Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng vừa có chỉ đạo nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu giải quyết việc chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Ông cũng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo chỉ thị của Thủ tướng về vấn đề trên.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng việc chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp giúp kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về việc vẫn còn có quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trong cùng một năm. Đồng thời chỉ thị sắp tới sẽ tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.
Các cơ quan được giao soạn thảo phải báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 17/5.
Việc chấn chỉnh công tác thanh, kiểm tra là một phần của cam kết cải cách hành chính mà Thủ tướng từng đưa ra. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Ngoài ra, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước rà soát để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm toán.
Thủ tướng nhấn mạnh không để xảy ra sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong quý II.
Trước đó, báo chí và dư luận nhiều lần phản ánh việc doanh nghiệp bị các đoàn thanh tra, kiểm tra “hỏi thăm” thường xuyên. Có doanh nghiệp cho biết một tháng đón tới 4 đoàn thanh tra.
Hiệp hội doanh nghiệp Hải Dương từng cho biết các hội viên luôn ngán ngẩm về việc có quá nhiều đoàn đến thanh, kiểm tra. Có doanh nghiệp một năm phải tiếp đón từ 12 đến 15 đoàn, còn thông thường cũng có đến 8 đoàn.
Tổng giám đốc một khách sạn lớn ở TP.HCM chia sẻ trong năm 2016 đơn vị này đã đón 13 đoàn thanh tra. Tính trung bình mỗi tháng doanh nghiệp bị thanh tra hơn một lần, trong đó có một số nội dung trùng nhau. Vị tổng giám đốc cho rằng việc kiểm tra là tốt nhưng cơ quan nhà nước cần thống nhất về nội dung để tránh trùng lắp, gây ảnh hưởng đến các đơn vị kinh doanh du lịch.
Một số doanh nghiệp phản ánh việc phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra khiến phải bỏ ra nhiều “chi phí bôi trơn”.
Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ diễn ra chỉ một ngày trước thềm Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp 2017. Cuộc gặp gỡ của Thủ tướng và doanh nghiệp được ví như “Hội nghị Diên Hồng” lần thứ 2.
Theo Zing