|
Cũng tại Hội nghị này, hàng loạt cam kết của các thành viên Chính phủ, đại điện chính quyền địa phương đã được giải đáp gửi tới cộng đồng doanh nghiệp.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Hứa cầu thị lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện các chính sách về tài chính
Bộ trưởng cho biết thời gian qua đã tổ chức hơn 1000 cuộc đối thoại; trả lời hàng chục nghìn kiến nghị của doanh nghiệp gửi tới. Bên cạnh đó, Bộ cũng đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp,...
Thời gian tới Bộ sẽ tập trung cải cách hành chính, cầu thị lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện các chính sách về tài chính để tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng cũng trả lời các kiến nghị về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xe ô tô nhập khẩu; thuế xuất khẩu các mặt hàng xi măng, thép, tôn, dây điện; áp dụng thuế với máy móc nông nghiệp chuyên dùng,... do VCCI gửi trước thềm Hội nghị.
Về ý kiến của các Hiệp hội, doanh nghiệp nêu tại Hội nghị, Bộ Tài chính tiếp thu và nghiên cứu điều chỉnh hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Bộ Tài chính cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và mong muốn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về thuế, hải quan, chủ động vươn lên phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Hà Nội cam kết sẽ quyết tâm đổi mới sâu sắc để hỗ trợ DN phát triển
Bằng một loạt giải pháp như: Tích cực đối thoại, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp; xây dựng nền hành chính hiện đại; xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tiếp cận các nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, công nghệ mới; xây dựng các công trình phúc lợi trong các khu công nghiệp; đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng các chuỗi liên kết giá trị...
Hà Nội cũng gửi tới Chính phủ các kiến nghị về cổ phần hóa DNNN, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập, hỗ trợ doanh nghiệp mua bán, chuyển giao các công nghệ mới; cho phép Hà Nội thí điểm xây dựng mạng dùng chung để quản lý các doanh nghiệp, hộ bán lẻ;...
Bí thư thành phố Hải Phòng Lê Văn Thành: Kiến nghị một số vấn đề liên quan đến phân cấp quyết định chủ trương đầu tư cho các địa phương;
Chia sẻ những việc thành phố đã làm, những kết quả đã đạt được trong thời gian qua để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, đồng thời trả lời trực tiếp phản ánh của ông Nguyễn Văn Đệ liên quan đến Bến xe Thượng Lý.
Bí thư Hải Phòng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến phân cấp quyết định chủ trương đầu tư cho các địa phương; nghiên cứu, sắp xếp lại bộ phận xúc tiến đầu tư ở Trung ương và địa phương;...
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan: “Doanh nghiệp nhạy cảm với thị trường như con tôm, con cá nhạy cảm với nước ngọt, nước mặn”
Việc thường xuyên gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng để nắm bắt những tâm tư, kịp thời giải quyết vướng mắc, bất cập trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó hình thành hệ sinh thái cho sự phát triển chung với tinh thần phát triển của doanh nghiệp là thành công của địa phương.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: Đang nghiên cứu để sửa đổi những quy định bất cập trong kinh doanh khí, rượu, khoáng sản...
Tại Hội nghị lần trước Bộ Công Thương nhận được nhiều kiến nghị, phàn nàn của doanh nghiệp. Trong năm qua, Bộ đã rà soát, sửa đổi một loạt quy định đã lạc hậu, ban hành hơn 40 thông tư mới, trình Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi, ban hành 21 Nghị định, Quyết định,....
Bộ cũng đang nghiên cứu để sửa đổi những quy định bất cập trong kinh doanh khí, rượu, khoáng sản... đồng thời tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, phát huy lợi thế cạnh tranh... để giải quyết thỏa đáng những kiến nghị, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm: Phấn đấu đến năm 2020 thành phố sẽ có 500.000 doanh nghiệp.
Giải đáp kiến nghị của ông Lê Hoàng Châu liên quan đến việc sốt đất vùng ven, cho biết thành phố đã giao cho các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, phấn đấu đến năm 2020 thành phố sẽ có 500.000 doanh nghiệp.
Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà: Sẽ có những quy định để phân biệt ứng xử đối với những doanh nghiệp thân thiện
cho biết trong thời gian tới sẽ có những quy định để phân biệt ứng xử đối với những doanh nghiệp thân thiện, chấp hành tốt quy định về môi trường, đồng thời quản lý chặt những hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm cao... để bảo đảm phát triển bền vững.
Về các kiến nghị cụ thể, Bộ trưởng cho biết đang rà soát lại các chính sách, pháp luật về đất đai, tài nguyên, trên tinh thần sẽ cải cách triệt để để phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích của người dân và sự phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nhũng nhiễu doanh nghiệp
Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; các cơ chế chính sách phải phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế; huy động mọi nguồn lực, trí tuệ của người dân để phát triển kinh tế.
Tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực thi, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nhũng nhiễu doanh nghiệp;
Đặc biệt nâng cao năng lực của bộ máy tư pháp trong bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh,...
Thực hiện công khai minh bạch các chủ trương, chính sách; chống tiêu cực, ngăn chặn các quan hệ “sân sau” thao túng chính sách để trục lơi...
Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa, làm ăn bài bản, mạnh dạn đầu tư khoa học công nghệ, nắm vững các quy định... để sản xuất kinh doanh bền vững, hiệu quả.
Các hiệp hội cũng cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, có tiếng nói mạnh mẽ trong phản biện, xây dựng chính sách; xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Vướng mắc nhất của doanh nghiệp của doanh nghiệp là vấn đề thủ tục hành chính, đất đai, thuế...
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành địa phương lưu ý các kiến nghị của doanh nghiệp: Tăng cường đối thoại, có trao đi đổi lại, không nói một chiều, áp đặt; phát huy vai trò của các hiệp hội trong giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh các cơ quan nhà nước phải quyết tâm hơn; phải rất cụ thể, doanh nghiệp, lãnh đạo Chính phủ không cần chung chung; đồng thời phải rất thiết thực, doanh nghiệp không cần những thứ hình thức; bên cạnh đó phải rất khẩn trương, không đủng đỉnh; cuối cùng phải điện tử hóa, đây là nhiệm vụ cấp bách, tất cả các dịch vụ công phải được thực hiện trực tuyến, minh bạch;...
Theo Dân Việt