Đây là chia sẻ thẳng thắn của ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam tại buổi đối thoại với Thủ tướng.
Tham gia nêu ý kiến, ông Nguyễn Văn Đệ cho hay, với những kết quả đạt được của Nghị quyết 35 trong một năm qua, cộng đồng doanh nghiệp rất cảm động.
Trong phần phát biểu của mình, ông Đệ nói thẳng nếu lấy tiền Nhà nước ra làm, thất thoát càng cao, lợi ích nhóm càng lớn. Nhiều bệnh viện tư nhân đăng ký làm nhưng cấp tỉnh không cho và hiện tượng này đang nở như hoa ở nhiều tỉnh thành. Chính phủ cần theo dõi sát sao điều này.
Ông Nguyễn Văn Đệ: Phải tránh tình trạng cái gì dễ thì công làm, khó thì đẩy cho tư. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Trên góc độ của doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực y tế, ông Nguyễn Văn Đệ nhìn nhận không nên xây dựng bệnh viên tư trong khuôn viên bệnh viện công. Vì đây là hậu quả trong tương lai về vấn đề tham nhũng. Nếu mỗi tỉnh có một bệnh viện tư trong viện công sẽ bóp chết hàng chục các bệnh viện tư khác.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa đề nghị cần phải sửa đổi quy định pháp luật về vấn đề này để khuyến khích bệnh viện tư nhân phát triển.
Ông cũng đưa ra nhận xét, trong lúc Nhà nước đang khó khăn thì có những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân muốn làm thì nên để cho tư nhân làm. Chứ “cứ lấy tiền Nhà nước ra làm thì thất thoát càng cao, lợi ích nhóm càng lớn”, ông Đệ quả quyết.
Vị này dẫn chứng, có nhiều bệnh viện, tư nhân muốn làm những các tỉnh không cho làm. Chính phủ cần theo dõi sát sao vấn đề này, trong bối cảnh, tình trạng này đang “rộ như hoa nở” tại nhiều địa phương.
Theo ông Đệ, bệnh viện công hay bệnh viên tư cũng cần bình đẳng trước pháp luật. Ngay cả như việc khám bệnh cho người nghèo, theo phản ánh của ông Đệ, hiện vẫn còn quy định yêu cầu chỉ cho phép bệnh viện công thực hiện. Trong khi bệnh viện công đang quá tải thì lại có Chỉ thị cho bệnh viện công mới làm được, vì coi đó là nhiệm vụ chính trị.
“Nhiệm vụ chính trị chẳng lẽ chúng tôi không làm được, chúng tôi hoàn toàn làm được. “Cái gì tư nhân làm được thì Nhà nước không nên làm nữa, phải tạo cơ chế bình đẳng giữa bệnh viện công và bệnh viên tư. Tránh tình trạng cái gì dễ thì công làm, khó thì đẩy cho tư”, ông Đệ tỏ ra bức xúc.
Trong khi một số nhiệm vụ khó khăn khác thì lại đẩy cho tư nhân, còn thuận lợi thì khu vực công nhận lấy. Thậm chí, khi đề cập đến vấn đề tiêu cực của các cơ quan Nhà nước, ông Đệ dẫn chứng trường hợp, tại Hải Phòng có chuyện, chính quyền động viên một DN bỏ 50 tỷ đồng đầu tư vào bến xe, sau khi đầu tư xong thì “bẻ kèo”.
Bản thân ông Đệ đã phản ánh với Chủ tịch, Bí thư TP.Hải Phòng, song không có hồi âm. Ông Đệ đặt câu hỏi: Nếu như vậy thì “kiến tạo, phục vụ ở chỗ nào”?
Theo ông Đệ, muốn Nghị quyết 35 đạt hiệu quả cao thì cần phải tăng cường hiệu quả công tác cán bộ, quản lý, giám sát công chức, viên chức.
“Ở địa phương cán bộ đi chơi quá nhiều. Chính phủ cũng cần chọn được người tài như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng để đẩy nhanh việc cải cách”, ông Đệ cho biết.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, đây là những ý kiến rất thẳng thắn, đi vào những vấn đề bức xúc. Phó Thủ tướng khẳng định, vấn đề cán bộ đang được Chính phủ lưu ý và các phản ánh mà doanh nghiệp nêu sẽ được chính quyền các cấp tiếp thu, xem xét và chấn chỉnh.
Trả lời những ý kiến của ông Nguyễn Văn Đệ liên quan chuyện “lật kèo” trong đầu tư bến xe, Bí thư Hải Phòng cho biết UBND TP. Hải Phòng đã tiếp nhận vụ việc. Hiện việc này đã giao phòng thương mại bàn giao hồ sơ liên quan. Bến xe đề nghị TP.Hải Phòng chuyển 150 bến xe Tam Bạc trước đây về bến xe mới. TP họp nhiều lần với doanh nghiệp này rồi.
Theo quy định, doanh nghiệp vận tải có quyền chọn bến để đăng ký vận hành, còn thành phố không thể can thiệp chuyển toàn bộ chuyến từ bến xe nọ về bến xe kia. Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Hải Phòng giải trình, và thành phố đã giải thích nhiều. Đến nay, khoảng 90 chuyến được chuyển về bến xe Thượng Mỹ.
“Anh Đệ nói thế nhưng tôi chưa bao giờ nghe được điện thoại, chưa nhận được tin nhắn. Chúng ta không thể can thiệp thô bạo”, đại diện chính quyền Hải Phòng cho biết.
Theo Zing