|
Nhiều nguy cơ đối với bệnh nhân khi sử dụng thiết bị y tế không hiện đại. |
Mất tiền tỷ mua máy không tốt?
Sau khi PV có bài phản ánh những lùm xùm đấu thầu máy xạ trị giá 240 tỷ đồng tại BV Ung bướu TP.HCM, các chuyên gia trong lĩnh vực xạ trị có những ý kiến phản hồi. Theo họ việc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM phát hành một bộ hồ sơ mới với nhiều tiêu chí và thang điểm kỹ thuật hướng tới thiết bị của một hãng duy nhất, cho thấy “có khuất tất trong đấu thầu” và “đề nghị Vụ trang thiết bị, Bộ Y tế làm cơ quan độc lập vào cuộc thẩm định”.
Một giám đốc Cty tham gia đấu thầu cho biết, việc điều chỉnh theo hướng một số tiêu chí kỹ thuật mang tính quyết định khi đánh giá máy gia tốc không được đưa vào HSMT và nhiều tiêu chí kỹ thuật quan trọng bị hạ điểm đánh giá thấp xuống, đồng thời nhiều tiêu chí không quan trọng lại được nâng điểm, tạo lợi thế cho một hãng khác khiến họ bị loại tức tưởi.
Ngoài 6 tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng xạ trị của máy gia tốc bị điều chỉnh không được đưa vào HSMT để đánh giá, thì nhiều chỉ tiêu rất cần ở máy xạ trị cũng bị loại như độ truyền tia xạ. Theo PGS.TS Bùi Công Toàn, nguyên Phó GĐ Bệnh viện K Trung ương, người hơn 30 năm công tác trong lĩnh vực xạ trị, độ truyền tia xạ càng nhỏ thì khả năng che chắn, bảo vệ cơ quan lành càng tốt, giảm được nguy cơ ung thư thứ cấp do các tia xạ không có tác dụng điều trị gây nên.
Trong hồ sơ điều chỉnh, nhiều tiêu chí quan trọng của máy gia tốc bị điều chỉnh giảm xuống vô hình trung có lợi cho một hãng máy. Đơn cử như số lượng lá chuẩn trực trong bộ chuẩn trực đa lá (MLC) của một hãng là 120 lá và một hãng khác là 160 lá đều được tính điểm bằng nhau.
Theo PGS.TS Bùi Công Toàn, số lượng lá MLC trong máy xạ trị ung thư là một tiến bộ của nhân loại trong lĩnh vực xạ trị ung thư thời gian qua. “Tôi làm nghề đến nay hơn 30 năm thì máy xạ trị ung thư đã đi từ 16 lá MLC/máy đến 160 lá MLC/máy hiện nay, là đỉnh cao nhất trong lĩnh vực xạ trị. Máy 160 lá MLC có 160 hệ thống điều chỉnh cho từng lá một, nhờ đó sẽ bao sát theo đúng hình dạng của khối u, giúp giảm liều tới mô lành xung quanh. Số lá MLC ít thì sẽ không bao được sát theo hình dạng khối u, dẫn tới tia xạ sẽ chiếu vào các tổ chức lành tính quanh khối u” - ông Toàn nói.
Gói thầu thiết bị xạ trị gia tốc trị giá 240 tỷ đồng được Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TP.HCM. Theo kết quả mở thầu tài chính chỉ Cty TNHH Dược phẩm trang thiết bị y tế T.D đạt và trúng thầu máy Varian với giá gần 239 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói, giá máy xạ trị gia tốc Elekta cùng tham gia chào thầu chỉ khoảng 190 tỷ đồng, chênh lệch so với máy trúng thầu gần 50 tỷ đồng.
Nhiều nguy cơ cho bệnh nhân
Theo PGS. TS Bùi Công Toàn, hệ thống gia tốc hiện đại là phải giảm đến mức tối đa các tác dụng phụ cấp tính và mãn tính bằng cách giảm thiểu tác dụng của tia xạ tới các mô lành quanh khối u.
Phân tích so sánh về ưu điểm của máy xạ trị gia tốc Elekta và Varian, một chuyên về lĩnh vực xạ trị cho biết, máy Elekta có tốc độ lá chuẩn trực nhanh gấp 3 lần so với máy của hãng Varian, giúp bệnh nhân không phải nằm lâu trong boongke để xạ trị với môi trường bức xạ cực lớn.
Ngoài ra, với trường chiếu tối đa lên tới 40 x 40cm, máy gia tốc Elekta giúp điều trị được nhiều khối u cùng lúc giúp rút ngắn thời gian điều trị và giảm liều tia xạ tới họ. Trong khi máy Varian với trường xạ tối đa chỉ có 22 x 32cm sẽ không thể xạ được nhiều khối u đồng thời, nên phải tách thành nhiều lần xạ riêng biệt, kéo dài thời gian điều trị và làm tăng các tia xạ không mong muốn tới bệnh nhân.
Theo Tiền Phong