Dân làng Đông Cốc muốn bán nốt cây sưa 400 tuổi

Thứ ba, 16/05/2017, 14:54
Người dân làng Đông Cốc ngỏ ý muốn bán nốt cây sưa cổ thụ hơn 400 tuổi để phát triển kinh tế địa phương.

Nhiều kẻ nhóm ngó

Kể từ ngày người dân làng Đông Cốc (xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) nhận được tiền hỗ trợ phát triển kinh tế từ việc bán cây sưa 200 tuổi, đời sống của bà con đã được nâng lên đáng kể.

Chia sẻ với PV, ông Phạm Văn H. (50 tuổi, xã Hà Mãn) cho biết, gia đình ông có cả thảy 5 nhân khẩu, số tiền nhận được từ việc bán sưa là 50 triệu đồng.

Ông đã dùng một khoản tiền nhỏ để làm lễ tạ ơn vì nhận được lộc thánh, ngoài ra ông mua một chiếc xe máy cho cậu con trai đang học đại học ngoài Hà Nội. Số tiền còn lại, hai vợ chồng ông H. gửi tiết kiệm để phòng  khi có việc thì dùng đến.

''Nhận được lộc thánh là cái may mắn của làng, tuy nhiên chúng tôi cũng tự bảo nhau phải sử dụng khoản tiền này cho hợp lý, tránh tiêu xài hoang phí rồi dẫn đến các tệ nạn xã hội.

Hiện nay, người dân trong làng đang có ý định bán tiếp hai cây sưa còn lại để lấy tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế cho địa phương. Cây to nhất là cây sưa cổ thụ hơn 400 tuổi, cũng nằm trong khuôn viên đình làng Đông Cốc'', ông H. tiết lộ.

Theo ông H., cây sưa 400 tuổi này đang bị nhiều đối tượng nhóm ngó. Ngoài việc phải trông coi hàng ngày, người dân trong làng cũng phấp phỏm lo lắng rằng, một ngày nào đó cây sưa cổ thụ sẽ bị chết hoặc bị mất trộm.

Cây sưa 400 tuổi của làng Đông Cốc

Đồng quan điểm với ông Hùng, ông Nguyễn Văn K. (53 tuổi, xã Hà Mãn) cho rằng, thay vì canh cánh lo sợ cây sưa cổ thụ bị kẻ gian trộm mất thì tại sao không bán đấu giá để lấy tiền phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

''Dù gì cây sưa cũng chỉ là một cây gỗ, sống lâu thành đại thụ, để đấy cũng không giải quyết được vấn đề gì. Nhân lúc gỗ sưa còn đang có giá thì nên bán luôn để lấy tiền dùng vào việc khác có ích hơn.

Đến lúc Trung Quốc họ không chuộng nữa thì lại ngồi tiếc rẻ. Có lộc thì cả làng cùng hưởng, Thành hoàng cũng muốn dân làng được ấm no mà.

Cây sưa 200 tuổi lần trước bán được 26 tỷ, còn cây sưa 400 tuổi này, theo tôi giá không dưới 60 tỷ'', ông K. nêu quan điểm.

Ông K. cho biết thêm, từ ngày nhận được tiền bán cây sưa 200 tuổi, bà con đã làm được rất nhiều việc có ích. Có người thì mua sắm vật dụng trong gia đình, có người thì cất cái móng nhà, người thì đầu tư cho con cái đi học văn hóa, học nghề. Phần lớn người dân trong làng đều bày tỏ mong muốn bán nốt cây sưa còn lại.

Bán không dễ

Trao đổi với PV chiều 15/5, một lãnh đạo xã Hà Mãn cho biết, ông đã nhận được thông tin về việc người dân làng Đông Cốc có ý bán những cây sưa còn lại để lấy tiền xây dựng địa phương.

''Tôi mới chỉ nghe bà con bàn tán với nhau thế, còn thì chưa nhận được kiến nghị chính thức nào của bà con về việc này. Nếu bà con có ý đó thật thì chúng tôi cũng sẽ thông báo lại ý kiến của họ lên cấp trên để xem xét xử lý, xã không thể tự ý quyết định được'', lãnh đạo xã Hà Mãn nhấn mạnh.

Vị cán bộ thông tin thêm, sau khi bán cây sưa 200 tuổi cho đại gia gỗ Nguyễn Văn Hùy rồi chia một phần tiền cho bà con thì không có trường hợp nào khiếu nại về vấn đề này.

Hạ giải, đấu giá cây sưa cổ thụ hơn 400 tuổi còn đang xanh tốt trong đình làng Đông Cốc không phải là chuyện đơn giản. Cây sưa 200 tuổi mà ông Hùy mua được là do cây này đã có dấu hiệu bị chết.

Để bán cây sưa 200 tuổi xã Hà Mãn phải nhận được sự đồng ý của UBND tỉnh  Bắc Ninh và Bộ VH-TT&DL. Ngoài ra, Chi cục kiểm lâm cũng đã có văn bản xác định rằng cây sưa 200 tuổi này đã chết.

Từng trao đổi với Đất Việt về việc này, ông Nguyễn Văn Đáp - Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Bắc Ninh) cho biết:

''Việc bán cây sưa 200 tuổi là địa phương đề nghị, sau đó tỉnh cũng có báo cáo lại với Bộ VH-TT&DL. Cuối cùng bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL đã có văn bản đồng ý giao cho tỉnh xử lý''.

Theo quy định, cây sưa nằm trong khuôn viên đình làng Đông Cốc (Di tích lịch sử cấp Quốc gia), do đó muốn bán sưa phải có sự đồng ý của Bộ VH-TT&DL.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn