Một vành đai, nhiều quan ngại

Thứ bảy, 20/05/2017, 11:54
Phần lớn các dự án trong OBOR bắt nguồn từ mục tiêu địa chính trị hơn là thuần túy thương mại.

Mô hình chiếc cầu vàng rực được xây dựng bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Bắc Kinh là hình ảnh đầu tiên mà quan khách các nước tới Hội nghị Một vành đai, Một con đường (One Belt One Road - OBOR). Nhưng trong hội nghị, chủ nhà Trung Quốc còn đưa ra nhiều viễn cảnh còn hấp dẫn và ấn tượng hơn.

OBOR là sáng kiến mang tính di sản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy giao thương và nâng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực Âu - Á. Sáng kiến xoay quanh Con đường tơ lụa từ Trung Quốc đến châu Âu và Con đường tơ lụa hàng hải đi từ Trung Quốc qua eo Malacca đến Ấn Độ và Trung Đông.

Cụ thể hơn, Trung Quốc sẽ đầu tư 4.000-8.000 tỉ USD cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước thuộc sáng kiến OBOR, trong đó nổi bật là hạ tầng giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ và hạ tầng năng lượng, viễn thông.

Nguồn vốn đầu tư sẽ đổ vào các dự án thông qua các tập đoàn kinh tế nhà nước của Trung Quốc, cũng như các tổ chức tài chính trong đó nòng cốt là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và các ngân hàng chính sách Trung Quốc (Chexim và CDB). Theo báo cáo của Fitch năm 2017, hiện tổng giá trị của các dự án đang được đầu tư thuộc OBOR đã vượt 900 tỉ USD.

Theo báo cáo của HSBC, OBOR diễn ra trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á ước tính cần hơn 2.000 tỉ USD đầu tư cơ sở hạ tầng từ nay đến năm 2030. Trong đó, Việt Nam cần khoảng 259 tỉ USD, tương ứng với khoảng 30 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ mới lên kế hoạch đầu tư khoảng 96 tỉ USD.

Các chuyên gia kinh tế của HSBC dự đoán rằng OBOR sẽ giúp lấp đầy khoảng trống trong vốn đầu tư, khi vốn vay ODA của Việt Nam từ Nhật và Hàn Quốc đã đạt mức cao. Tuy nhiên, việc nhận vốn đầu tư của Trung Quốc như thế nào là không hề đơn giản.

Hạ tầng sẽ nâng nợ công

Báo cáo Chính phủ cho biết, cuối năm 2015, nợ công của Việt Nam đã đạt 62,2% GDP và cuối năm 2016 sẽ đạt 64,9%, sát với mức trần nợ công là 65% GDP. Trong báo cáo Bắt mạch nợ công, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành và Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, ước tính trong số 62,2% GDP nợ công, nợ chính phủ từ thâm hụt ngân sách và khoản vay bằng trái phiếu chính phủ chiếm 50,3% GDP và nợ chính phủ bảo lãnh chiếm 11,1% GDP, còn lại là nợ của chính quyền địa phương. Mặc dù cần đến hơn 163 tỉ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng, Việt Nam khó nhận vốn vay từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, định nghĩa nợ công của Việt Nam sẽ giúp hé cánh cửa cho vốn đầu tư Trung Quốc tham gia mà không làm tăng nợ công. Cụ thể, định nghĩa nợ công của Việt Nam không bao gồm nợ không do Chính phủ bảo lãnh của các tập đoàn kinh tế quốc doanh. Thông qua các ngân hàng chính sách và ngân hàng thương mại, Chính phủ Trung Quốc có thể rót vốn trực tiếp qua các khoản vay với lãi suất ưu đãi cho các công ty, tập đoàn kinh tế quốc doanh Việt Nam mà không làm tăng nợ công Việt Nam theo định nghĩa.

Đối tượng nhận vốn vay có thể là các công ty, tập đoàn kinh tế quốc doanh trong lĩnh vực xây dựng, cơ sở hạ tầng như nhóm Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông (Cienco), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC)... Chính quyền địa phương các tỉnh vẫn có thể vay vốn Trung Quốc để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng mà không làm ảnh hưởng đến nợ công chính phủ, miễn là khoản vay không do chính phủ đứng ra bảo lãnh.

Trung Quốc còn có thể tham gia thị trường cơ sở hạ tầng Việt Nam khi các công ty quốc doanh Trung Quốc tham gia góp vốn vào các chủ đầu tư dự án hạ tầng theo mô hình BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao). Điển hình là các liên doanh giữa EVN, PVN và các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc như Công ty Lưới điện Phương Nam, Công ty Điện lực Quốc tế Trung Quốc (dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1), Công ty Tư vấn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc (dự án nhiệt điện Hải Phòng)...

Ngoài ra, ông Winfield Wong, Giám đối Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nhiệp, HSBC Việt Nam, cho rằng Chính phủ cần thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân dưới hình thức công tư (PPP) vào phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là khi khối tư nhân chỉ chiếm 10% tỉ trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng Việt Nam.

AIIB cũng có thể hỗ trợ thúc đẩy cho vay khu vực tư nhân đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng dưới chương trình OBOR. Giám đốc Đầu tư của một quỹ đầu tư tại Việt Nam chuyên đầu tư các dự án hạ tầng, cũng đưa ra dự đoán với giới hạn về nợ công, các dự án hạ tầng sẽ được phân loại và sẽ chuyển dần sang PPP thay cho các hình thức BOT và BT.

Cân nhắc thận trọng

Sáu nước châu Âu gồm Đức, Pháp, Anh, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Estonia từ chối ký kết vào bản thông cáo chung công bố ngày 15.5 khi Diễn đàn hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” kết thúc. Các nước châu Âu từ chối đặt bút ký do văn bản này không quan tâm đúng mức đến “các chuẩn mực về môi trường, về các tiêu chuẩn xã hội, không bảo đảm tính minh bạch mỗi khi các cơ quan nhà nước gọi thầu”.

Theo một nghiên cứu công bố năm 2016, các nhà khoa học của Đại học Oxford, Anh, đã chỉ ra rằng hơn một nửa vốn Trung Quốc đã đầu tư cho hạ tầng hủy hoại, chứ không tạo ra thêm giá trị cho nền kinh tế, xuất phát từ việc quản lý yếu kém các khoản đầu tư này. Tuy nhiên, không ít nhà kinh tế nhận định rằng dù không có hiệu quả tài chính, các dự án hạ tầng của Trung Quốc vẫn đem lại lợi ích gián tiếp, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế và mức độ kém hiệu quả của dự án vẫn ngang tầm với các dự án của các nước phát triển.

Việt Nam lại đang trong hoàn cảnh nợ chồng chất phải đương đầu với vấn đề tìm tiền trả nợ. Theo báo cáo Bắt mạch nợ công, Việt Nam đang phải đảo nợ. Trong tình cảnh như vậy, Việt Nam phải đảm bảo ưu tiên các dự án đem lại hiệu quả kinh tế nhận được vốn đầu tư để không làm trầm trọng thêm vấn đề dòng tiền trả nợ, nhất là khi các dự án hạ tầng thường có vòng quay hoàn vốn dài.

Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) và ghi nhận của các báo, xu hướng vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam trong vài năm gần đây có phần tập trung vào các dự án năng lượng, chủ yếu là các dự án nhiệt điện than. Nếu không chịu các ràng buộc tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, nhà đầu tư Trung quốc không phải đầu tư và vận hành dây chuyền xử lý khí thải, chất thải từ sản xuất.

Các dự án này còn có các điều khoản thuận lợi, cụ thể cho phép nhà đầu tư vận hành hoàn toàn trong 25 năm, sau đó mới bàn giao. Như vậy, nhà đầu tư không có động lực để đầu tư công nghệ hiện đại, thiết bị tốt nhằm đảm bảo nhà máy, dây chuyền hoạt động lâu dài trên 25 năm. Các nhà máy nhiệt điện thường được đặt gần nguồn nước lớn để làm nguội, quy trình sản xuất cũng tiêu tốn tài nguyên nước, đe dọa đến nguồn nước dùng cho nông nghiệp.

Ngoài ra, các dự án do Trung Quốc đầu tư thường sử dụng lao động nước này. Điển hình có Trà Vinh cấp phép cho hơn 2.000 lao động Trung Quốc phục vụ dự án nhiệt điện Duyên Hải, hay hơn 600 lao động Trung Quốc thi công dự án nhiệt điện Vĩnh Tân tại Bình Thuận. Các đơn vị truyền thông cũng nhiều lần phản ánh việc các nhà thầu Trung Quốc chiếm lĩnh công trình có đầu tư của công ty Trung Quốc, trong khi các công ty xây dựng Việt Nam chỉ đảm nhận các gói thầu phụ nhỏ hơn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật chưa cao.

Theo Viện Tư vấn chính sách đối ngoại châu Âu, phần lớn các dự án trong OBOR bắt nguồn từ mục tiêu địa chính trị hơn là thuần túy thương mại. Mặt khác, ghi nhận tại hội nghị, truyền thông quốc tế cho rằng, tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại và đang phải tìm kiếm thị trường mới, cơ hội mới ở nước ngoài. Với OBOR, trước hết là để Bắc Kinh xuất khẩu khối lượng lớn hàng hóa công nghiệp đang dư thừa trong nước, sau nhiều thập niên tăng trưởng quá nóng. Vì thế, OBOR sẽ là một công cụ để Trung Quốc “nhất tiễn hạ song điêu”.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn