|
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Văn phòng Chính phủ mới đây có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình sau cuộc họp lần thứ 7 diễn ra cuối tháng 4 của Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố, ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh cho người dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường Formosa gây ra vào năm 2016.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo lực lượng kiểm ngư hỗ trợ và phối hợp UBND 4 tỉnh nêu trên tăng cường tuần tra, giám sát và vận động ngư dân không khai thác hải sản tầng đáy ở vùng biển 20 hải lý trở vào bờ cho đến khi có kết luận chính thức của Bộ Y tế về hải sản tầng đáy đã đảm bảo an toàn thực phẩm và nguồn lợi hải sản tầng đáy đã cơ bản phục hồi; UBND 4 tỉnh trên được yêu cầu tiếp tục triển khai theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản và khuyến cáo, giám sát ngư dân không sử dụng các nghề khai thác hải sản tầng đáy để khôi phục, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đảm bảo an toàn thực phẩm, làm yên lòng người tiêu dùng.
Trao đổi riêng với PV bên hành lang Quốc hội chiều qua (22/5), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cá sống ở tầng đáy cần có thời gian để phục hồi, sinh trưởng và nếu đánh bắt nhiều có thể dẫn tới nguy cơ huỷ diệt.
“Hơn nữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế đã phân tích một số loại hải sản, có một số loài đào thải nhanh, có loài đào thải chậm, chưa đào thải hết. Xác suất mấy phần trăm nhưng phải khuyến cáo như vậy. Còn về vấn đề môi trường thì tôi đảm bảo hoàn toàn” - ông Hà nói.
Trả lời câu hỏi về việc tiếp tục kiểm soát môi trường đối với Formosa như thế nào, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: “Quan trọng nhất là chất lượng nước thải ra môi trường, kiểm soát đầu ra, kiểm soát cả vận hành, kiểm soát sự cố của nó. Mình kiểm soát qua 3 tầng. Tầng thứ nhất là kiểm soát ngay ở nguồn thải, tầng thứ hai là lên tới nước thải tập trung và tầng thứ 3 là hồ chỉ thị sinh học rộng 13 ha chứa cả tuần. Ngoài 3 tầng kiểm soát này thì còn bổ sung rất nhiều thiết bị để xử lý. Sắp tới khi nước ra hồ chỉ thị sinh học sẽ tái sử dụng chứ không thải ra đâu. Hơn nữa sẽ thải mặt chứ không thải ngầm nữa”.
Vì sao chưa cách chức ông Lương Duy Hanh?
Trước thắc mắc về việc Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa xử lý kỷ luật đối với ông Lương Duy Hanh - Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định đến giờ Bộ vẫn chưa nhận được văn bản thông báo chính thức từ Uỷ ban Kiểm tra Trung ương mà chỉ đọc thông tin báo chí phản ánh.
“Bản thân sai phạm của ông Hanh có vụ lợi, tư lợi gì đâu, chỉ là câu chuyện đã mất cảnh giác, tại thời điểm đó lẽ ra phải lường trước được” - ông Hà nói và khẳng định, dù xử lý kỷ luật rồi thì Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn sử dụng ông Lương Duy Hanh bởi đây là một chuyên gia giỏi.
Theo ông Hà, việc xử lý kỷ luật sẽ được căn cứ theo Nghị định 34 về xử lý công chức viên chức.
Cách đây hơn 1 tháng, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ra ban hành thông cáo về kỳ họp thứ 13 của cơ quan này. Trong đó, ông Lương Duy Hanh - Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - được kết luận là thiếu trách nhiệm khi làm trưởng đoàn thanh tra đối với dự án Formosa; không tham mưu giám sát việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm.
Xác định những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cá nhân nêu trên là nghiêm trọng, căn cứ Quy định số 263-QĐ/TW và Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lương Duy Hanh.
Theo Dân Trí