Trao đổi với PV, anh Nguyễn Thành Nam ở TP.HCM cho biết, đang dùng thẻ ghi nợ quốc tế - Visa debit của Ngân hàng Ngoại thương - Vietcombank khoảng hơn 7 năm nay. Thẻ có số dư hơn 30 triệu đồng.
Sáng 13/5, sau khi ngủ dậy, anh phát hiện trong điện thoại có nhiều tin nhắn đến. Khi mở ra xem thì anh Nam phát hiện có 7 giao dịch rút tiền được thông báo qua điện thoại của anh trong khoảng thời gian từ 3h42’ đến 5h34’ rạng sáng 13/5. Trong đó có 5 giao dịch thành công đã trừ hết tổng cộng 30 triệu đồng và 2 giao dịch không thực hiện được vì tài khoản không đủ tiền.
7 giao dịch rút tiền được thông báo qua điện thoại của anh Nam. |
Theo tin nhắn trên điện thoại mà anh Nam nhận được, các giao dịch trên là để thanh toán cho tiền mua vé máy bay từ trang web của hãng hàng không AirAsia tại các quốc gia như Myanmar, Indonesia, Singapore.
"Khi kiểm tra lại thì tôi vẫn thấy thẻ còn trong ví và trước giờ chưa bao giờ tiết lộ mật mã cá nhân cho ai", anh nói và cho biết chỉ có dùng thẻ để giao dịch mua hàng trực tuyến trong nước và mua vé máy bay Việt Nam Airline chứ chưa từng thanh toán tiền vé máy bay của hãng AirAsia hay các hãng hàng không nước ngoài nào.
Sau khi bị mất tiền, anh Nam đã liên hệ ngay đến Vietcombank yêu cầu khoá tài khoản, đồng thời trình báo sự việc. Do là ngày nghỉ cuối tuần nên anh được ngân hàng hẹn đến thứ Hai tức ngày 15/5 sẽ giải quyết vụ việc.
Trong buổi tiếp xúc sáng 15/5, anh Nam được phía Vietcombank cho biết ngay khi nhận được thông báo vào sáng thứ Bảy, nhà băng này đã làm việc với AirAsia và chặn được 3 giao dịch nên sẽ thu hồi lại những khoản tiền phát sinh trên cho anh Nam trong thời gian ngắn nhất có thể. Hai giao dịch còn lại, thì Vietcombank vẫn đang tiếp tục làm việc với các bên liên quan và hẹn trong thời gian 30 ngày sẽ có kết quả cuối cùng cho anh Nam.
Trao đổi với PV, đại diện Vietcombank cho biết, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng cũng như ngân hàng, phía nhà băng đang tích cực phối hợp các bên liên quan để giải quyết theo đúng quy trình và cố gắng rút ngắn tối đa thời gian giải quyết khiếu nại cũng như nhờ công an công nghệ cao hỗ trợ điều tra.
Đại diện ngân hàng khuyến cáo, để hạn chế rủi ro khi sử dụng thẻ, khách hàng cần giữ gìn thẻ, bí mật số Pin, không cho người khác mượn, sử dụng thẻ, cũng như kịp thời liên hệ ngay với Trung tâm chăm sóc khách hàng để được hỗ trợ kịp thời.
Anh Nguyễn Thành Nam cũng cho rằng, sự cố mất tiền là nằm ngoài mong muốn của người dùng thẻ lẫn ngân hàng, và điều anh quan tâm nhất là động thái xử lý từ phía ngân hàng có nhanh chóng, kịp thời và chuyên nghiệp hay không mới là điều quan trọng. “Và với cách xử lý lần này của Vietcombank, tôi cảm thấy hài lòng và yên tâm hơn”, anh nói.
Đồng thời, qua sự việc lần này anh Nam cho rằng, thấy phần đông mọi người cũng giống anh luôn tin tưởng hoàn toàn vào sự bảo mật của ngân hàng mà quên mất vấn đề tự bảo mật thông tin cho chính mình. “Dù là xài ngân hàng nào, cũng nên tự mình ý thức việc đó”, anh kết luận.
Nhìn nhận về việc thời gian gần đây một số khách hàng liên tiếp bị mất tiền trong tài khoản thẻ do bị tội phạm mạng tấn công, các chuyên gia cho rằng đó là sự cố rất bình thường, có thể xảy ra trong bất kỳ nền tài chính nào trên thế giới. Sự việc khách hàng bị mất tiền gần đây cũng là các trường hợp xảy ra đơn lẻ, tội phạm đánh cắp hoặc lừa đảo khách hàng, lấy được thông tin đăng nhập vào dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc số thẻ thanh toán thông qua các bên nằm ngoài hệ thống ngân hàng...
Mặt khác, khi các ngân hàng Việt Nam phát triển lớn mạnh, số lượng khách hàng ngày một nhiều, sẽ đi cùng với việc bảo mật ngày một phức tạp và áp lực hơn. Nhất là khi tội phạm mạng luôn chạy trước, đón đầu về công nghệ thông tin.
Theo VNE