Chiều ngày 17/5, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thông báo kết quả hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội sáng nay.
Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sau cuộc gặp giữa Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp từ 15h hôm nay, khi diễn ra cuộc họp báo, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội vẫn đang thảo luận để xây dựng một chỉ thị mới. Chỉ thị nhằm thực hiện Nghị quyết 35 trên cơ sở lắng nghe các ý kiến thảo luận tại hội nghị hôm nay.
Ông thông tin, một dự thảo gồm 11 trang với trên 60 nhiệm vụ giao cụ thể cho 14 bộ và UBND các tỉnh thành, với nhiều việc cụ thể.
“Khi chỉ thị công bố công khai, người dân, doanh nghiệp và báo chí sẽ có điều kiện nắm rõ hơn”, ông nói.
Trước đó, lúc 13h, Thủ tướng đã ký Chỉ thị 20 về việc tránh thanh kiểm tra chồng chéo giữa các đơn vị thanh tra liên ngành.
Thủ tướng và các Phó Thủ tướng trao đổi tại Hội nghị sáng nay. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Chỉ thị giải quyết ngay tại chỗ, sau vài giờ trình. Điều này xuất phát từ phản ánh có doanh nghiệp 1 tháng bị cơ quan thanh kiểm tra 3 lần, có doanh nghiệp bị kiểm tra 12 lần trong một năm.
“Đây là bằng chứng của tinh thần giải quyết nhanh, quyết liệt, cùng lắng nghe, tháo gỡ, xử lý của Thủ tướng và Chính phủ. Việc tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi là trách nhiệm của Chính phủ”, ông Dũng nói.
Tinh thần của Chỉ thị 20 là mỗi năm chỉ có 1 lần thanh tra theo kế hoạch. Muốn như vậy, theo ông Dũng, UBND và người đứng đầu cơ quan này ở các tỉnh phải duyệt kế hoạch thanh tra từ đầu năm. Các cơ quan thanh tra chuyên ngành tại địa phương phải có đề xuất sớm, để thanh tra tỉnh, thành phố tiếp nhận và đề xuất.
Chủ tịch UBND các tỉnh có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch thanh tra trên địa bàn.
Với thanh tra đột xuất, ông Dũng lưu ý chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu sai phạm rõ ràng. Việc thanh tra chỉ nhằm thu thập chứng cứ, chứ không phải vì nghi có sai phạm, khi thanh tra kiểm tra lại không phát hiện được gì.
Khi doanh nghiệp có ý kiến khác về việc thanh tra, Chủ tịch UBND các tỉnh là người chịu trách nhiệm kiểm tra, giải quyết. Nếu không thỏa đáng, để doanh nghiệp bức xúc, Thủ tướng sẽ kiểm tra, nhắc nhở, phê bình tại các hội nghị liên quan.
Thủ tướng khẳng định dù chưa hoàn hảo, nhưng so với Hội nghị lần thứ nhất năm 2016, năm nay các bức xúc đã giảm nhiều. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh nếu các tổ chức cá nhân thanh tra không thực hiện đúng, thì tùy vi phạm sẽ xử lý theo pháp luật.
“Nếu có sự cố tình, biết mà vẫn để cơ quan thanh tra, kiểm tra chồng chéo thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, nếu vi phạm pháp luật thì xử lý theo luật”, ông Dũng nói.
Ông đặt hàng người dân, doanh nghiệp và cơ quan báo chí giám sát việc thực hiện chỉ thị 20 vừa thông qua này.
Trước câu hỏi của báo chí về việc Chính phủ có cơ chế giám sát nào không? Ông Dũng cho biết Chính phủ có bàn vấn đề này.
Thực tế, doanh nghiệp nói trên nóng, dưới lạnh thậm chí đóng băng; Chính phủ, Thủ tướng cởi trói nhưng nơi nào đó lại thắt lại. Đó là hệ quả của việc nhận thức, quan điểm, lẫn chuyên môn nghiệp vụ… có vấn đề.
Để giám sát và buộc các cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm, ông Dũng dẫn lại Chỉ thị 13, trong đó có các biện pháp mạnh để xử lý cán bộ bao gồm cắt chức, buộc thôi việc, thuyên chuyển…
“Khi công khai, có giám sát của người dân, doanh nghiệp và báo chí, thì các cơ quan, tổ chức, cán bộ viên chức công chức thực thi công vụ đều phải thực hiện. Doanh nghiệp cũng vậy.
Doanh nghiệp tạo điều kiện cho cán bộ hư là doanh nghiệp cũng có lỗi. Công khai, minh bạch, đây là phương tiện tốt nhất để giám sát và thực hiện tốt nhất”, ông nói.
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 35, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết khu vực kinh tế tư nhân chiếm 85% lao động, đóng góp 39-40% GDP. Mục tiêu từ nay đến 2020 cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, trong bối cảnh cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước.
Đến 2020, cả nước phấn đấu có 1,5 triệu, GDP chiếm 50%, và đến 2030 sẽ chiếm 60-65% GDP và có 2 triệu doanh nghiệp.
Về vấn đề phát triển để đạt con số 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, có nhiều ý kiến cho biết hiện nay, nhiều hộ kinh doanh ko muốn trở thành doanh nghiệp, vì ngại phải ứng phó với các cơ quan quản lý. Ông Dũng cho rằng hy vọng với những quy định mới sẽ tháo gỡ, để các hộ không ngại nữa.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng chia sẻ so với Hội nghị lần đầu ngày 29/4/2016 thì Hội nghị năm nay giảm căng thẳng hơn rất nhiều. Những bức xúc, "nóng lên" của hội trường hôm đó đã không còn. Điều này thể hiện quyết tâm và hiệu quả đồng hành cùng doanh nghiệp của cả hệ thống chính trị.
Thủ tướng đã có những trao đổi vui vẻ trong buổi giải lao sau Hội nghị. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Hội nghị năm nay, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã gặp mặt trên 10.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 2.000 tại hội trường và hơn 100 doanh nghiệp mỗi điểm cầu 63 tỉnh thành phố.
Trả lời vụ việc liên quan đến đề xuất của Bộ Tài chính thanh tra 60 dự án đất vàng, khiến người dân mua nhà hoang mang, nhiều nhà đầu tư thứ cấp rút vốn, đại diện Bộ Tài chính khẳng định chỉ báo cáo theo yêu cầu của Thủ tướng. Đây là việc rà soát tình trạng sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo, Bộ đã rà soát từ 7/1/2014 đến hết 2016. Bộ đã có 2 kiến nghị báo cáo Thủ tướng và nhiệm vụ 2017 đã được duyệt là thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất trên địa bàn các tỉnh thành. Kiến nghị xin phép chuyển sang tham khảo, chọn đối tượng rủi ro để tiến hành Thanh tra, và Chính phủ chấp nhận kiến nghị.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong số 60 dự án, dự án nào có đấu hiệu vi phạm điều 118 Luật Đất đai mới đề nghị đề nghị đình chỉ, chứ không phải đình chỉ toàn bộ 60 dự án đó.
"Việc báo cáo là theo yêu cầu, đúng chức năng nhiệm vụ. Việc kiến nghị cũng là dựa vào có vi phạm, để ngăn chặn và có biện pháp khắc phục", đại diện Bộ tài chính trả lời.
Theo Zing