Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP |
Khi lãnh đạo 29 nước tập hợp tại Bắc Kinh ngày 14 - 15/5 nhằm cùng toạ đàm về dự án tham vọng của Trung Quốc, một câu hỏi đã dấy lên - Sáng kiến Vành đai, Con đường thực sự mang ý nghĩa gì?
Được đưa ra năm 2013 bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đây được coi là một tầm nhìn rộng lớn cho sự kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu, được đầu tư hàng tỷ USD cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên bức tranh đầy tham vọng này còn thiếu nhiều chi tiết cụ thể.
40 tỷ trong quỹ 100 tỷ USD của ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu đã được sử dụng như một quỹ đặc biệt cho dự án này. Sáng kiến Vành đai, Con đường có tên đầy đủ là Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa Trên biển thế kỷ 21.
Trung Quốc đã tích cực quảng bá trước khi hội nghị diễn ra, truyền thông của họ dẫn lại những nhận xét tích cực từ các nhà lãnh đạo phương Tây. Tuy vậy, một số nhà ngoại giao nghi ngờ về mục đích của sáng kiến này.
"Có rất nhiều hoài nghi về sáng kiến này. Đây thực sự là một sáng kiến rất hấp dẫn với một số phần của châu Âu bởi sự kết nối hạ tầng, nhưng chúng ta đều biết rằng mục đích chính của chương trình đầy tham vọng này là nhằm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc", một quan chức ngoại giao kỳ cựu của châu Âu nói.
"Cuộc gặp này là dịp để Trung Quốc ca ngợi ông Tập Cận Bình và sáng kiến Vành đai, Con đường của ông ấy", một nguồn tin ngoại giao thân cận với việc soạn thông cáo hội nghị nói.
Tuy nhiên, với việc ông Trump đang theo đuổi chương trình nghị sự "Nước Mỹ trước tiên", nhiều quốc gia có thể muốn tham gia kế hoạch lớn của Trung Quốc.
"Các quốc gia hối thúc Trung Quốc để được tham gia vào sáng kiến chứ không phải Trung Quốc đang gây sức ép lên họ", một nhà ngoại giao cấp cao châu Á cho biết.
Trong khoảng thời gian từ 2014 - 2016, các doanh nghiệp của Trung Quốc đã ký kết những dự án trị giá 304,9 tỷ USD ở các quốc gia nằm trong sáng kiến. Trong đó có một số dự án cần nhiều năm để phát triển.
'Hai bên cùng có lợi'
Trung Quốc đã phật lòng trước những ý kiến cho rằng Con đường Tơ lụa mới là công cụ thể hiện sự thống trị và ép buộc của Bắc Kinh. Trung Quốc nói rằng sáng kiến này có lợi cho tất cả các bên và bất cứ ai cũng có thể tham gia.
"Những người phương Tây có xu hướng hoài nghi không thấy được thực tế rằng Trung Quốc muốn hướng tới lợi ích của đôi bên, họ không phải là những người chỉ quan tâm tới lợi ích của riêng mình", một bài bình luận bằng tiếng Anh trên Xinhua có đoạn viết.
"Như Khổng Tử từng nói: Ai muốn thành công thì hãy giúp đỡ người khác thành công".
Tuy nhiên, trong các bài bình luận bằng tiếng Trung, Trung Quốc lại vạch ra tham vọng. "Đây là giải pháp phục hồi kinh tế toàn cầu mà Trung Quốc đưa ra", một bài xã luận tiếng Trung trên Xinhua có đoạn viết.
Sáng kiến của Trung Quốc gặp nhiều rủi ro từ các nước khác. Tại Sri Lanka đã có những cuộc biểu tình công khai phản đối sáng kiến Vành đai Con đường. Ở Pakistan, nơi phiến quân Hồi giáo đặt ra những mối đe doạ về an ninh, chính phủ phải cử quân đội nhằm bảo đảm cho Hành lang kinh tế Pakistan - Trung Quốc trị giá 57 tỷ USD, một phần quan trọng của Con đường Tơ lụa mới.
Hành lang này chạy qua Kashmir, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Ấn Độ và Pakistan. Chính phủ nước này đã có động thái phản đối việc Trung Quốc muốn nơi đây trở thành một phần của hành lang kinh tế. "Chúng tôi có một số quan ngại nghiêm túc vì điều này liên quan đến vấn đề chủ quyền", Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley cho biết.
Tham vọng hồi sinh Con đường Tơ lụa của Trung Quốc. |
Đặt chính trị lên trước kinh tế?
Tại Trung Quốc, mức độ đưa tin tích cực về Vành đai Con đường ngày càng dày đặc hơn, với những những bộ phim tài liệu trên truyền hình nhà nước và hình ảnh người dân các nước tham gia sáng kiến tười cười ca ngợi những gì nó mang lại.
Trong cuộc họp, sẽ có khoảng 50 bản ghi nhớ, kế hoạch, thư ngỏ hợp tác và các dự án giao thông vận tải, năng lượng, truyền thông sẽ được ký kết, các quan chức chính phủ Trung Quốc cho biết.
"Đây sẽ là một tài liệu mang tính tư vấn chung cho tất cả các bên nhằm phản ánh sự đồng thuận về việc thúc đẩy sự phát triển của sáng kiến", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói về tuyên bố chung của hội nghị.
Một số chuyên gia Trung Quốc nói rằng chính trị đang được đặt lên trước các yếu tố kinh tế.
Một nhà tư vấn kinh tế tại Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc - cơ quan nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Bắc Kinh, nói: "Tôi tin rằng chiến lược quốc gia là ưu tiên hàng đầu. Những mối quan tâm kinh tế chỉ là ưu tiên thứ hai".
Một số quốc gia châu Á cũng có sự thận trọng với hướng đi này. Tại cuộc họp của Ngân hàng Phát triển Châu Á ở Nhật Bản, phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines Diwa Guinigundo cho biết rất khó để đánh giá sớm sáng kiến Con đường Tơ lụa mới.
Ông Guinigundo nói: "Nó đang là một tầm nhìn. Nó cần được đưa vào thực tế phần nào đã".
Nguồn ngoại giao quen thuộc với các cuộc thảo luận để ra thông cáo nói rằng những cuộc đàm phán này rất khắc nghiệt, vì tất cả các bên đều muốn được lên tiếng. Đã có ít nhất ba buổi bàn bạc để viết dự thảo, một trong số đó kéo dài tới 13 giờ đồng hồ.
Kế hoạch ban đầu là nước chủ nhà sẽ đưa ra một thông cáo báo chí, nhưng Trung Quốc đã thay đổi nó thành một thông cáo chung, nguồn tin cho hay. "Điều đó có thể nhằm làm cho cuộc họp này có thêm sức nặng".
Theo VNE