Dân cõng thuế môi trường qua giá xăng, dầu: Vô lý...

Thứ tư, 17/05/2017, 11:36
Không thể cứ hụt thu ngân sách là tăng thuế lên, đặc biệt xăng dầu lại là mặt hàng tác động đến toàn xã hội.

Ngày 16/5, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ bày tỏ quan điểm ủng hộ sớm tăng các loại thuế nội địa với mặt hàng xăng dầu, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường;

"Rõ ràng đây là trách nhiệm của công dân với đất nước. Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi, giá vẫn thế. Vì giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế. Tăng cái này, giảm cái kia thì vẫn không thay đổi", ông Ruệ cho biết.

Bình luận về quan điểm này của lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội khẳng định, đây là điều vô lý. Việc tăng hay giảm thuế phải được Quốc hội thông qua, không phải vì lý do hụt thu.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên 8.000 đồng/lít, số tiền thu về cho ngân sách Nhà nước rất lớn.

"Không thể nói rằng vì ngân sách hụt thu mà tăng thuế lên. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị không tăng phí, lệ phí, không tăng thuế làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, việc tăng thuế hay không cũng phải theo thông lệ chung của quốc tế.

Mấy ngày nay báo chí đăng tải thông tin, chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. Đó là vì chi phí chính thức lẫn chi phí không chính thức đang là gánh nặng với doanh nghiệp.

Thuế, phí là nguồn thu quan trọng của Nhà nước nhưng nếu chọn xăng dầu là một nguồn thu chính, bù đắp cho ngân sách Nhà nước thì không hợp lý.

Cơ quan Nhà nước cần cẩn trọng xem xét lại các mức thuế, phí xăng dầu, nghiên cứu kỹ các mặt tác động, nhất là tác động tiêu cực của việc nâng phí, thuế xăng dầu lên", ông Liên nói.

Riêng với thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu dự định tăng lên 8.000 đồng/lít, theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội là hết sức vô lý. Nghĩa vụ của người dân đối với môi trường ai cũng phải thực hiện nhưng việc tăng thuế bảo vệ môi trường phải có lộ trình và phù hợp với thu nhập của người dân.

"Ngân sách hụt thu thì có nhiều giải pháp để bù vào, mà quan trọng nhất là tiết kiệm chi tiêu công. Phải tiết kiệm ngân sách bằng cách giảm biên chế, không xây trụ sở, công trình hoành tráng chưa thiết thực, chống tham nhũng, lựa chọn đầu tư cho hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển để ngân sách tăng thu.

Nếu muốn tăng thu bằng cách tăng thuế thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế nói chung và sự ổn định của kinh tế vĩ mô", ông Bùi Danh Liên nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Bùi Danh Liên, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.HCM, cũng cho rằng, để bù đắp hụt thu ngân sách phải tính cách khác chứ không phải cứ nhằm vào xăng dầu mà thu.

"Ngành vận tải đang khó khăn lắm rồi, rất nhiều doanh nghiệp đang phá sản từ từ. Bây giờ lại tăng thuế xăng dầu thì làm sao chúng tôi sống được?

Xăng dầu là đầu vào của sản xuất kinh doanh thế nhưng bao nhiêu loại thuế, phí đưa vào đây. Mỗi thay đổi liên quan đến thuế, phí xăng dầu có thể tác động ngay đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, làm giá thành sản phẩm biến động và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các loại hàng hóa, dịch vụ.

Thu ngân sách thiếu gì cách thu, sao cứ đè người đang khổ nhất để thu? Đầu vào nên "ăn" ít thôi để sản xuất còn phát triển", ông Quản bức xúc.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích