Sáng nay, Thủ tướng họp “Hội nghị Diên Hồng” với cộng đồng doanh nghiệp

Thứ tư, 17/05/2017, 08:58
Đúng theo kế hoạch, sáng nay (17/5), Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 đã bắt đầu diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, đại diện các bộ ngành và các doanh nghiệp.

Hội nghị năm nay có chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, có quy mô gấp 4 lần năm 2016 với khoảng 2.000 đại biểu, trong đó, khoảng 1.500 đại biểu là các doanh nghiệp tư nhân.

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu chỉ đạo khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi “tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris”; chí sĩ Lương Văn Can “việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy”... và cho rằng những bài học, hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân hiện nay khởi nghiệp và phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, tuy đã làm được nhiều việc nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước, bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp. Trong Hội nghị này, Thủ tướng mong muốn các đại biểu góp ý thẳng thắn, chân thành và xây dựng, qua đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một Chính phủ hành động luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Ông Vũ Tiến Lộc: "Boeing cũng sẽ rất khó nếu kinh doanh ở Việt Nam"

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng đánh giá, trong năm 2017, bên cạnh những thuận lợi thì nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh nhưng tốc độ tăng GDP đạt thấp, quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2015 và 2016. Tái cơ cấu kinh tế trong các ngành, lĩnh vực còn chậm, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn ở mức cao.

Chính phủ điện tử đưa vào áp dụng đã phần nào tháo gỡ khó khăn, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp nhưng chưa triệt để, doanh nghiệp vẫn phản ánh vướng mắc nhiều trong các vấn đề: đất đai, tín dụng, thuế, hải quan, thị trường, an toàn tài sản…; trình độ công nghệ lạc hậu, yếu kém dẫn đến năng lực cạnh tranh nói chung của khu vực doanh nghiệp còn thấp.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và thương mại trên thế giới. Việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là các Hiệp định FTA thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,7%, Thủ tướng đánh giá, áp lực lên 9 tháng cuối năm là rất lớn khi phải đạt mức tăng trưởng 7%. Khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, then chốt trong việc thực hiện và đạt được các mục tiêu trên.

Toàn cảnh hội nghị.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ bảo đảm quyền tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, giải quyết triệt để hiện tượng chồng chéo, trùng lắp trong công tác thanh tra, kiểm tra; bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, tạo dựng niềm tin, sự an tâm cho doanh nghiệp khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

“Cơ quan chính quyền các cấp hướng tới phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại; chính sách có rồi thì thực thi thế nào để các cơ quan nhà nước thực sự trở thành người đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trên bước đường thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước trong đó có sự thành công của các doanh nghiệp” – Thủ tướng khẳng định.

Trước thềm Hội nghị, kết quả khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 vừa được công bố cho thấy, 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp đưa ra sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp một năm trước là tích cực, tuy nhiên vẫn còn 25% số doanh nghiệp đánh giá chưa có chuyển biến.

Mặc dù còn thiếu sót song tác động của việc thực hiện Nghị quyết 35 là không thể phủ nhận. Cuộc khảo sát mới thực hiện của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) đã đưa ra kết luận rằng Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của doanh nghiệp Nhật Bản, trên 66% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có xu hướng “mở rộng hoạt động kinh doanh” tại Việt Nam.

Năm 2016 cũng ghi dấu ấn với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt kỷ lục hơn 110.000, cao nhất về số lượng từ trước tới nay. Số vốn cam kết đưa vào thị trường tăng 48% so với cùng kỳ, cùng với số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 24%.

Tại cuộc gặp gỡ Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ 2 được tổ chức sáng nay, cộng đồng doanh nghiệp vẫn kỳ vọng những nút thắt về thể chế, môi trường kinh doanh... sẽ được lãnh đạo Chính phủ cởi trói hơn để chỉ đạo sẽ "không là lời nói suông mà là hành động thực tế”.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn