Tăng thuế BVMT xăng dầu lên 8.000 đồng: Gánh nặng đổ lên vai người dân

Thứ ba, 16/05/2017, 19:49
Nếu tăng thuế BVMT với xăng dầu lên mức 8.000 đồng/lít, gánh nặng chi phí sẽ đổ lên vai người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Thậm chí, cả nền kinh tế.

Tăng thuế BVMT xăng dầu lên 8.000 đồng, gánh nặng đổ lên vai người dân

Liên quan tới việc tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu lên mức 8.000 đồng/lít, theo lộ trình, tháng 7.2017 sẽ được gửi sang Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội để thẩm tra. Tiếp đó, tháng 8.2017 sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Tới tháng 9.2017, dự án luật sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội sau khi đã có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Tháng 10.2017 trình Quốc hội xem xét thông qua.

Nếu được thông qua, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ có khung thuế mới cao hơn nhiều khung thuế hiện tại.

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu tăng thuế BVMT với xăng dầu lên mức 8.000 đồng/lít, gánh nặng chi phí sẽ đổ lên vai người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.

Trước ý kiến ủng hộ chủ chương tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mặt hàng xăng dầu của ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp Hội Xăng Dầu Việt Nam. Trong đó, nêu rõ cần sớm điều chỉnh tăng các khoản thuế nội địa, đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và BVMT với xăng dầu lên sao cho chúng chiếm trên 50% cơ cấu giá, nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước.

TS. Lê Đăng Doanh cho biết: “Tăng thuế BVMT với xăng dầu lên mức 8.000 đồng/lít không hẳn là để có thêm chi phí cho việc bảo vệ môi trường mà là thông qua thuế BVMT để có thêm nguồn thu ngân sách. Tôi cho rằng điều này chưa hợp lý bởi mức thuế BVMT với xăng dầu như vậy là quá cao.

Nó sẽ làm tăng chi phí vận tải, đồng thời tác động tới giá cả của nhiều mặt hàng tiêu dùng. Bởi chi phí xăng dầu là chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điều này sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay khi doanh nghiệp và người dân đang gặp khó khăn. Không nên áp dụng mức thuế như vậy”.

Theo tính toán của TS. Doanh, thời điểm hiện tại không thích hợp cho việc tăng mức thuế nội địa với mặt hàng xăng dầu. Trong trường hợp bắt buộc phải tăng, chỉ nên tăng thêm từ 1.500 tới 2.000 đồng.

Cần xem xét kỹ lưỡng trước khi tăng thuế đối với xăng dầu

Ông Nguyễn Tiến Thoả – nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính tỏ ra không đồng tình việc tận thu thuế ngay từ đầu vào sản phẩm. Theo ông, nếu ngay từ đầu vào (vòng 1) đã chặn bằng các chính sách thuế cao thì ngay lập tức thị trường, người dân sẽ bị phản ứng.

“Đầu vào nên ăn ít thôi, để sản xuất vòng 2 phát triển. Khi đó thu ở khâu tiêu thụ vòng 3 thì mới bền vững. Tư tưởng tài chính nuôi dưỡng nguồn thu chính là ở chỗ này”, ông Thoả nêu ý kiến.

Ông Thỏa cho rằng việc điều chỉnh các sắc thuế cần được tính toán cụ thể để đảm bảo cân bằng nguồn thu cho nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, song song với lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu cần có lộ trình tăng các khoản thuế nội địa khác liên quan. Song cần phải hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng và các đơn vị sản xuất kinh doanh xăng dầu.

Ông Thắng nói: “Nhà nước thu được nhiều thuế hơn nếu DN sản xuất ra của cải vật chất lớn hơn nhờ chi phí đầu vào rẻ, đó là yếu tố cần tính toán trước khi đặt vấn đề tăng thuế phí với xăng dầu”.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn