Hiện các cửa biển tại địa phương như Cửa Tùng, Cửa Việt bị bồi lấp nặng. Đáng chú ý, tại cửa biển Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh), nhiều ngư dân phản ánh luồng lạch bị bồi lấp nên tàu cá của ngư dân địa phương và ngư dân nhiều tỉnh, thành khác không thể ra vào Cảng cá Cửa Tùng.
Tàu thuyền ngư dân vào cảng khó khăn
Cảng cá Cửa Tùng được chính thức đưa vào sử dụng năm 2008, trở thành nơi lưu thông, neo đậu tàu thuyền và kinh doanh, buôn bán thủy, hải sản lớn của tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, cửa biển bị bồi lấp nghiêm trọng, nhiều đoạn luồng lạch có chiều rộng chỉ còn từ 4-5 m và độ sâu chỉ còn chưa đầy 0,2 - 0,8m.
Việc cửa cảng, luồng lạch tại Cửa Tùng bị bồi lấp đã khiến tàu thuyền của ngư dân tại đây gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các chủ tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ.
Cảng Cửa Tùng là một cảng lớn của tỉnh Quảng Trị, song tình trạng bồi lấp của biển đã gây khó khăn cho các tàu, thuyền khi ra vào cảng |
Ngư dân Nguyễn Văn Hùng, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, cho biết, do cửa biển bị bồi lấp nên tàu, thuyền mỗi lần vào cảng rất khó, vì nước quá cạn. Ngư dân chỉ còn cách cho một chiếc thuyền vận chuyển đậu ngoài cửa để vận chuyển hàng hóa vào. Mỗi lần đi thì phải chờ thủy triều lên và cho tàu ra ngoài nên chi phí tăng thêm rất nhiều.
Một số tàu công suất lớn ra vào cảng này rất khó khăn, thường xuyên bị mắc cạn. |
Đối với các tàu có công suất lớn, việc ra vào cảng cá trở nên khó khăn hơn. Ngư dân Phan Thanh Đạo, thị trấn Cửa Tùng nói: "Tàu của tôi được vay vốn đóng mới theo chủ trương Nghị định 67 nên công suất hơn 1.000 CV. Thời gian qua, việc ra vào cảng liên tục gặp trở ngại vì cửa rất cạn, có sóng là đi vào rất khó. Nếu không may xảy ra sự cố thì phần thiệt hại mà ngư dân gánh chịu là rất lớn, bởi chi phí đóng tàu hàng chục tỷ đồng".
Luồng lạch ở cửa biển bị bồi lấp khá nghiêm trọng |
Việc luồng lạch bị bồi lấp nghiêm trọng tại Cảng Cửa Tùng hiện không những gây khó khăn cho tàu thuyền ngư dân mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Hàng trăm lao động trước đây làm nghề dịch vụ hậu cần nay không có việc làm vì thiếu tàu thuyền đưa hàng hóa ra vào cảng. Mặt khác, nhiều cơ sở chế biến thủy hải sản cũng phải đóng cửa vì không có nguyên liệu.
Xuất hiện tình trạng sạt lở xuất hiện tại chân cầu Cửa Tùng |
Trước thực trạng trên, Ban quản lý Cảng cá Cửa Tùng đã có nhiều kiến nghị đến cơ quan chức năng nhằm giải quyết vấn đề này. Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Cửa Tùng, cho biết: Đơn vị đã có tờ trình gửi các cơ quan chức năng của tỉnh và đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp nạo vét khẩn cấp đưa cát về lại bãi tắm để cho tàu, thuyền ra vào an toàn.
Cần khẩn trương khơi thông luồng lạch
Hiện toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 2.300 tàu thuyền các loại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang thực hiện chủ trương phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, tạo điều kiện cho người dân vay vốn, đóng mới tàu thuyền. Tuy nhiên, với tình trạng cửa biển bị bồi lấp như hiện nay, việc đảm bảo cho các cảng cá hoạt động rất khó khăn.
Một số tàu lớn hơn phải neo đậu bên ngoài |
Được biết, mới đây UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - Nguyễn Đức Chính về vấn đề nạo vét cửa biển. Trước kiến nghị của ngư dân phản ánh việc UBND tỉnh Quảng Trị giao Công ty Duy Tân (có trụ sở tại Hà Nội) thực hiện nạo vét luồng lạch ở Cảng cá Cửa Tùng theo hình thức xã hội hóa, nhưng công ty này không thực hiện.
UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Công ty Duy Tân nghiêm túc thực hiện, đến ngày 30/4/2017 nếu không triển khai, UBND tỉnh đề nghị Cục Đường thủy nội địa chấm dứt để giao đơn vị khác thực hiện. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn nói trên mà việc nạo vét luồng lạch ở Cảng cá Cửa Tùng vẫn chưa được triển khai.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị vào chiều 18/5, trước các đề nghị của tỉnh về yêu cầu cấp thiết cần khẩn trương nạo vét luồng lạch, cửa biển tại Cửa Tùng trình Bộ này xem xét, Bộ trưởng Bộ GTVT - Trương Quang Nghĩa đồng tình với phương án của tỉnh Quảng Trị.
Theo đó, Bộ GTVT sẽ giao cho Cục Đường thủy nội địa phối hợp với tỉnh Quảng Trị để lập dự án, phê duyệt dự án đầy đủ, sau đó giao cho địa phương thực hiện.
“Bộ GTVT hoàn toàn ủng hộ việc giao cho địa phương làm các dự án, Bộ GTVT chỉ quản lý làm sao để tỉnh làm đúng thiết kế. Cần có các văn bản báo cáo Chính phủ để tránh việc “cát tặc” lợi dụng nạo vét luồng lạch để khai thác cát trái phép vì vừa qua vấn đề này đã xuất hiện ở một số địa phương”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Theo Dân Trì