|
Tranh chấp vợ chồng ông bà chủ Trung Nguyên
Cuối năm 2015, Tập đoàn Trung Nguyên gây xôn xao khi bất ngờ ngừng cung cấp các sản phảm thuộc nhóm cà phê hòa tan. Đại diện Trung Nguyên lúc bấy giờ cho rằng, việc tạm ngưng là "do nhu cầu bảo trì máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất tại các nhà máy trực thuộc Tập đoàn Trung Nguyen".
Thế nhưng, giới thạo tin lại khẳng định, sự việc bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa 2 vợ chồng Chủ tịch Trung Nguyên, là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Quả thực sau đó, những xung đột gay gắt giữa 2 vợ chồng đã nổ ra.
Khi đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã tự tổ chức các cuộc họp Hội đồng quản trị và tự ý đưa ra quyết định miễn nhiệm bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Những tranh cãi đã nổ ra khi bà Thảo đăng đàn tố cáo hành vi của ông Vũ là vi phạm pháp luật.
Sang tháng 4/2016, Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên đã thay đổi giấy đăng ký kinh doanh, chuyển người đại diện pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Tuy nhiên, sang tháng 5, bà Thảo đã có đơn khiếu nại, yêu cầu chờ phán quyết của Tòa án Nhân dân TP.HCM.
Khiếu nại của bà Thảo đã thành công khi ngày 13/7, Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Dương đã có quyết định hủy bỏ giá trị Giấy chứng nhận ngày 21/4, đồng thời khôi phục quyền điều hành công ty cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Quyết định này khép lại trò chơi vương quyền tại cà phê hoà tan Trung Nguyên, khi quyền lực giờ đây chính thức nằm trong tay bà Lê Hoàng Diệp Thảo, thay vì ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Bà Thảo hiện giữ quyền kiểm soát mảng hòa tan Trung Nguyên và Trung Nguyên International. Hiện tại, ông Vũ vẫn nắm quyền kiểm soát tại tập đoàn Trung Nguyên.
|
Sự trở lại của bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Một nguồn tin lâu năm trong ngành cho rằng, thực tế vai trò của bà Thảo tại Trung Nguyên không hề nhỏ. Trong suốt quá trình khởi nghiệp kéo dài 20 năm của ông Vũ, bà Thảo đóng góp vai trò điều hành quan trọng, nhưng thầm kín đằng sau thay vì "ra mặt trước truyền thông" như ông Vũ. Chính vì vậy, vai trò của bà Thảo không được công chúng biết tới rộng rãi.
Giờ đây, khi chỉ còn một mình đứng độc lập trên thương trường, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã bắt đầu chứng tỏ bản lĩnh của một nữ tướng "tay sắt bọc nhung".
Đó là sự xuất hiện của nhà máy TNI King Coffee - đánh dấu sự trở lại của bà Thảo sau khi xảy ra nhiều chuyện ồn ào tranh chấp tại thương hiệu cà phê hòa tan Trung Nguyên.
Nhà máy này vừa được khánh thành hôm 20/4/2017 vừa qua do Công ty Trung Nguyên International xây dựng tại Bình Dương, chuyên sản xuất các sản phẩm cà phê xuất khẩu. Đây là nhà máy thứ 6 mà CEO Lê Hoàng Diệp Thảo xây dựng.
Nhà máy mới được xây dựng trên diện tích 51.300m2, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã hoàn thành xong gồm phân xưởng cà phê rang xay và phân xưởng cà phê hòa tan. Giai đoạn 2 sẽ chính thức khởi công phân xưởng trích ly cũng trong ngày 20/4. Khi đi vào hoạt động, nhà máy TNI King Coffee sẽ cung cấp 9.000 tấn cà phê rang xay và 19.800 tấn cà phê hòa tan mỗi năm.
|
Bà Thảo cho biết, nhà máy sẽ tập trung chế biến và đóng gói cung cấp toàn bộ sản phẩm cho thị trường quốc tế. King Coffee là thương hiệu ra mắt lần đầu ở Mỹ hồi tháng 10/2016 tại chương trình âm nhạc Thúy Nga Paris by Night 120. Hiện nay, King Coffee đã được xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Nga, Séc...
Tại Hàn Quốc, King Coffee đã được bán trên 300 website thương mại điện tử. Từ tháng 4.2017, người tiêu dùng Hàn Quốc còn có thể mua King Coffee ở 40 siêu thị của Kim’s Club và sắp tới triển khai toàn bộ các siêu thị khác ở Hàn Quốc.
Dự kiến cuối năm 2017, King Coffee sẽ về Việt Nam để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.
Trước đó, bà Thảo cũng ký biên bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác với lãnh đạo công ty Hello Oyster, thuộc tập đoàn LaoJiao Lư Châu, top 3 tập đoàn lớn trong ngành rượu bia và giải khát, Top 500 doanh nghiệp đứng đầu Trung Quốc với tổng giá trị tài sản hơn 18 tỷ USD. Đích thân bà cũng trả lời trước báo chí Trung Quốc tại hội chợ China Food & Drinks, Thành Đô, Trung Quốc cuối tháng 3/2017.
Theo Trung Nguyên Internation (TNI Corporation), trong tháng 5 tới King Coffee sẽ chính thức lên kệ của Carrefour (một hệ thống siêu thị bán lẻ lớn tại Trung Quốc), với tham vọng mang về 1 tỷ USD ở thị trường tỷ dân này.
Trước đó, đối với thị trường Trung Quốc, TNI Corporation đã mở văn phòng tại Thâm Quyến từ năm 2015 và sản phẩm xuất khẩu chính là cà phê G7 Trung Nguyên 3 in 1.
|
TNI Corporation ký kết hợp tác với Hello Oyster phân phối sản phẩm King Coffee tại thị trường Trung Quốc.
Theo Tri Thức Trẻ