Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) vừa có thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2017 vào ngày 29/6 sắp tới.
Nội dung quan trọng của kỳ họp lần này là giảm vốn điều lệ từ 2.840 tỷ đồng xuống còn 1.840 tỷ đồng, bỏ nội dung nói về cổ đông chiến lược. Đồng thời, doanh nghiệp thông qua chủ trương về việc phát hành thêm cổ phiếu tối đa 2.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ và bầu bổ sung, thay thế một số thành viên hội đồng quản trị.
Năm 2015, TISCO đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với tổng số vốn phát hành thêm là 1.000 tỷ đồng. Mục đích phát hành tăng vốn là thanh toán cho các hạng mục đầu tư của dự án Cải tạo mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
Thực tế khoản tiền 1.000 tỷ đồng của SCIC đang được Gang thép Thái Nguyên gửi có kỳ hạn 3-6 tháng tại Vietcombank với lãi suất tiền gửi từ 5,3% đến 5,5%.
Cơ cấu cổ đông của TISCO tại thời điểm trước khi SCIC thoái vốn. Đồ họa: P.Diệp |
Dự án Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2 có tổng chi phí đầu tư toàn dự án theo dự toán ban đầu là 3.843 tỷ đồng và dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt là 8.104 tỷ đồng.
Dự án được triển khai thực hiện từ năm 2007, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại các hạng mục chính của dự án tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành, chưa đi vào hoạt động, chưa tạo được nguồn trả nợ.Tuy nhiên, ngày 17/4, Chính phủ và Bộ Tài chính yêu cầu SCIC phải rút ngay khoản đầu tư 1.000 tỷ đồng đó và TIS phải giảm vốn điều lệ. Thực tế đến ngày 25/4 vừa qua SCIC đã bán toàn bộ 100 triệu cổ phiếu tại TISCO và không còn là cổ đông của doanh nghiệp này nữa.
Theo báo cáo tài chính năm 2016 đã được kiểm toán thì tổng chi phí đầu tư của dự án tới hết năm 2016 là 4.635 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hóa là 1.435 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) giải ngân 1.404 tỷ đồng, VietinBank 1.869 tỷ đồng và chủ đầu tư 1.290 tỷ đồng.
Dự án này đang là 1 trong 12 dự án nằm trong diện đầu tư hiệu quả kém phải xử lý thuộc ngành Công Thương. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc xử lý các tồn tại, yếu kém, không hiệu quả các dự án, doanh nghiệp theo nguyên tắc khẩn trương, triệt để, tổn thất ít nhất thất thoát tài sản Nhà nước, theo nguyên tắc thị trường, không để đổ vỡ ảnh hưởng đến hiệu quả doanh nghiệp khác.
Với động thái của TISCO là sẽ phát hành thêm cổ phiếu tối đa 2.000 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ thì khả năng dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 sẽ tiếp tục được khởi động lại. Nhưng hiện tại chưa rõ danh tính nhà đầu tư nào sẵn sàng bỏ hàng nghìn tỷ đồng vào doanh nghiệp đang có 8.362 tỷ đồng nợ phải trả, gấp 4,5 lần vốn chủ sở hữu này.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TIS liên tục được CTCP Thương mại Thái Hưng mua vào trong thời gian gần đây và hiện tại đã sở hữu 36,8 triệu cổ phiếu, chiếm 20% vốn của TISCO.
Thương mại Thái Hưng có vốn điều lệ 1,000 tỷ đồng, trụ sở đặt tại tỉnh Thái Nguyên. Công ty hoạt động chính trong ngành bán buôn kim loại và quặng kim loại, sắt, thép, gang. Công ty này cũng vừa chào mua công khai 7 triệu cổ phiếu CTCP Thép Việt Ý (VIS), tương đương 14,22% vốn, và dự kiến sau chào mua sẽ tăng lên hơn 65%.
Theo Zing