km); - Tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM): 300 - 1.000km; - Tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM): 1.000 - 3.500km; - Tên lửa đạn đạo tầm xa (LRBM): 3.500 - 5.500km; - Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM): trên 5.000km. Về cơ bản, phần lớn các loại tên lửa đạn đạo đều được phóng đi từ phương tiện mang vác trên bộ. Có thể là hầm phóng cố định hay xe mang bệ phóng thẳng đứng chạy bằng bánh xích, bánh lốp. Tuy nhiên, vẫn có không ít trường hợp tên lửa đạn đạo được bắn từ tàu ngầm (SLBM) như Pukkuksong-1 của Triều Tiên, Sagarika và K-4 của Ấn Độ, hay JL-1 và JL-2 của Trung Quốc, Trident II của Mỹ.... Ít phổ biến hơn còn có loại tên lửa đạn đạo được phóng từ máy bay (ALBM). |
Theo TTO