|
Vợ chồng ông Mã Văn Thương nước mắt ngắn dài chờ giải quyết. |
Năm 1975, ông Mã Văn Phì (sinh năm 1920) sang nhượng đất của ông Lâm Văn Ẻm, tại địa chỉ kể trên và ngày 30/11/2001, UBND tỉnh Bạc Liêu ra Quyết định giao đất và cấp chứng nhận Quyền sử dụng đất cho ông Mã Văn Phì với tổng diện tích 1.392,30m2, trong đó đất ở 300m2 và đất vườn 1.092,3m2. Theo sơ đồ thửa đất này, ranh giới đất giữa hộ ông Mã Văn Phì và ông Phạm Văn Hận (người chuyển nhượng một phần đất cho ông Phan Hùng Việt, Bí thư Huyện ủy Đông Hải (Bạc Liêu) là một đường thẳng từ trước đến sau và giữa hai bên không có tranh chấp.
Bỗng dưng cong
Năm 1997 ông Việt mua một thửa đất của ông Phạm Minh Hận, phần giáp ranh với đất ông Thương. Năm 2007 ông Việt được UBND thị xã Bạc Liêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK 674743 diện tích 413,1m2. Theo giấy chứng nhận này, chiều ngang phía trước thửa đất tiếp giáp mặt đường 28/3 (đường Quốc lộ 1) rộng 7,7m và chiều ngang sau rộng 8,6m; hai ranh đất tiếp giáp với phía ông Thương và ông Hận đều thẳng, chạy từ trước ra sau.
Khi ông Việt cắm mốc thực tế thì phát sinh tranh chấp với ông Hận. Qua quá trình thương lượng, ông Hận và ông Việt nhất trí cắm ranh đất gấp khúc và phần gấp khúc lồi hướng về phía đất ông Việt. Căn cứ trên ranh đất gấp khúc này, tháng 11/2008 khi tiến hành xây dựng nhà, ông Việt đã lấn sang đất ông Phì một khoảng tương đương với phần đất ông Hận đã lấn sang ông Việt, và phần lấn sang rộng nhất khoảng 1,2 mét.
Không chấp nhận tình trạng trên, ông Mã Văn Thương (con trai ông Phì, đã được ông Phì chuyển quyền sử dụng) khởi kiện ra Tòa án thị xã Bạc Liêu. Cùng thời điểm đó, ngày 18/12/2008, ông Việt có đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ để cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng mới theo đúng ranh đất thực tế.
Ngày 6/3/2009, UBND thị xã Bạc Liêu có văn bản đề nghị Tòa án nhân dân thị xã Bạc Liêu chuyển toàn bộ hồ sơ sang UBND thị xã để các cơ quan chức năng xem xét, xử lý. Ngày 16/8/2009, Tòa án nhân dân thị xã Bạc Liêu ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Ngày 5/2/2009, UBND thị xã Bạc Liêu ban hành quyết định thu hồi giấy phép sử dụng đất số AK 674743 của ông Việt với lý do chưa phù hợp với hiện trạng thực tế sử dụng. Ngày 27/3/2009, UBND thị xã Bạc Liêu ban hành quyết định thu hồi và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Mã Văn Thương với lý do chưa phù hợp với hiện trạng thực tế.
Sau đó, ông Việt làm hồ sơ xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hiện trạng thực tế. Ngày 19/8/2011, UBND thị xã Bạc Liêu quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Việt với diện tích 541,5 m2. Cả hai ranh giới thửa đất theo quyết định này có hình gấp khúc và phần lồi như hình mũi tên hướng về phần đất của ông Thương.
Ông Thương tiếp tục khiếu nại về quyết định hành chính của UBND thị xã Bạc Liêu (về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông) nhưng đã bị các cơ quan có thẩm quyền từ chối giải quyết. Ông Thương cũng khiếu nại, kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng khác nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Lấn cho đủ diện tích
Việc tranh chấp đất giữa ông Việt và ông Thương bắt nguồn từ việc sang nhượng đất giữa ông Hận và ông Việt. Cụ thể, khi ông Việt và ông Hận thỏa thuận mua bán đất theo ranh thẳng, đúng như giấy phép sử dụng đất số AK 674743 do UBND thị xã Bạc Liêu cấp cho ông Việt ngày 5/2/2009.
Tuy nhiên, khi tiến hành cắm ranh thực tế, ông Hận lại không chịu giao theo ranh đất thẳng (vì cấn công trình phụ của ông Hận đã xây dựng trước đó) và buộc ông Việt phải nhận theo ranh đất gấp khúc. Thay vì phải đấu tranh với ông Hận để được nhận ranh đất thẳng, ông Việt lại chấp nhận ranh đất gấp khúc.
Khi tiến hành xây dựng nhà, ông Việt lấy ranh đất gấp khúc giữa ông và ông Hận làm căn cứ để xác định ranh đất giữa ông và ông Thương, thực chất là lấn sang phía đất ông Thương cho đủ diện tích đất ông Việt đã mua của ông Hận, khiến ranh đất giữa ông Việt và ông Thương đang thẳng trở nên gấp khúc và phần thiệt hại thuộc về ông Thương nên dẫn đến tranh chấp.
Ông Việt xin giấy phép xây dựng nhà ở theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND thị xã Bạc Liêu cấp năm 2007 với diện tích 490,1m2, nhưng thực tế lại xây dựng theo hiện trạng với diện tích 541,5m2, trong khi phần đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến tranh chấp với ông Thương.
Ông Việt đã không trung thực, sòng phẳng trong việc xác định ranh đất dẫn đến tranh chấp, không tuân thủ theo quy định của pháp luật nên đã xây nhà trái phép và không minh bạch trong giải quyết tranh chấp. Ông Việt muốn giải quyết theo cách “đi đêm” với gia đình ông Mã Văn Thương (như báo Tiền Phong ngày 9/3 đã nêu), nhằm tránh sự chú ý của dư luận.
Nương nhẹ cho ông Bí thư?
Ngoài lý do xuất phát từ cá nhân ông Việt, vụ việc tranh chấp trở nên phức tạp, kéo dài còn có nguyên nhân rất lớn từ các cơ quan chức năng sở tại.
Lý do đầu tiên và chi phối xuyên suốt việc giải quyết tranh chấp là nhầm lẫn trong khi xác định vấn đề và cho rằng ranh đất thực tế không trùng khớp với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Việt nên tiến hành thu hồi và cấp lại cho ông Việt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới với ranh gấp khúc.
Thực ra, trước khi làm thủ tục tách thửa và cấp giấy chứng nhận sở hữu đất cho ông Việt, đất của ông Hận và ông Việt là cùng một thửa nên chưa từng hình thành ranh đất thực tế giữa ông Hận và ông Việt, và vì vậy không thể nói việc cấp giấy phép sử dụng không đúng với hiện trạng.
Do ngộ nhận ranh đất trong giấy chứng nhận sử dụng đất không giống với hiện trạng nên các cơ quan chức năng địa phương đã mặc nhiên lấy đó làm cơ sở khi xem xét giải quyết vấn đề tranh chấp giữa ông Thương và ông Hận mà quên đi “thủ phạm” gây tranh chấp đất giữa ông Thương và ông Việt chính là ông Việt. Từ cái sai này đã dẫn đến hàng loạt cái sai khác về sau trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Do không nhìn nhận đúng bản chất, căn nguyên dẫn đến tranh chấp nên các cơ quan chức năng không nhìn thấy và xử lý trách nhiệm cá nhân của ông Phan Hùng Việt, kể cả khi ông Việt xây dựng nhà với diện tích nhiều hơn giấy phép được cấp.
Mặt khác, có những dấu hiệu cho thấy một số cơ quan chức năng và cá nhân có trách nhiệm ở địa phương đã cố tình trì hoãn việc giải quyết tranh chấp cũng như xem xét trách nhiệm cá nhân ông Việt. Cụ thể, ngày 20/8/2015, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ra quyết định thành lập Tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xác minh làm rõ việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông Thương và ông Việt.
Thời gian thực hiện 45 ngày, kể từ ngày ra quyết định. Tuy nhiên sau đó tổ này không tiến hành xác minh, đề xuất xử lý vụ việc và công bố cho những người có quyền lợi và trách nhiệm liên quan biết. Vì vậy, trong tháng 4/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu lại tiếp tục ban hành quyết định thành lập tổ công tác tương tự để xác minh, giải quyết vụ việc.
“Tranh chấp ranh đất, rồi mất quyền sử dụng nên vợ chồng tôi, 4 con trai, dâu và 9 cháu nội dồn vô không hết. Từ lúc nợ vài chục triệu đồng, lãi mẹ đẻ lãi con lên đến 300 triệu đồng, chi nhánh ngân hàng Đông Á Bạc Liêu phạt quá hạn, đòi phát mãi. Đường cùng, vợ chồng tôi làm giấy tờ bán lô đất này rồi, để trả nợ. Nếu đòi được đất, người cho mượn tiền buộc làm giấy tờ sang bán, thương tình cho được bao nhiêu mừng bấy nhiêu, để tìm mảnh đất cho con cái. Ông nhà tôi vì tranh chấp đất mà đổ bệnh, khi nhớ khi quên, thủ thỉ với tôi “Không biết tôi còn sống đến ngày đòi lại đất chia con con cái ở không? Nếu không, chắc tôi chết không yên”. Bà Trần Mỹ Lê (vợ ông Mã Văn Thương) Sáng 16/5, trả lời PV tại cuộc họp giao ban báo chí của tỉnh Bạc Liêu, ông Nguyễn Tấn Khương-Chánh văn phòng UBND, người phát ngôn của UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết Tổ kiểm tra liên ngành xử lý tranh chấp đất đai giữa ông Phan Hùng Việt- Bí thư Huyện ủy Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) và gia đình ông Mã Văn Thương (tại địa chỉ số A 15/144 Quốc lộ 1A, thuộc ấp Trà Kha A, phường 8, TP.Bạc Liêu) đang tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc để trình thường trực UBND tỉnh xem xét giải quyết. |
Theo Tiền Phong