Vì sao doanh nghiệp được mặc cả?
GS.TS Phạm Phố - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng, các hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam (Bà Rịa-Vũng Tàu) là rất bình thường.
Nghi ngờ Việt Nam thành kho nhôm của Trung Quốc? |
Kể cả khi doanh nghiệp này đang phải tiếp các đoàn kiểm tra của Tổng cục Hải quan và Cục An ninh Kinh tế Tổng hợp (A85).
Điều ông thấy lạ là phía doanh nghiệp lại có kiến nghị xin được tiếp tục làm việc với đoàn kiểm tra của Tổng cục Hải quan và sử dụng kết luận do đoàn kiểm tra của Tổng cục Hải quan làm căn cứ đánh giá thông tin về vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.
"Chuyện rất lạ là doanh nghiệp lại có quyền "mặc cả" để xin chọn cơ quan sẽ thực hiện việc kiểm tra tại doanh nghiệp mình. Trong khi, pháp luật Việt Nam đã có quy định rất rõ ràng, hồ sơ xuất nhập khẩu cũng ghi chép đầy đủ rồi, Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam vì sao còn muốn làm việc với Tổng cục Hải quan?", GS Phố đặt câu hỏi.
Tự lý giải cho động thái trên, GS Phạm Phố cho rằng, dư luận có quyền được nghi ngờ có tiêu cực, khuất tất trong trường hợp này.
"Liệu có phải đây là cách Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam đang gây áp lực cho Tổng cục Hải quan?", GS Phạm Phố thẳng thắn đặt vấn đề nghi vấn.
Theo vị chuyên gia, sở dĩ các cơ quan quản lý phải vào cuộc vì Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam có liên quan tới những thông tin nghi ngờ có sự gian dối trong làm ăn. Việc gian dối trên có thể giúp doanh nghiệp ung dung hưởng lợi với số tiền khổng lồ, trong khi những hậu quả mà doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt sẽ phải gánh chịu là vô cùng lớn.
Đừng để doanh nghiệp trong nước chịu vạ lây
Vị GS cho hay, những nghi ngại trên là hoàn toàn có cơ sở. Từ nhiều nguồn thông tin điều tra của nước ngoài, đã đặt nghi vấn có khoảng 500 nghìn tấn nhôm đùn (để sản xuất nhôm) được âm thầm chuyển từ San José Iturbide (Mexico) đến Việt Nam.
Ông cho biết, số hàng trên đã được lãnh đạo cơ quan quản lý hải quan Việt Nam xác nhận là của Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam.
"Khối lượng nguyên liệu nhập về phải tỉ lệ thuận với khối lượng nhôm thành phẩm được tạo ra. Trong khi, doanh nghiệp này còn chưa xây dựng xong mà đã nhập về một khối lượng nguyên liệu quá lớn là bất thường.
Việc này cho phép có những nghi ngờ trong việc nhập khẩu nhôm từ Trung Quốc vào Việt Nam để lợi dụng lấy nguồn gốc xuất xứ của Việt Nam rồi xuất sang nước thứ ba nhằm hưởng thuế suất thấp", GS Phạm Phố nói.
Theo vị chuyên gia, Việt Nam cần phải đề phòng cách thức làm ăn của doanh nghiệp Trung Quốc. Nhất là khi, Bộ Thương mại Mỹ đang có nhiều nghi ngờ sản phẩm nhôm từ Trung Quốc bán phá giá ở thị trường nước Mỹ và đã bị áp mức thuế trừng phạt rất cao.
Hiện nay, theo thuế suất ở Mỹ, nhôm đùn có nguồn gốc Trung Quốc bị đánh thuế chống phá giá lên đến 374% trong khi nếu xuất xứ là Việt Nam thì thuế này chỉ là 5%. Mức chênh lệch rất lớn có thể giúp doanh nghiệp hưởng lợi với số tiền khổng lồ.
Do vậy, vị GS cho rằng, các cơ quan chức năng phải kiểm soát thật chặt để tránh bị doanh nghiệp lợi dụng, có thể gặp bất lợi về thuế khi nước nhập khẩu phát hiện sẽ áp dụng biện pháp trả đũa để chống gian lận về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
"Kiến nghị vào cuộc kiểm tra doanh nghiệp này của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng như các bộ, ngành liên quan là cần thiết để tránh tình trạng ngành thép xuất khẩu của VN có thể bị vạ lây".
Theo Đất Việt