Tiền trong tài khoản “bốc hơi”, do đâu?

Thứ ba, 28/03/2017, 11:14
Sau vụ một khách hàng bỗng dưng mất 9 tỉ đồng trong tài khoản, nhiều chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không ký khống vào các loại giấy tờ tại ngân hàng, không “rút gọn” quy trình giao dịch để tránh rủi ro

Liên quan đến vụ khách hàng Nguyễn Bạch Mai (ngụ quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) khiếu nại bị mất 9 tỉ đồng trong tài khoản tiền gửi tiết kiệm, ngày 27-3, đại diện Ngân hàng (NH) TMCP Quốc Dân (NCB) cho biết vụ việc đã được chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra và NH đang chờ kết luận từ phía cơ quan công an.

Ai là người nhận tiền?

Theo phản ánh của bà Nguyễn Bạch Mai, từ năm 2012 đến ngày 6-1-2016, bà gửi vào NCB tại Chi nhánh Hà Nội và Phòng Giao dịch số 14 cả gốc và lãi hơn 8,7 tỉ đồng. Ban đầu, khoản tiền này bà gửi dưới dạng mở sổ tiết kiệm.

Đến năm 2015, bà Mai được bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Giao dịch số 14, tư vấn chuyển khoản tiền sang sản phẩm bảo lãnh NH để hưởng lãi suất 13%/năm, chương trình này dành riêng cho những người có số tiền gửi từ 1 tỉ đồng trở lên hoặc khách hàng VIP. Sau khi được bà Hà thuyết phục tiền vẫn nằm trong NH, chỉ thay sổ tiết kiệm bằng chứng từ, bà Mai đồng ý và ký các thủ tục tất toán sổ tiết kiệm để chuyển sang dạng chứng từ.

Hằng tháng, bà Mai vẫn nhận được chứng từ gồm bảng kê tiền gửi và tiền lãi có chữ ký của trưởng phòng giao dịch, đóng dấu NH. Đến giữa năm 2016, khi gia đình có nhu cầu rút tiền, bà Mai nhiều lần liên lạc với bà Hà nhưng không rút được tiền. Đến tháng 1-2017, bà Mai đến phòng giao dịch của NCB làm thủ tục rút tiền mới “ngã ngửa” khi biết số tiền gửi của mình không còn.

Để an toàn tiền gửi, khách hàng cần tuân thủ các quy định và giao dịch của ngân hàng. (Ảnh minh họa)

Trả lời khiếu nại, NCB cho biết từ năm 2012, bà Mai có gửi tiền tiết kiệm tại NCB nhưng đến tháng 10-2015 đã tất toán toàn bộ số tiền này. Sau đó, đến khi nhận được đơn khiếu nại, bà Mai không còn khoản tiền nào gửi tại NCB. Đồng thời, NCB cũng khẳng định không có sản phẩm bảo lãnh nào như nội dung nêu trong đơn của bà Mai, các giao dịch giữa bà Mai và bà Hà (nguyên trưởng phòng giao dịch, đã nghỉ việc từ tháng 9-2016 tại NCB vì lý do cá nhân) chỉ là thỏa thuận cá nhân giữa 2 bên và không được hạch toán vào hệ thống của NH. Các bảng kê tiền gửi bà Hà ký và đóng dấu phòng giao dịch không thuộc biểu mẫu do NH phát hành.

Báo cáo gửi Cục Thanh tra giám sát NH TP.Hà Nội, NCB giải thích thêm từ thời điểm bà Mai chuyển sổ tiết kiệm sang chứng từ bảo lãnh NH với lãi suất 13%/năm, chứng từ, bảng kê tiền gửi bà Hà tự lập ra, không tuân thủ theo mẫu quy định của NCB. Ngay con dấu NH trên các bảng kê tiền gửi là do bà Hà tự đóng vì trong thời gian này, người giữ con dấu có việc ra ngoài nên bàn giao lại cho bà Hà quản lý, có biên bản bàn giao (!?).

Trong khi đó, bà Mai thắc mắc chứng từ của NH có chữ ký của trưởng phòng giao dịch, đóng dấu đỏ NCB vẫn do khách hàng đang giữ và chưa hề đến NH ký nhận tiền thì sao người khác có thể lấy tiền được? “Nếu có người khác nhận tiền thay phải có ủy quyền bằng văn bản, thủ quỹ giao tiền trực tiếp cho ai và hệ thống camera an ninh của NH có thể ghi lại hình ảnh việc tôi có đến rút tiền hay không?” - bà Mai bức xúc.

Nhiều tình tiết cần làm rõ

Nhiều NH thừa nhận không ít khách hàng VIP thường giao dịch từ xa và “khoán” một số quy trình giao dịch cho nhân viên NH. Đây là một kẽ hở dẫn đến rủi ro.

Chuyên gia tài chính NH, TS Bùi Quang Tín phân tích có nhiều tình tiết cần làm rõ trong giải thích của NCB. Trong trường hợp này, theo NCB, 17 giao dịch phát sinh từ sổ tiết kiệm của bà Mai giai đoạn năm 2012 đến tháng 1-2016 đều có chữ ký của khách hàng và theo đúng quy trình của NH nhưng có đúng chữ ký của bà Mai hay bị giả chữ ký, việc ký của khách hàng có tự nguyện hay bị ép buộc? Khách hàng có hiểu rõ nội dung ký hay ký khống vào giấy trắng do tin tưởng NH?

“Đặc biệt, sau khi bà Mai ký tất toán sổ tiết kiệm thì ai là người nhận số tiền này? Thủ quỹ trả tiền cho khách hàng có đúng người không và nếu có sai sót, NH cũng phải có trách nhiệm liên đới trong trường hợp này dưới góc độ đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” - TS Bùi Quang Tín phân tích.

Ngay cả sau khi chuyển từ sổ tiết kiệm sang chứng từ dạng sản phẩm bảo lãnh NH lãi suất 13%/năm và NCB cho rằng không hạch toán vào hệ thống nhưng NH cũng có trách nhiệm trong việc quản lý con dấu. Theo các chuyên gia, không thể có chuyện trưởng phòng giao dịch được cầm, quản lý con dấu. Ngay cả khi kiểm soát viên - người nắm giữ con dấu - đi ra ngoài, giao cho trưởng phòng giữ thì ai chịu trách nhiệm khi xảy ra sai sót? “Nếu không có con dấu, khách hàng sẽ không tin tưởng nên NH có lỗi trong quy trình kiểm soát con dấu” - TS Bùi Quang Tín nêu rõ.

Luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia NH, cũng cho rằng trong vụ việc này, mỗi bên đều có lỗi nhưng theo nguyên tắc, khi khách hàng gửi tiền vào NH thì phải được bảo đảm an toàn. Dù nhân viên có sai phạm và chuyển cơ quan điều tra nhưng NH cũng có phần trách nhiệm khi không kiểm soát, để nhân viên có cơ hội sai phạm.

Tuyệt đối không “rút gọn” quy trình

Để tránh những vụ việc tương tự, theo các chuyên gia NH, cả NH thương mại và khách hàng tuyệt đối không “rút gọn” quy trình giao dịch, kể cả đối với những khách hàng VIP để bảo vệ NH và khách hàng.

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn tại TP.HCM cho biết thông thường, người gửi từ 1-2 tỉ đồng trở lên sẽ trở thành khách hàng VIP và được ưu tiên khi giao dịch. Tuy nhiên, không vì vậy mà khách hàng “khoán trắng” hoặc tin tưởng tuyệt đối vào một cán bộ NH nào, ngay cả trưởng phòng giao dịch, vì vị trí này không thể làm thay tất cả như nhân viên giao dịch, kiểm soát viên, ngân quỹ…

Đối với các giao dịch có số tiền tương đối lớn, khách hàng cần biết tự bảo vệ mình, như thường xuyên kiểm tra tài khoản, đến phòng giao dịch, chi nhánh khi làm thủ tục gửi tiền, tất toán và kiểm tra đầy đủ các quy trình có chữ ký, con dấu.

Giải quyết thỏa đáng quyền lợi của khách hàng

Chiều 27-3, NCB khẳng định luôn bảo đảm mọi quyền lợi hợp pháp của khách hàng, người gửi tiền tại NCB trong mọi trường hợp, đây là ưu tiên hàng đầu của NCB theo đúng quy định của pháp luật. NCB đang cùng các bên liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ việc và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng là bà Nguyễn Bạch Mai.

“Chúng tôi tin tưởng vụ việc sẽ được giải quyết thấu đáo theo quy định của pháp luật. Căn cứ kết luận chính thức của các cơ quan chức năng, NCB cam kết sẽ thực hiện mọi nghĩa vụ của mình để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bà Nguyễn Bạch Mai” - đại diện NCB khẳng định.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn