Trao đổi với Zing.vn, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng, cho biết sau buổi làm việc với Tổng Cục Du lịch nhưng không có kết quả, đơn vị tiếp tục khiếu nại lên Trung ương, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tổng thể du lịch quốc gia bán đảo Sơn Trà.
Ông Vinh viện dẫn điều 30, luật Đầu tư năm 2014, cho biết nếu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50ha trở lên thì thẩm quyền quyết định là của Quốc hội.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch thực hiện và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký và có hiệu lực ngày 9/11/2016, thừa nhận Sơn Trà là khu du lịch quốc gia. Quy hoạch này cho phép các chủ đầu tư triển khai các dự án du lịch với diện tích lên đến hơn 1.056ha.
Ông Huỳnh Tấn Vinh (giữa) cho rằng quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch thực hiện trái với điều 30, luật Đầu tư. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
"Luật quy định nếu chuyển đổi sử dụng đất rừng quốc gia từ 50ha trở lên thuộc thẩm quyền Quốc hội. Tuy nhiên, quy hoạch do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch thực hiện lại cho phép các chủ đầu tư làm các dự án du lịch lên đến hơn 1.200ha là trái luật hiện hành", ông Vinh nhấn mạnh.
Điều30 (luật Đầu tư) về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội: Trừ những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội theo pháp luật về đầu tư công, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây: Chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000ha trở lên...
Trong khi đó, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, cho rằng quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà được thực hiện đúng quy trình. Trong quá trình xây dựng đều có sự tham gia của các Bộ, ngành và TP.Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Tấn Vinh phản bác với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nhưng ông và các thành viên của đơn vị không được tham gia phản biện trong quá trình xây dựng quy hoạch Sơn Trà.
"Từ khi báo chí phát hiện vụ đào xới núi Sơn Trà để xây 40 trụ móng biệt thự, hàng loạt báo chí đều phản ứng. Hơn 11.000 người dân và du khách cũng ký tên phản đối bản quy hoạch này. Điều đó chứng tỏ quy hoạch do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch thực hiện trái luật và đi ngược ý nguyện của người dân", ông Vinh bức xúc.
Khu vực Công ty CP Du lịch Biển Tiên Sa xây 40 trụ móng biệt thự trái phép. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Liên quan đến vấn đề Sơn Trà, mới đây, ông Trịnh Lê Nguyên (Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên), ông Trần Hữu Vy (Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh) và PGS.TS Võ Văn Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu, giảng dạy môi trường tài nguyên sinh vật Đại học Đà Nẵng cùng ký tên vào bức thư khuyến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo Đà Nẵng.
Trong thư, các vị này cho rằng quy hoạch Sơn Trà do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch thực hiện chưa sát với thực tế. Đơn cử như yêu cầu về đánh giá tác động môi trường còn khá sơ sài. Các số liệu về ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học... trong quy hoạch hầu như chưa được đề cập đến.
Cùng quan điểm, ông Trịnh Bằng Có, Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho hay hầu như quy hoạch chưa đề cập đến việc sinh tồn của các loại động vật quý hiếm trên bán đảo Sơn Trà, trong đó có vọoc chà vá chân nâu, loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ vô điều kiện.
Thư ký Hiệp hội nêu quan điểm: "Quy hoạch phải dựa trên luật pháp và phù hợp với lòng dân. Trong vụ việc này, khi anh xây dựng quy hoạch chưa đúng luật pháp và lòng dân chưa thuận thì nhất định phải điều chỉnh".
Hàng chục biệt thự do Công ty cổ phần đầu tư Đà Nẵng Sơn Trà làm chủ đầu tư đang bỏ hoang ở chân núi Sơn Trà. Ảnh:Đoàn Nguyên. |
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam), gay gắt phản đối những phát biểu của ông Hà Văn Siêu khi cho rằng "Quy hoạch về Sơn Trà được làm đúng quy trình".
Theo ông Sự, quy hoạch hay quy trình thì cũng đều do con người tạo ra. Ngay cả các quy định của luật pháp, khi đi vào thực tế cũng có những vấn đề chưa phù hợp và phải điều chỉnh.
"Quy trình được pháp luật quy định thì phải tuân theo, nhưng đúng quy trình đâu có nghĩa là nội dung đúng. Nếu quy hoạch đúng thì không có chuyện rất nhiều chuyên gia, các cơ quan báo chí phản ứng đến thế", ông Sự nhấn mạnh.
Nguyên Bí thư TP.Hội An cũng cho rằng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần sớm nghiên cứu lại toàn bộ các vấn đề liên quan đến Sơn Trà để có sự đánh giá chính xác nhất.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng phải tổ chức các hội thảo khoa học để lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia rồi đi đến sự thống nhất trong việc bảo vệ Sơn Trà. "Nếu Sơn Trà bị băm nát thì không chỉ dân Đà Nẵng mà ngay cả phần lớn người dân ở Quảng Nam cũng bị ảnh hưởng theo", ông Sự chốt lại.
Quy hoạch không thể làm trái Luật:
Luật sư Trần Hùng (Đà Nẵng) cho biết quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch thực hiện và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký và có hiệu lực ngày 9/11/2016. Theo đó, quy hoạch này phải tuân thủ theo luật Đầu tư (ban hành năm 2014 và đang có hiệu lực). "Quy hoạch này tôi thấy còn nhiều điều bất ổn và thậm chí chưa tuân thủ các quy định của luật Đầu tư", luật sư nói.
Theo Zing