Mỹ muốn người Kurd đánh xuống lưu vực sông Euphrates
Ngày 21/5, tờ Politico của Mỹ đã dẫn tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Đại tướng Joseph Dunford cho biết, Lực lượng vũ trang Hoa Kỳ đang ở trong “giai đoạn chung kết” để ký một thỏa thuận tránh xung đột mới với Nga trên chiến trường Syria.
Theo đó, mục đích của bản thoả thuận này là nhằm giảm thiểu mối đe dọa đối đầu tiềm năng, trong bối cảnh các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn tiếp tục chiến dịch của họ để đánh chiếm nhiều vùng riêng rẽ trên lãnh thổ Syria từ tay tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS).
"Hoa Kỳ có một đề nghị mà hiện nay chúng tôi (Lầu Năm Góc) đang làm việc cùng với người Nga để đạt thành điều đó”. Tướng Dunford không nói chi tiết, nhưng bình luận rằng, ông hy vọng phía Nga đủ nhiệt tình, bởi điều này sẽ có lợi cho cả 2 bên và cuộc chiến chống khủng bố.
Theo ông, thỏa thuận này sẽ giảm thiểu nguy cơ xung đột giữa hai bên nảy sinh trong quá trình hoạt động chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo trên lãnh thổ Syria, cho phép hai bên có thể tiếp tục chiến dịch chống IS, đồng thời đảm bảo an toàn cho binh sĩ của Mỹ.
Mặc dù tướng Dunford không nêu rõ nội dung của thỏa thuận cũng như ý định triển khai lực lượng quân sự của Mỹ ở Syria, nhưng ông cho biết rằng, trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nói rõ ràng về điều này.
Theo đó, ông Mattis tuyên bố rằng, lực lượng được Hoa Kỳ ủng hộ đang chiến đấu giải phóng thành phố Raqqa - thủ phủ không chính thức của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo", nhưng các lực lượng nói trên không dừng lại ở đó mà vạch kế hoạch tiếp nối chiến dịch cho đến tận vùng thượng lưu sông Euphrates.
Các chiến dịch như vậy tăng cao mạo hiểm đụng độ giữa một bên là lực lượng “dân quân” và các huấn luyện Mỹ, còn ở bên kia là lực lượng Chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn. Theo nhận định của tướng Dunford, đó là nguy cơ mà Lầu Năm Góc đang cố tìm cách tránh né.
Mỹ không kích Quân đội Syria, hỗ trợ phiến quân FSA tiến theo hướng Deir Ezzor |
"Suốt trong nhiều tháng ròng chúng ta đã làm việc rất vất vả nhằm giảm nguy cơ xung đột nảy sinh trong quá trình các chiến dịch của chúng ta, mà mục tiêu chính là đảm bảo an toàn cho các phi công trên trời và binh sĩ Mỹ trên mặt đất, tạo điều kiện để tiếp tục chiến dịch. Tôi tin chắc rằng, trong mấy tháng qua, chúng ta đã đạt được tiến bộ trong nội dung này" - ông Dunford thông báo.
Tuyên bố của vị Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ được đưa ra ngay sau khi ông ra điều kiện đối với Quân đội Syria, hướng dẫn họ phải làm những gì để không bị Liên quân Mỹ tấn công.
Theo đó, Hoa Kỳ sẽ không lặp lại những cuộc tấn công vào Syria nếu không thấy mối đe dọa nào đối với lực lượng quân sự của Mỹ và đồng minh, cùng với những lực lượng được họ hậu thuẫn (bao gồm lực lượng vũ trang người Kurd ở al-Hasakah, Raqqa hay FSA ở phía đông nam Syria).
Trước đó, vào ngày 18/5, máy bay của liên minh do Hoa Kỳ đứng đầu đã giáng đòn tấn công vào một đoàn xe tăng-thiết giáp và các loại xe cơ giới khác của lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria trong khu vực gần thị trấn al-Tanf, nằm ở vùng tam giác biên giới Syria-Iraq-Jordan.
Mỹ đang hỗ trợ phiến quân FSA đánh lên Deir Ezzor?
Thoạt nghe, nội dung của tuyên bố này chẳng có gì đặc biệt, bởi đối với Nga-Mỹ thì việc ký thỏa thuận phòng tránh va chạm rồi lại phá vỡ nó, rồi lại ký tiếp là điều hết sức bình thường.
Mới đây nhất là việc Nga đã hủy bỏ thỏa thuận này, sau cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ vào sân bay Shaayrat thuộc tỉnh Homs của Syria đêm ngày 7, rạng ngày 8/4 vừa qua, nhưng đã nối lại vào ngày 13/4, chỉ một ngày sau chuyến thăm Moscow của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.
Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét kỹ, cứ sau khi liên quân Mỹ tiến hành một hoạt động quân sự nào bị Nga coi là “quá đáng” và chấm dứt thỏa thuận này thì sau khi nối lại, Nga và Syria sẽ chịu thêm một thiệt thòi, ví dụ như mất đi một phần lãnh thổ vào tay đối lập hoặc khủng bố IS.
Thỏa thuận lần này cũng vậy, đã thấy những ý đồ rất lớn trong tuyên bố của giới chức lãnh đạo Bộ quốc phòng Mỹ.
Lần đầu tiên Lầu Năm Góc công khai ý định hỗ trợ các lực lượng thân Mỹ tấn công đến lưu vực sông Euphrates, mà điểm bắt đầu vào Syria của nó chính là thị trấn Abu Kamal (al-Bukamal) - cứ điểm quan trọng của IS mà cả Quân đội Syria do Nga hậu thuẫn và phiến quân đối lập FSA được Mỹ chống lưng, đang muốn giành lấy quyền kiểm soát.
Chiến dịch quân sự của Mỹ kéo dài đến khu vực lưu vực sông Auphrates (gồm toàn bộ địa giới tỉnh Deir Ezzor) có thể bao gồm 2 hướng đánh chính là FSA đánh lên từ hướng Nam và người Kurd tiến xuống từ phía Bắc, để quét sạch khủng bố IS ở địa bàn tỉnh Deir Ezzor.
Việc Quân đội Syria hành tiến theo hướng đến khu doanh trại mà Mỹ mới thiết lập để huấn luyện và tập kết trang bị hỗ trợ cho phiến quân FSA đánh chiếm thị trấn Abu Kamal chính là nguyên nhân then chốt khiến SAA bị máy bay của Liên quân Mỹ không kích.
Do đó, việc chiến đấu cơ Mỹ phóng tên lửa vào quân đội Syria ở khu vực này có thể là con bài của Mỹ nhằm đe dọa Nga và Syria, buộc Moscow và Damascus phải tìm cách hạn chế các cuộc không kích đó, đồng ý với thỏa thuận phòng tránh va chạm ở khu vực này.
Mỹ muốn Nga “nhường” Deir Ezzor cho phiến quân đối lập? |
Nếu Nga chấp nhận ký thỏa thuận mới gắn với việc chiến dịch quân sự của Mỹ kéo dài đến khu vực lưu vực sông Auphrates cũng có nghĩa là Moscow và Damascus buộc phải chấp nhận việc FSA và người Kurd mở chiến dịch quét sạch khủng bố IS ở địa bàn tỉnh Deir Ezzor.
Nếu Liên quân Mỹ hậu thuẫn đối lập đạt được mục đích này, đồng nghĩa với việc Quân đội Syria trấn thủ thành phố Deir Ezzor sẽ như “cá nằm trong rọ”, chỉ chuyển từ việc sống trong vòng vây của khủng bố Nhà nước Hồi giáo sang vòng vây của phiến quân “đối lập ôn hòa”.
Những nhượng bộ kiểu này đã từng xảy ra trong quá khứ khi Nga và Syria hồi tháng 2 năm nay đã buộc phải chấp nhận thỏa thuận “nhường” thị trấn Tadef (nằm ở cửa ngõ phía Nam al-Bab) cho phiến quân FSA được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và chấp nhận lùi xuống phía Nam, đánh sang phía Đông để chiếm thành trì của IS ở Aleppo là Deir Hafer.
Deir Hafer được coi là cửa ngõ chiến lược tới sân bay quân sự Tabaqa và khu đập cùng tên ở phía Tây al-Raqqa, là bàn đạp quan trọng để quân đội Syria tiến tới thủ phủ của IS. Tuy nhiên, Mỹ đã dùng trực thăng bốc lực lượng vũ trang người Kurd đến chiếm con đập và sân bay Tabaqa, chặn đường Syria tiến sang “chia phần” ở Raqqa.
Do đó, các mũi tiến công của Quân đội Syria ở phía Đông Aleppo bị khựng lại ở bờ Tây sông Euphrates, SAA buộc phải tiến xuống phía Nam, chấm dứt ý định tiến sang hướng Raqqa. Cục diện khu vực biên giới đã định, hoàn toàn không thể thay đổi.
Liệu lần này Nga và Syria liệu có chấp nhận tiếp tục để mất nốt Deir Ezzor, để Mỹ và phiến quân đối lập kiểm soát toàn bộ khu vực biên giới phía Đông? Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau.
Theo Đất Việt