Cổng thông tin điện tử Chính phủ dẫn lời ông Phạm Sỹ Liêm (Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) cho biết môi trường kinh doanh hiện nay được cải thiện nhiều. Ông Liêm dẫn ví dụ đã xoá bỏ điều kiện đầu tư, kinh doanh quy định trong các thông tư của các Bộ, quyết định của UBND tỉnh, Quốc hội ban hành danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện...
Ông Phạm Sỹ Liêm. Ảnh:Btct.nuce.edu.vn. |
Lãnh đạo Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào thị trường.
Ngoài ra, ông Liêm đề xuất nên rà soát lại chế độ phân cấp trong quản lý nhà nước về đầu tư, kinh doanh. “Một số địa phương đã không thực hiện tốt nhiệm vụ được phân cấp. Trong thời đại công nghệ thông tin, Chính phủ có điều kiện trực tiếp quản lý nhiều việc mà không cần phân cấp, không sợ quan liêu trì trệ”, ông Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh.
Ông Mạc Quốc Anh (Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội) cho rằng các khó khăn luôn luôn hiện hữu với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô nhỏ. Các khó khăn như tiếp cận vốn vay, tỷ trọng doanh thu đầu ra để bù đắp chi phí đầu vào thấp, lợi nhuận biên mỏng.
Theo ông Quốc Anh, bộ máy quản lý vẫn chưa vận hành đồng bộ hoàn toàn, có triển khai nhưng chưa quyết liệt và trình độ quản lý hành chính chưa cao.
Ông kỳ vọng Hội nghị Thủ tướng sẽ là bước nền để đưa cơ quan Nhà nước gần lại với doanh nghiệp hơn.
"Quan hệ giữa hai bên có chặt chẽ thì Nhà nước mới có thể tháo gỡ khó khăn được cho doanh nghiệp”, ông nói.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới kể từ sau hội nghị "Diên Hồng" lần thứ nhất, tháng 4/2016. Nguồn: Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Đồ họa: Hiếu Công. |
Nhìn nhận về 1 năm sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất,ông Nguyễn Trọng Điều(Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam) cho rằng môi trường kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, thể hiện qua những kết quả phát triển kinh tế-xã hội vừa qua.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh vẫn còn những “hạt sạn”, thể hiện qua công bố mới đây về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2016 (PAPI).
Ông Điều cho rằng cần nhanh chóng cụ thể hóa những cơ chế, chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, lao động - tiền lương, hỗ trợ về đào tạo, khoa học, công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại… giúp doanh nghiệp.
Đặc biệt, quản lý Nhà nước phải theo kịp sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Nhà nước không vì chưa quản lý được mà hạn chế, gây khó hoặc cấm các hoạt động liên quan đến ứng dụng tri thức và công nghệ cao.
Theo ông Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam), Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất.
Chính sự yếu kém trong khâu thực thi đã dẫn đến nếu doanh nghiệp muốn được việc thì phải “chung chi” theo kiểu “của công chia ba, của nhà chia đôi”, đây là vấn đề tương đối phổ biến.
Để khắc phục hiện tượng này phải xuất phát từ cả hai phía là cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Chỉ như vậy mới tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn và bền vững.
Ông Thân đề xuất Chính phủ, Thủ tướng cần tiếp tục có giải pháp tăng cường kỷ luật và trách nhiệm hướng dẫn của công chức khi tiếp xúc với doanh nghiệp, nêu cao tinh thần lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ.
Ông Trương Đình Tuyển. Ảnh: Chinhphu.vn. |
Theo ông Trương Đình Tuyển (nguyên Bộ trưởng Thương mại, thành viên Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh), vấn đề hoàn thiện thể chế có ý nghĩa quan trọng, cấp bách, tốc độ và trình độ phát triển của một lĩnh vực, một quốc gia chủ yếu là do thể chế quyết định.
Thể chế kinh tế thị trường (KTTT) ở nước ta từng bước được hoàn thiện, môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nền KTTT ở nước ta vẫn còn những bất cập, làm phát sinh những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Việc sử dụng và phân bổ nguồn lực chưa hiệu quả. Các loại thị trường, các yếu tố của KTTT chưa hình thành đầy đủ và vận hành đồng bộ. Nền kinh tế phát triển không bền vững. Cần đánh giá đầy đủ thực trạng này để có những quyết định kịp thời và chính xác.
Cải cách DNNN không chỉ là cổ phần hóa, dù cổ phần hóa là nội dung quan trọng nhưng điều còn quan trọng hơn là áp đặt kỷ luật thị trường lên hoạt động của DNNN, đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Từ đó, đổi mới quản trị và nâng cao hiệu quả của DNNN.
So sánh số doanh nghiệp thành lập mới và tạm ngừng hoạt động một năm vừa qua. Nguồn: Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Đồ họa: Hiếu Công. |
Trả lời Báo điện tử Chính phủ về các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng có 5 nhóm vấn đề mấu chốt nhất.
Thứ nhất, là cần hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật, gỡ bỏ những gì là rào cản, vướng mắc với doanh nghiệp.
Thứ hai là đẩy mạnh chống tham nhũng bởi chi phí không chính thức đang là một gánh nặng với các doanh nghiệp.
Thứ ba là cần giảm lãi suất vay vốn. Trong khi ở nhiều nước, lãi suất chỉ ở mức 2-3% thì ở Việt Nam, lãi suất phổ biến hiện nay vẫn ở mức 9-10% nên doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh.
Thứ tư là có thể tham khảo mô hình cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ (U.S. Small Business Administration – SBA), với các hoạt động hỗ trợ thiết thực, cụ thể cho doanh nghiệp nhỏ.
Thứ năm là tăng cường đào tạo, có thể thông qua các lớp học ngắn hạn để nâng cao trình độ cho các doanh nhân.
Theo Zing