|
Phó đại sứ Triều Tiên Kim In Ryong phủ nhận chính phủ của ông đứng sau các vụ tấn công mạng WannaCry - Ảnh: AFP |
AFP cho biết có hơn 300.000 máy tính tại 150 quốc gia bị tấn công bởi virút WannaCry. Các máy tính bị nhiễm loại virút này sẽ bị giành quyền kiểm soát hệ thống và yêu cầu thanh toán bằng Bitcoin để người dùng lấy lại quyền kiểm soát.
Đoạn mã dùng trong cuộc tấn công gần đây nhất tương tự với đoạn mã từng được dùng trong các cuộc tấn công mạng trong quá khứ của chính quyền Kim Jong Un. Điều này đã khiến một số người cho rằng Triều Tiên có liên quan đến vụ WannaCry.
Tuy nhiên Bình Nhưỡng đã phủ nhận các cáo buộc này. Phó đại sứ Triều Tiên tại LHQ Kim In Ryong nói với các phóng viên rằng Washington và Seoul đứng sau các cáo buộc này.
"Bất cứ khi nào có điều gì đó kỳ lạ xảy ra, đó là cách mà Mỹ và các thể lực thù địch bắt đầu một chiến dịch ồn ào chống lại Triều Tiên" - ông Kim tuyên bố.
Công ty bảo mật internet Hauri, nổi tiếng về kho dữ liệu các hoạt động tin tặc của Bình Nhưỡng, đã cảnh báo các cuộc tấn công mạng kể từ cuối năm ngoái.
Simon Choi của công ty Hauri nói với hãng AFP rằng mã độc WannaCry đã chia sẻ đoạn mã với các công cụ từng được dùng để tấn công Sony Pictures và Bangladesh. Các vụ này cũng được đổ lỗi cho Triều Tiên.
Các nhà nghiên cứu tại Mỹ, Nga và Israel cũng chỉ ra mối liên hệ tiềm năng với Triều Tiên nhưng lưu ý rằng rất khó để nước này có thể thực hiện các cuộc tấn công mạng.
Nhà nghiên cứu Neel Mehta của Google cho biết có sự tương đồng giữa WannaCry và mã độc được nhóm tin tặc Lazarus sử dụng. Lazarus được cho là có kết nối với Bình Nhưỡng.
Theo TTO