Ngày mai, 17/5, Thủ tướng sẽ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Zing.vn trao đổi với các chuyên gia kinh tế về những trở lực đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam và cách để khơi thông nguồn lực ấy.
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Đại học Fulbright Việt Nam, để doanh nghiệp tư nhân phát triển cần phải đánh giá đúng đối tượng để xác định sự điều chỉnh cho cần thiết. Trong đó cần thúc đẩy khối doanh nghiệp nhỏ và vừa làm sao tăng khả năng cạnh tranh hơn nữa trong nền kinh tế.
Điều này không có nghĩa là khối doanh nghiệp này cần có luật hỗ trợ. Vấn đề của doanh nghiệp vừa và nhỏ không phải được hỗ trợ gì mà cần nhất là có được môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.
"Nếu nhóm doanh nghiệp này nằm trong đối tượng được hỗ trợ bằng luật, ưu đãi bằng thuế, bù đắp lãi suất thì sẽ có tình trạng ỷ lại không chịu lớn và lợi dụng sự hỗ trợ", TS Tự Anh nêu.
TS Vũ Thành Tự Anh. Ảnh: Thanh Nam. |
Theo ông, nếu nhìn vào cả hệ thống pháp luật hiện tại thì Việt Nam đã có vô vàn những khuôn khổ pháp lý mà đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vậy nhưng, thực tế là vẫn chưa được áp dụng hết.
Khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố hồi đầu năm cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp này tận dụng được các chính sách hiện có chỉ khoảng 15%. Không có gì chắc chắn là luật mới ra đời thì doanh nghiệp tận dụng được. Do vậy, không cần có thêm Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vì không được gì mà lại tạo ra sự phức tạp không đáng có.
Ở thời điểm hiện tại, theo TS Vũ Thành Tự Anh, hệ sinh thái doanh nghiệp Việt Nam rất không lành mạnh. Thứ nhất là các doanh nghiệp Nhà nước được hưởng lợi nhờ độc quyền; thứ hai là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trải thảm đỏ ưu đãi, là công dân hạng cao; thứ ba là doanh nghiệp tư nhân với nhiều tầng: doanh nghiệp thân hữu có tài sản hàng tỷ đôla, doanh nghiệp nhỏ…
“Nếu tạo ra hệ sinh thái phân tầng có phân biệt đối xử như thế này thì doanh nghiệp tư nhân nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không bao giờ phát triển được”, ông nói.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích: Để khơi thông nguồn lực cho kinh tế tư nhân phát triển thì phụ thuộc vào hành động, chứ không chỉ lời nói. Các nghị quyết, quyết định, các văn bản pháp quy, thông điệp, tuyên bố của lãnh đạo đã rõ.
Muốn khơi thông được thì phải làm thật, bắt tay vào làm ngay. Điều này phụ thuộc vào việc tổ chức thực hiện, vào bộ máy. Có bàn nhiều mà không thì làm thì cũng khó đi đến đâu.
Một năm qua Chính phủ cũng đã có những cuộc gặp, lắng nghe doanh nghiệp đề xuất, và có những chỉ đạo, gỡ khó. Một năm sau cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất, 100.000 doanh nghiệp tăng thêm là một thành tích đáng kể. Tuy nhiên, một nửa số đó cũng chết đi, và số còn lại mới thành lập cũng có những vấn đề khó khăn nhất định. Nói như vậy để thấy những chuyển biến sẽ là từng bước.
So sánh số doanh nghiệp thành lập mới và tạm ngừng hoạt động một năm vừa qua. Nguồn: Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Đồ họa: Hiếu Công. |
Vấn đề cốt lõi là thể chế của Việt Nam phải làm tốt hơn. Thách thức lớn nhất với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, về mặt thể chế là phải tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch và nói đi đôi với làm. Hiện nay môi trường kinh doanh chưa thật bình đẳng, chưa thật minh bạch, nói có khi chưa được làm hoặc chưa làm được.
"Có doanh nghiệp tâm sự với tôi, họ không mong gì hơn ngoài hai chữ bình đẳng, không làm phiền, nhũng nhiễu. Một ngày lãnh đạo nhận vài chục cuộc gọi từ các đơn vị, xin này xin nọ, cuối cùng là xin cái phong bì, thì doanh nghiệp lớn sao nổi", ông Hồ tâm tư.
Từ góc độ doanh nghiệp, theo ông Lưu Bích Hồ, cản trở lớn nhất là doanh nghiệp có quyết mà vươn lên hay không, nhất là trong bối cảnh thị trường phức tạp cả trong và ngoài nước.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, để khơi thông nguồn lực, vấn đề thể chế là quyết định, nhưng doanh nghiệp cũng phải tự mình vươn lên. Chúng ta đã có được một số doanh nghiệp lớn, phát triển, nhưng cũng vẫn còn những đơn vị năng lực kém, chưa thấu hiểu môi trường, vẫn còn tâm lý trông chờ.
"Tôi ngại nhất là tâm lý trông chờ nhiều mặt của một bộ phận doanh nghiệp, trông chờ vào môi trường, trông chờ Chính phủ... Có doanh nghiệp coi đầu tư vào quan hệ là cách đầu tư sinh lợi nhanh nhất, hiệu quả nhất", TS Lưu Bích Hồ nói.
Các đơn vị thành công, theo chuyên gia kinh tế, là nhờ họ xắn tay vào làm thay vì chờ đợi thể chế có bước chuyển. "Không thể chờ người khác cứu mình doanh nghiệp phải tự lo, tự cứu thôi".
Đồng tình, tiến sĩ Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng nhưng cần phải hoàn thiện nhiều để phát triển chắc chắn trong thời gian tới.
Ông Tín nêu 3 vấn đề mà khu vực này cần tiếp tục nâng cao để bước vững, là quản trị doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh và ý thức về pháp luật.
Cụ thể về quản trị, khi nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò và các nguyên tắc quản trị, nhà lãnh đạo sẽ tự nguyện hướng doanh nghiệp theo những nguyên tắc quản trị tốt nhất để tối đa hóa hiệu quả hoạt động, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường vốn. Đồng thời sẻ thực hiện tốt hơn việc tuân thủ và giảm xung đột lợi ích giữa các bên có quyền lợi liên quan.
Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp không phải là một bài toán nhất thời trong ngắn hạn, mà là một chặng đường dài và cần sự quyết tâm, nỗ lực của toàn bộ thị trường, gồm: cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân, nhà đầu tư… và hướng tới mục tiêu tất cả doanh nghiệp trên thị trường cùng thực hiện.
Theo tiến sĩ Bùi Quang Tín, 3 vấn đề mà khu vực tư nhân cần tiếp tục nâng cao để bước vững, là quản trị doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh và ý thức về pháp luật. |
Năng lực cạnh tranh của quốc gia có mối tương quan mật thiết với môi trường kinh doanh và phát triển các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhỏ, vừa và khởi nghiệp.
Theo đó, Chính phủ rà soát, bổ sung và điều chỉnh nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo cách tiếp cận phát triển và vòng đời của doanh nghiệp. Đồng thời hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Cùng với những hạn chế về công nghệ, năng lực quản lý, thị trường..., việc hiểu biết pháp luật hạn chế đã làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khu vực kinh tế này thấp lại càng thấp hơn, dẫn đến bất lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế.
"Các doanh nghiệp, nhất là loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang được thành lập ngày càng nhiều về số lượng (chiếm hơn 95% tổng số lượng doanh nghiệp Việt Nam). Tuy nhiên, trong hoạt động của khối này hiện còn một khoảng trống yếu kém lớn, đó là quá trình áp dụng, vận dụng pháp luật vào sản xuất, kinh doanh và điều hành" - tiến sĩ Bùi Quang Tín.
Theo Zing