Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sẽ chấp thuận điều chỉnh quy hoạch Sơn Trà

Thứ ba, 23/05/2017, 08:59
Quy hoạch Sơn Trà (Đà Nẵng) vừa được công bố đã gây nhiều băn khoăn về khả năng lợi ích nhóm chi phối, khiến bán đảo độc nhất vô nhị này bị bê tông hóa. Bên hành lang Quốc hội, PV đã trao đổi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Thưa Phó Thủ tướng, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng gửi “tâm thư” kiến nghị Thủ tướng xem xét lại quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia Sơn Trà. Là người ký phê duyệt quy hoạch, quan điểm của Phó Thủ tướng về kiến nghị này như thế nào?

Chính phủ luôn trân trọng các góp ý, phản biện và đều giao các cơ quan theo đúng chức năng, thẩm quyền xem xét với tinh thần cầu thị.

Ngay khi báo chí đưa tin, dù chưa nhận được Bản kiến nghị tôi đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ Văn hóa) theo dõi xử lý. Khi Văn phòng Chính phủ nhận được bản kiến nghị, tôi đã có ý kiến và Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Văn hóa chủ trì cùng UBND TP.Đà Nẵng xem xét.

Khi nghe phản ánh về cuộc làm việc "không tìm được tiếng nói chung" giữa Tổng cục Du lịch và Hiệp hội tại Đà Nẵng tôi đã yêu cầu Bộ và Đà Nẵng khẩn trương xem xét các kiến nghị của Hiệp hội. Tinh thần là phải cầu thị thật sự đồng thời cũng phải rất khoa học cả về cách làm và nội dung.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bên hành lang Quốc hội ngày 22/5.

Kiến nghị của Hiệp hội Du lịch có đưa 4 đề xuất, trong đó đề nghị giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà. Ý kiến của ông về đề xuất này?

Như tôi đã nói, Bộ và Đà Nẵng sẽ có báo cáo, kiến nghị về các đề xuất của Hiệp hội. Tôi không thể đưa ra ý kiến một cách giản đơn vì có những khía cạnh cần có chuyên môn sâu. Mặt khác, trước khi lập quy hoạch thì đã có nhiều dự án được Đà Nẵng chấp thuận chủ trương, duyệt dự án. Có những khách sạn đang hoạt động, có dự án đang thi công. Các dự án này có tổng số phòng lưu trú trên 5.000 phòng. Quy hoạch được phê duyệt yêu cầu phải giảm xuống chỉ còn 1.600 phòng.

Liệu có thể hiểu bản quy hoạch này sẽ góp phần hợp thức hoá những công trình đã xây dựng tại Sơn Trà?

Tôi cũng nghe có ý kiến đưa ra câu hỏi như vậy và cũng có người hỏi “nếu không có quy hoạch này thì sao?” Theo bạn thì như thế nào? Không có quy hoạch này thì không chỉ một số mà tất cả các dự án đã cấp sẽ vẫn "bình thường" đâu cần phải "hợp thức hóa".

Không có quy hoạch này thì chỉ với các dự án thành phố đã cấp cũng không ổn và càng không ổn nếu sau này tiếp tục cho mở rộng hoặc cấp mới. Chính Đà Nẵng cũng thấy vậy nên mới đồng ý với Bộ trình quy hoạch lên Thủ tướng.

Chúng ta có thể thắc mắc sao không làm quy hoạch từ sớm đi mà mãi tới 2013 mới làm? Vì tháng 1/2013 thì Thủ tướng quyết định đưa Sơn Trà vào danh mục các Khu Du lịch quốc gia, từ đó mới phải có quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt.

11 dự án đã được phê duyệt đầu tư trước khi có Quy hoạch du lịch tổng thể. Như vậy sẽ có chủ đầu tư đang có dự án ở đây được lợi và ngược lại nhiều chủ đầu tư sẽ phải hủy dự án. Dư luận có quyền đặt câu hỏi về khả năng có lợi ích nhóm chi phối quy hoạch này, thưa ông.

Một quy hoạch mà thay vì cho mở rộng quy mô đầu tư hay có thêm nhiều dự án đầu tư lại yêu cầu phải điều chỉnh theo hướng giảm xuống thì sẽ đụng chạm lợi ích một số nhà đầu tư và cũng đặt chính quyền thành phố vào thế phải xử lý với những dự án đã đồng ý chủ trương, đã cấp phép. Không tránh khỏi có người muốn tất cả các dự án đã cấp phép được tiếp tục. Có người muốn được cấp thêm, cấp mới. Có người muốn bớt đi, bớt nữa. Thậm chí muốn xóa hết để về nguyên sơ.

Tôi cho rằng, bản quy hoạch được lập chính là cơ sở để Đà Nẵng rà soát, điều chỉnh lại các dự án đã cấp trước đây theo hướng có lợi hơn cho phát triển bền vững của Sơn Trà, của thành phố. Nếu không có bản quy hoạch này, thì ngay chỉ với dự án Đà Nẵng đã cấp phép cũng không ổn và càng không ổn nếu sau này tiếp tục cấp thêm dự án mới hay cho mở rộng dự án cũ.

Bản đồ quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Phần màu tím là trung tâm tiếp đón và lưu trú.

Dẫn Điều 30 Luật Đầu tư, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng quy hoạch tổng thể Sơn Trà đã vi phạm luật khi cho phép các chủ đầu tư triển khai dự án du lịch với diện tích trên 1.000ha. Quan điểm của Phó Thủ tướng về vấn đề này?

Khi trình quy hoạch này các Bộ và Văn phòng Chính phủ đều đã xem xét đảm bảo đúng quy định của Luật. Vừa qua, tôi đã yêu cầu Bộ Tư pháp kiểm tra lại. Bộ Tư pháp cũng khẳng định là quy hoạch được ký đúng thẩm quyền và không sai Luật Đầu tư.

Điều 30, Luật Đầu tư quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư với các dự án đầu tư, còn quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Sơn Trà không phải là một dự án đầu tư.

Theo Luật Du lịch, Khu Du lịch Quốc gia phải có diện tích từ 1.000ha trở lên. Quy mô quy hoạch là 1.056ha, không có nghĩa phá đi từng ấy diện tích rừng để xây dựng. Diện tích xây dựng các cơ sở du lịch, kể cả công trình phụ trợ ở Sơn Trà không tới 2% và xây ở chỗ nào cũng phải có dự án, phải tuân thủ quy định về đầu tư xây dựng, về đất đai, về bảo vệ rừng.

"Quy hoạch đúng quy trình, không sai luật", vậy "sự cầu thị và khoa học" mà Phó Thủ tướng nêu trong công văn đề nghị các cơ quan có liên quan xem xét sau khi có kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nên được hiểu như thế nào?

Dù việc phê duyệt quy hoạch là đúng quy trình, đúng thẩm quyền, không trái luật nhưng khi có ý kiến phản biện, đóng góp thì vẫn phải xem xét. Thực tế từng có nhiều ý kiến rất xác đáng và được tiếp thu. Không ít các văn bản, kể cả Nghị định của Chính phủ đã được điều chỉnh, bổ sung nhờ có các ý kiến như vậy.

Như vậy có nghĩa là không có chuyện quy hoạch được thực hiện đúng quy trình rồi thì không xem xét. Vậy khả năng điều chỉnh điều chỉnh quy hoạch sẽ như thế nào thưa ông?

Chắc chắn không có chuyện đúng quy trình thì không xem xét. Thủ tướng đã giao Bộ Văn hóa và Đà Nẵng xem xét các kiến nghị trên tinh thần cầu thị và khoa học. Các cơ quan, chuyên gia sẽ phải làm việc với nhau, để phân tích thấu đáo.

Theo quy định thì Bộ Văn hóa là cơ quan chịu trách nhiệm lập, thẩm định và trình quy hoạch. Vì quy hoạch ở đâu cũng phải tính tới lợi ích tại địa bàn nên đương nhiên Bộ phải phối hợp chặt chẽ với Đà Nẵng đề trình.

Nếu đề nghị điều chỉnh là xác đáng và điều chỉnh theo hướng giảm xây dựng, tăng bảo vệ rừng, môi trường thì tôi sẽ đồng ý. Ngược lại, tôi sẽ không chấp nhận.

Theo VNE

Các tin cũ hơn