Nói thẳng sự thật siêu nghĩa trang lấn rừng Tam Đảo

Thứ bảy, 20/05/2017, 10:47
Nếu tỉnh kiên quyết làm, cứ căn cứ theo Luật bảo vệ phát triển rừng, nếu lấy 50ha rừng trở lên là phải xin ý kiến Quốc hội.

Ai quy định tỉnh nào cũng phải có siêu nghĩa trang?

Liên quan đến chủ trương lấn rừng Tam Đảo để xây công viên nghĩa trang, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc thêm một lần khẳng định sau khi dừng dự án để xem xét lại thì đây là công trình vẫn cần thiết phải được xây dựng.

Tỉnh nêu lý do hiện nay Vĩnh Phúc chưa có lò hóa thân hoàn vũ, phải mang sang tỉnh khác, trong khi tỉnh có đủ điều kiện làm. Ngoài ra, Vĩnh Phúc chỉ có ba huyện đồng bằng nên không thể làm ở các huyện này.

Trước thông tin trên, trao đổi với PV, ngày 19/5, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho biết: "Việc có nhu cầu làm lò hóa thân hoàn vũ hay không là do địa phương nhận định, nếu có nhu cầu thật thì ai cũng ủng hộ, chúng tôi chỉ đặt vấn đề vì sao phải chọn rừng đã trồng rồi, rừng có tính chất phòng hộ tốt, tại sao chọn trong khi xung quanh có nhiều đất có thể làm được.

Vấn đề ở đây là trả lời câu hỏi tại sao lại chọn vị trí này, thay vì vị trí khác, đặt ra tiêu chí và đáp ứng được mọi tiêu chí đó thì chúng tôi sẽ đồng ý".

Hơn nữa, theo ông Lung, không ai quy định tỉnh nào cũng phải có lò hóa thân hoàn vũ, tỉnh thích làm thì cứ làm, nhưng vì sao không làm chỗ khác, trong khi nhu cầu phòng hộ đang rất cấp thiết.

Lấn rừng phòng hộ Tam Đảo để làm nghĩa trang

Rừng phòng hộ quy định có nhiều mục tiêu, ví dụ có mục tiêu bảo vệ đất, cụ thể là đất gốc, lượng nước mưa rơi xuống nó thấm vào mạch nước ngầm, chứ không chảy trên bề mặt.

Nước chảy bề mặt gọi là dòng nước mặt, có thể quét sạch cả làng xóm, ruộng đồng, còn rừng phòng hộ là đất gốc, đảm bảo chống xói mòn, dòng chảy không gây tác hại.

"Tôi thấy ở đây lãnh đạo Vĩnh Phúc toàn né tránh, giải thích lòng vòng, không tập trung vào điểm quan trọng nhất là vì sao nhất quyết chọn vị trí rừng phòng hộ", ông Lung nói thêm.

Muốn làm dự án thì tìm lý lẽ chuyển xóa rừng phòng hộ

Bên cạnh đó, ông Lung rất bất bình khi nghe lãnh đạo Vĩnh Phúc cho rằng, đối chiếu với quy định của Bộ NN&PTNT, nhận thấy khu vực làm nghĩa trang không đủ điều kiện, tiêu chí để quy định là rừng phòng hộ.

Chính vì thế hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc đang làm các thủ tục để điều chỉnh quy hoạch khu vực này ra khỏi diện tích rừng phòng hộ để phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương.

"Tôi là người trước đây phụ trách quản lý toàn bộ việc này, tôi cũng có khuyết điểm khi phê duyệt cho các tỉnh mà không có cán bộ đi thẩm tra tận nơi, khoanh vùng rừng phòng hộ là khoanh trên bản đồ địa hình.

Tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định như vậy thì chứng minh đi, chứng minh bằng các con số thẩm tra cụ thể.

Ở đây thấy rõ, khi được xác nhận là rừng phòng hộ thì tỉnh bằng lòng nhưng khi muốn làm dự án thì tìm lý lẽ chuyển nó ra khỏi vùng này, đó là các lý do không chính đáng.

Luật bảo vệ phát triển rừng bây giờ vẫn quy định 3 mức độ xung yếu: mức độ rất xung yếu, mức độ xung yếu, mức độ ít xung yếu, giờ anh ở mức độ nào, nếu rất xung yếu thì không có lý do gì chuyển đổi, còn xung yếu thì rừng phòng hộ có thể thay thế ở một số chỗ tương đương nhưng vẫn đảm bảo nguồn nước, giữ được đất, do Hội đồng Lâm nghiệp đánh giá.

Nếu rừng đó anh lấy thì phương án đền bù rừng đó thế nào, không phải một hécta bao nhiêu tiền, mà anh phải trồng rừng bù vào. Rừng đó có chức năng phòng hộ thế nào thì anh làm lại chức năng đó. Cùng đó, khi lấy đất rừng, cần phải đánh giá tác động môi trường", ông Lung nhận định.

Bơi ngược dòng lịch sử

Nếu Vĩnh Phúc cứ ngang nhiên làm, thay đổi quy hoạch theo dự án, theo ông Lung, cứ căn cứ theo Luật bảo vệ phát triển rừng mà làm, nếu lấy trên 50ha rừng trở lên là phải hỏi ý kiến Quốc hội, đừng dùng áp lực chính quyền xử lý.

Chỉ có điều Luật bảo vệ phát triển rừng trước đây làm rất đúng, nhưng Luận mới sắp sửa ra thì giữ rừng phòng hộ ít, mà muốn chuyển sang rừng sản xuất thì nhiều, mục đích là để có thêm của cải vật chất cho xã hội.

"Bản thân tôi đi ngược lại với chủ trương đó, vì nó ngược lại với thế giới, đi lùi hơn so với sự tiến bộ của nhân loại, thế giới họ giữ rừng bảo vệ môi trường, lấy gỗ không còn quan trọng vì họ thay gỗ bằng thủy tinh, chất dẻo, kim loại.

Chúng ta đừng bơi ngược dòng lịch sử khi sức mạnh còn yếu, rồi sẽ bị chính dòng chảy đó giết chết.

Cụ thể, theo quy định của Luật Đất đai 2015, đất rừng phòng hộ là loại đất đặc biệt, có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên pháp luật đưa ra một số hạn chế nhất định trong hoạt động chuyển nhượng. Khi muốn chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang đất nghĩa trang buộc phải xin phép Thủ tướng Chính phủ với diện tích trên 20ha.

Đặc biệt, theo Luật Đầu tư, chuyển đổi trên 50ha rừng phòng hộ sang làm đất nghĩa trang phải được Quốc hội thông qua.

Như vậy, vấn đề “xóa sổ” hơn 100ha rừng phòng hộ để chuyển sang làm nghĩa trang đón hơn 2 triệu người chết về Tam Đảo không chỉ dừng lại ở vấn đề bức xúc, phản đối của người dân mà còn chưa tuân thủ quy hoạch hiện có của địa phương.

Ngoài ra, còn phải trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội xem xét, phê duyệt. Bộ NN-PTNT lần này phải vào cuộc, chỉ rõ quy định xem Vĩnh Phúc nói đúng hay sai", ông Lung giải thích thêm.

Phải được Quốc hội cho phép

Cũng đưa ra quan điểm về sự việc trên, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "Phải khẳng định rằng, việc xây dựng nghĩa trang nói chung là cần thiết. Việc có nhà đầu tư muốn thực hiện dự án này thì tôi không có gì phản đối cả, mà ngược lại còn hoan nghênh mới đúng, bởi có cầu ắt phải có cung.

Cứ cho là không làm được ở huyện đồng bằng, phải làm miền núi, nhưng không được làm ở rừng phòng hộ, cái chúng tôi phản đối không phải là dự định xây nghĩa trang hay lò hóa thân hoàn vũ, mà là xâm phạm 100ha diện tích rừng phòng hộ, đã được khoanh vùng bảo vệ, làm như thế là sai về pháp luật, muốn làm về nguyên tắc phải được Quốc hội cho phép.

Tức vấn đề đặt ra là phải chọn địa điểm thực hiện dự án cho phù hợp để không ảnh hưởng tới quy hoạch chung, để đảm bảo môi trường, cuộc sống người dân xung quanh, chứ không phải địa phương đó chạy theo dự án để hợp thức hóa quy hoạch mà bất chấp các quy định của pháp luật, dẫn đến những hệ lụy xấu".

Theo ông Liêm, rừng phòng hộ đâu phải phòng hộ riêng cho Vĩnh Phúc mà còn nhiều địa phương khác, gần nhất là thủ đô Hà Nội. Chuyện hỏa thiêu mang sang tỉnh khác là bình thường, mai táng phải xem nó như một dịch vụ, không ai phân biệt hộ khẩu tỉnh nào mới được hỏa thiêu.

Ở đây chẳng qua là việc đầu tư vào "bất động sản nghĩa trang" sẽ mang lại lợi nhuận lớn, cho nên, khi có chủ trương đầu tư, nhà đầu tư thấy dự án có lợi nhuận họ mới làm.

Do đó, bản chất của việc quy hoạch này có thể là nhằm hợp thức hóa cho dự án xây dựng. Vì chủ đầu tư họ muốn vào đó, nên dù là rừng phòng hộ, thì cũng cố phục vụ họ.

"Chuyện thích làm dự án thì cho ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ là sai, đã là rừng phòng hộ thì cứ theo Luật, muốn thay đổi xâm phạm thì phải được phép của Quốc hội. Ai quy hoạch trước đây là rừng phòng hộ phải bị truy trách nhiệm.

Đối với dự án này, cần sớm có ý kiến của các Bộ ngành có liên quan như Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, các nhà khoa học trong việc thực hiện đánh giá, thẩm định tính khoa học của dự án.

Trong thực tế, không ít chủ đầu tư vì lợi nhuận mà còn bất chấp, làm trái quy hoạch, Vĩnh Phúc cũng nên lưu ý điều này", ông Liêm khẳng định.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn