Ông Vũ Tiến Lộc: Doanh nghiệp cần chính phủ hành động

Thứ tư, 17/05/2017, 09:09
Tinh thần khởi nghiệp lan toả sau một năm thực hiện Nghị quyết 35, song sự chi phối của lợi ích nhóm, trì trệ ở nhiều nơi... vẫn là những bài toán lớn cho cải cách.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam đã có những chia sẻ với VnExpress ngay trước Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp lần 2, diễn ra sáng nay (17/5).

- Một năm sau cuộc gặp lần đầu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp thấy có những thay đổi gì, thưa ông?

- Ngay tại cuộc gặp năm ngoái, Thủ tướng khẳng định chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp và nỗ lực tạo ra môi trường khởi nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Chính phủ cũng đưa ra chương trình hành động cụ thể với mục tiêu tham vọng có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Qua một năm thực hiện, tinh thần thúc đẩy đổi mới đã đem lại niềm tin cho người dân, doanh nghiệp. Sự hưởng ứng thể hiện rõ qua số lượng doanh nghiệp thành lập mới lên tới 110.000 trong năm 2016. Có thể nói chưa bao giờ tinh thần khởi nghiệp lại được đề cao, thực hiện sâu rộng như năm qua.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam.

Khi Nghị quyết 35 được ban hành, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đã đi "vi hành" tại nhiều địa phương, thúc đẩy cải thiện thể chế, môi trường kinh doanh. Một không khí đầu tư kinh doanh sôi nổi, lan toả khắp cả nước. Qua khảo sát bước đầu của VCCI thì 75% doanh nghiệp đánh giá tác động Nghị quyết 35 là tích cực. Với nghị quyết chỉ một năm đi vào thực tiễn mà được cộng đồng đánh giá cao, tôi cho rằng đây là nỗ lực rất lớn từ Chính phủ.

Là con số ấn tượng song theo đánh giá của cơ quan thống kê, 110.000 doanh nghiệp thành lập năm ngoái chưa có nhiều đóng góp thực sự vào GDP. Vậy ý nghĩa của kết quả này là gì?

Chúng ta có chương trình khởi nghiệp, khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới nên tất yếu sẽ có doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Ngay lập tức không thể đòi hỏi họ đóng góp lớn cho nền kinh tế. Sứ mệnh lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là tạo việc làm. Cho nên, đánh giá về sự phát triển của các doanh nghiệp mới không chỉ nên nhìn vào đóng góp GDP, nguồn vốn đầu tư, mà nên nhìn vào sự đóng góp của số doanh nghiệp này khi tạo ra lượng việc làm lớn cho xã hội.

Thêm vào đó, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ thì không nhất thiết doanh nghiệp phải có vốn lớn mới có đóng góp cho nền kinh tế. Ngược lại, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có những nỗ lực đổi mới sáng tạo có thể có đóng góp lớn, tạo bứt phá cho nền kinh tế.

Cải cách vẫn "nóng trên, lạnh dưới"

Tuy có chuyển biến tích cực như ông nói nhưng tinh thần cải cách chỉ được cảm nhận rõ nét ở cấp Chính phủ, còn dưới địa phương lại khá lạnh lẽo. Ông nghĩ sao về điều này?

Đúng là tinh thần cải cách ở cấp Trung ương rất khí thế, nhưng đi xuống cấp dưới, cấp Vụ, Cục, sở, ngành… thì lại khá chậm trễ. Vẫn còn tình trạng "nóng trên, lạnh dưới" trong cải cách, đổi mới thể chế ở cấp cơ sở.

Chúng ta có điển hình tốt ở một số địa phương, Bộ, ngành như việc  xoá bỏ một số điều kiện kinh doanh không hợp lý; cải cách thuế, hải quan; bỏ quy hoạch 1/500 với dự án phát triển nông nghiệp… Còn tại cấp địa phương cũng có điểm sáng như Hà Nội khi đi đầu trong cả nước trong thực hiện thủ tục hành chính một cửa; Quảng Ninh chấm điểm cho các sở ngành địa phương, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cải cách; Đà Nẵng với tinh thần nụ cười công chức, hết việc chứ không hết giờ... Nếu những mô hình cải cách này được nhân rộng sẽ tạo nên động lực mới, lan toả vô cùng lớn. Đáng tiếc là sự chi phối của lợi ích nhóm, sự trì trệ vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Trong điều kiện môi trường thể chế như nhau, cùng thực hiện Nghị quyết 35, nhưng có những nơi doanh nghiệp, người dân đánh giá thấp sự chuyển động của bộ máy chính quyền. Tôi thấy ngạc nhiên khi doanh nghiệp phản ánh, lãnh đạo địa phương ngại gặp họ. Một cuộc hẹn gặp với doanh nghiệp mà cả năm lãnh đạo tỉnh không bố trí được. Điều này thể hiện việc cấp chính quyền địa phương chưa đồng hành cùng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, còn khá nhiều văn bản, quy định mà cộng đồng doanh nghiệp thấy bất hợp lý, kiến nghị huỷ bỏ… nhưng không được đáp ứng.

Tuy vậy cũng phải nói công bằng Nghị quyết 35/2016 mới ra đời một năm với mục tiêu cố gắng tạo xung lực thay đổi căn bản ở cấp chính quyền theo hướng phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Còn việc sửa đổi thể chế chính sách theo tôi bao giờ cũng có độ trễ nhất định, không thể kỳ vọng mọi vấn đề được giải quyết. Song, chúng ta đã có những khởi đầu tốt đẹp, sự chuyển biến căn bản trong thái độ, ý thức công chức Nhà nước với người dân, doanh nghiệp

Thủ tướng gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị lần thứ nhất, năm 2016.

Có hơn 110.000 doanh nghiệp thành lập mới nhưng 2016 cũng chứng kiến một lượng tương đương nửa số này phá sản, giải thể. Theo ông, Nghị quyết tới đây của Chính phủ cần đặt ra vấn đề đổi mới, cải cách thế nào để thành lập doanh nghiệp có chất lượng thực sự?

Đúng là một năm qua chúng ta chứng kiến sự bùng nổ về số lượng doanh nghiệp, còn chất lượng, sức khoẻ của họ chưa được cải thiện bao nhiêu. Điều này cần nhìn nhận ở 2 khía cạnh, khi đã thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp thì sẽ xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ trong nền kinh tế. Đồng thời, quá trình hội nhập và Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiếp sức cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ kết nối và tham gia mạng giá trị toàn cầu.

Tôi cho rằng không có gì đáng ngại nếu quy mô bình quân doanh nghiệp nhỏ đi. Vấn đề ở chỗ chất lượng và hiệu quả sử dụng đồng vốn vẫn là những điểm yếu của doanh nghiệp Việt. Tôi kỳ vọng tới đây song song với thông điệp phát triển doanh nghiệp tư nhân, loạt chương trình đổi mới sáng tạo được khởi động, sẽ tạo đà nâng cao chất lượng cho doanh nghiệp trong nước.

Doanh nghiệp tư nhân sẽ không còn chậm lớn

Điều gì khiến ông tin tưởng doanh nghiệp trong nước, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân sẽ không còn chậm lớn như thời gian qua?

Niềm tin này được củng cố dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất là tạo môi trường kinh doanh an toàn để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư dài hạn. Muốn vậy, cần sự ổn định của hệ thống thể chế luật pháp, thiết chế tư pháp để giải quyết nhanh chóng các tranh chấp phát sinh. Cũng cần sự nhất quán trọng chính sách, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế dân sự và đảm bảo không hồi tố các dự án kinh doanh của doanh nghiệp đã thực hiện theo đúng theo yêu cầu của pháp luật, cơ quan có thẩm quyền. Chừng nào đảm bảo được sự ổn định của chính sách, đảm bảo sự thuỷ chung của chính quyền với doanh nghiệp thì lúc đó họ mới yên tâm rót vốn đầu tư lâu dài.

Thứ 2, thủ tục hành chính phải hết sức thuận lợi cho khởi sự kinh doanh. Dù đã có nhiều nỗ lực cải cách nhưng chúng ta vẫn còn khoảng cách lớn với các nền kinh tế trong khu vực. Rất nhiều thủ tục hành chính doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi diễn ra khá chậm trễ. Vì thế, mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, hướng tới chuẩn mực tiên tiến các nước ASEAN là yêu cầu tất yếu thời gian tới.

Thứ 3 là gánh nặng chi phí cần được cắt giảm để doanh nghiệp có thể cạnh tranh. Việt Nam hiện là nền kinh tế đắt đỏ trong khu vực ASEAN khi những chi phí về thuế, bảo hiểm, vốn... đang đè nặng lên vai doanh nghiệp.

Vậy ông cũng như cộng đồng doanh nghiệp có kỳ vọng gì tại "Hội nghị Diên hồng" lần thứ 2 này?

Kỳ vọng chờ đợi nhất cũng là chính thông điệp của hội nghị. Chúng ta khẳng định doanh nghiệp là động lực của nền kinh tế, vai trò của kinh tế tư nhân thì Chính phủ có trách nhiệm đồng hành cùng họ để tiếp tục đổi mới, đột phá.

Chương trình hành động của Chính phủ cần cụ thể hoá thành việc làm với thời hạn, địa chỉ và chế tài, cơ chế kiểm soát việc thi hành của cấp dưới.

Cũng như hội nghị lần trước, năm nay sau cuộc gặp với doanh nghiệp buổi sáng, thì ngay buổi chiều Thủ tướng sẽ chủ trì họp Chính phủ để bàn và giải quyết những vấn đề nóng.

Cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi sau "Hội nghị Diên hồng" lần thứ 2 giữa Thủ tướng và doanh nghiệp lần này, thông điệp của Chính phủ sẽ là hành động. Một Chỉ thị triển khai tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35 sẽ nêu rõ thời hạn, trách nhiệm cụ thể từng Bộ, ngành, địa phương và cơ hế triển khai, giám sát thực hiện từng đầu việc cụ thể, vì sự phát triển của doanh nghiệp.

Theo VNE

Các tin cũ hơn