Bộ Tài chính đề nghị thanh tra 60 dự án: Có dấu hiệu rủi ro chính sách

Thứ ba, 16/05/2017, 10:52
Theo chuyên gia bất động sản, việc Bộ Tài chính đề xuất thanh tra nghĩa vụ tài chính, và tạm dừng các dự án đất vàng là bằng chứng của việc rủi ro chính sách là có thực.    

Việc Bộ Tài chính kiến nghị thanh tra, tạm dừng 60 dự án trong cả nước, theo các chuyên gia là biểu hiện của rủi ro chính sách mà doanh nghiệp gặp phải.

Ai chịu trách nhiệm nếu có thất thoát tài sản?

Các luật sư cho rằng trong văn bản mà Bộ Tài chính công bố, vấn đề được quan ngại là nguy cơ thất thoát tài sản từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các dự án trên đất vàng hay quá trình cổ phần hóa của các doanh nghiệp sở hữu đất ấy.

Có chuyên gia đặt câu hỏi về việc đối tượng và nội dung của kiến nghị thanh tra liệu đã chuẩn. Ai chịu trách nhiệm nếu có thất thoát tài sản?

Trong số 60 dự án bất động sản được Bộ Tài chính nêu, có 25 dự án ở Hà Nội, 13 dự án ở TP.HCM, còn lại 22 dự án ở 7 địa phương khác.

Thế nhưng, đối tượng cần thanh tra ở các dự án này là ai, khi không ít dự án đã qua vài lần đổi chủ?

Đơn cử, dự án ở đường Phạm Hùng, Hà Nội đã được doanh nghiệp hiện tại mua lại, sau khi quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng như cấp phép dự án đã hoàn thành. Tương tự, dự án căn hộ cao cấp ở quận 7, TP.HCM về tay chủ sở hữu hiện nay sau khi đơn vị này tới ngân hàng giải chấp từ tài sản cầm cố của đơn vị đối tác.

Trong số 60 dự án bất động sản được Bộ Tài chính nêu, có 25 dự án ở Hà Nội, 13 dự án ở TP.HCM, còn lại 22 dự án ở 7 địa phương khác.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, nêu rõ nếu Bộ Tài chính nghi ngờ nhà nước đã bị thất thoát tài sản thì cần thanh tra quy trình chuyển đối có đúng quy định, hoặc có sai sót gì trong thực hiện cổ phần hóa, khi định giá tài sản doanh nghiệp đã bỏ sót, định giá thấp. Trong trường hợp ấy, cơ quan chức năng phê duyệt thẩm định giá phải chịu trách nhiệm.

"Việc của cơ quan quản lý nhà nước hiện nay nếu cần là thanh tra xử lý những tổ chức, cá nhân nào cố ý làm trái các quy định trước khi bán ra thị trường hoặc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước", ông Đức nói.

Các chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Ngô Trí Long thì cho rằng danh sách 60 dự án lần này bước đầu cho thấy những bất cập trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đây là hệ quả của việc thiếu minh bạch trong định giá tài sản, nhất là đất đai trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

Rủi ro chính sách với doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam, đề xuất thanh tra của Bộ Tài chính là một dạng rủi ro chính sách tại Việt Nam.

“Chưa thể kết luận tất cả các dự án có liên quan đến rủi ro chính sách hay không nhưng theo tôi thì có một số gặp phải vấn đề này”, ông Đính nói.

Trước đây, luật pháp chưa hoàn thiện, các quy định còn lỏng lẻo cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Một số doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp Nhà nước có cổ phần liên kết với tư nhân để sử dụng quỹ đất mà mình có. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra dễ dàng. Các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng đơn giản với các quy định chưa hoàn thiện. Một số dự án được cho nợ tiền sử dụng đất, hoặc cơ chế không bắt buộc phải nộp hết mới được triển khai

Hiện nay, các quy định của pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, chặt chẽ hơn. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không thông thoáng như trước.

Trong bối cảnh đó, các cơ quan quản lý sẽ tìm hiểu và xem xét lại nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa thực hiện, hoặc đã thực hiện nhưng với “giá trị thấp”, Nhà nước sẽ xem xét lại và yêu cầu doanh nghiệp bổ sung nghĩa vụ của mình, tránh gây thất thoát cho ngân sách.

Ông Đính nhấn mạnh việc đề nghị thanh tra của Bộ Tài chính liên quan đến nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp, không liên quan đến kỹ thuật hay quá trình thực hiện dự án.

"Quan điểm của Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam là nghĩa vụ của doanh nghiệp thì phải hoàn thành. Các doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế đã triển khai dự án thì phải hoàn thành. Các doanh nghiệp mà cơ quan quản lý chưa tính toán hết các nghĩa vụ thì Nhà nước phải xử lý nhanh hơn”, ông Đính nói.

Ông cũng cảnh báo việc thanh tra lại các dự án trước kia có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho dự án nên cơ quan quản lý phải cân nhắc và xem xét kỹ.

Trong khi đó, một doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM có tên trong danh sách cho biết đến nay họ cũng chưa nhận được thông tin cụ thể, hướng dẫn thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung, nếu có, từ Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan.

Đơn vị này cũng cam kết không để người mua nhà phải chịu thiệt, gánh trách nhiệm tài chính từ nghĩa vụ phát sinh của chủ đầu tư, nếu có.

Theo Zing

Các tin cũ hơn