Dân hùn tiền để 'chiến đấu' với xáng cạp hút cát

Thứ hai, 22/05/2017, 20:14
Không chỉ trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp dừng lấy cát, người dân Cồn Cũ, ấp Tấn Thuận, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, An Giang còn vận động hùn tiền để làm “kinh phí” chiến đấu lâu dài với doanh nghiệp.

Xáng cạp của doanh nghiệp nằm bất động giữa nhánh sông Tiền vì người dân phản ứng vài ngày qua -

Hai ngày qua, người dân Cồn Cũ quyết “tuyên chiến” với xáng cạp để bảo vệ cát quanh khu vực cồn thuộc nhánh sông Tiền.

Trưa 22-5, mặc cho cái nắng như thiêu như đốt, hàng chục người dân Cồn Cũ vẫn tập trung tại nhà ông Đoàn Văn Đống (67 tuổi) để “bàn phương án chiến đấu" với doanh nghiệp đang khai thác cát trên nhánh sông Tiền chảy qua địa phận cù lao Giêng gồm 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân.

Dùng xuồng máy đưa chúng tôi ra tận chiếc xáng cạp đang nằm bất động giữa đoạn sông, ông Đống cho biết trước đây đoạn sông này phía đầu cồn rộng khoảng 400m, càng vào sâu bên cồn thì nhánh sông càng nhỏ hẹp lại.

Khu vực Cồn Cũ này hằng năm đã sạt lở nặng vì nằm ngay ngã ba của nhánh sông Tiền. Trung bình mỗi năm sạt lở ăn sâu vào bờ khoảng 20m và dài khoảng 40m.

Nếu như chục năm trước, đầu cồn dài khoảng 300-400m thì nay đã ăn sâu vào ruộng vườn và nhà cửa của dân.

“Tụi tui còn tính mua cây tràm đóng cừ hoặc mua cột điện để đóng phía đầu cồn rồi dùng bao cát hoặc đá bỏ xuống đó để hạn chế xói lở. Xúm nhau ai ai cũng đang bàn tính và hùn tiền lại. Vậy mà đùng một cái chính quyền cho Công ty Dương Khang lấy cát, còn nói là khơi thông luồng lạch gì đó. Nếu cho công ty đó lấy cát càng sâu thì nước chảy qua khu vực cồn này sẽ chảy xiết hơn. Như vậy làm sao không sạt lở được. Bà con ở đây quyết tâm bảo vệ cồn. Vì nếu không nơi này không khác nào Mỹ Hội Đông bị nhấn chìm trước đó” - ông Đống nói.

Ông Đống (áo xanh) chỉ cho chúng tôi lúc trước đất cồn ra tận ngoài sông giờ bị sạt lở thu hẹp dần

Trước đó, khoảng 10h ngày 20-5, khi thấy doanh nghiệp cho xáng cạp lấy cát ở khu vực đầu Cồn Cũ, hàng chục nông dân đã thuê đò chạy ra tận xáng cạp đang múc cát để phản đối và yêu cầu doanh nghiệp dừng khai thác.

Sau đó, người dân quay lại đoạn clip dài khoảng 8 phút đưa lên mạng xã hội Facebook, thu hút trên 2 triệu lượt chia sẻ và bình luận gây xôn xao dư luận ở An Giang.

Nói về việc này, ông Trần Hữu Tín - phó chủ tịch UBND xã Tấn Mỹ - cho biết đây là dự án nạo vét khơi thông luồng lạch của rạch Cù Lao Giêng đã được Sở Tài nguyên - môi trường và UBND tỉnh An Giang đồng ý.

Với tổng chiều dài trên 8,8km qua địa phận 5 xã, thị trấn. Dự án này mới triển khai được một ngày đã vấp phải phản ứng của người dân.

“Ngay sau khi người dân phản ứng, địa phương đã yêu cầu doanh nghiệp dừng thực hiện nạo vét lấy cát. Đồng thời báo cáo về UBND huyện. Vài ngày tới chúng tôi sẽ họp dân thông báo cụ thể để họ hiểu và lấy ý kiến người dân về việc này” - ông Tín nói.

Quá bức xúc nên người dân đã quyên góp tiền làm kinh phí để "chiến đấu" với doanh nghiệp khai thác cát

Theo tài liệu có được, ngày 5-5, ông Lâm Quang Thi - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - đã ký Quyết định “Phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khu vực dự án nạo vét trên rạch Cù Lao Giêng thuộc xã Tấn Mỹ, Bình Phước Xuân, thị trấn Mỹ Luông, Mỹ An và xã Hội An”.

Theo đó, doanh nghiệp thực hiện nạo vét và tận thu khoáng sản cát sông là Công ty TNHH MTV Dương Khang. Giá tính tiền khai thác khoáng sản là 15.000 đồng/m3. Trữ lượng khoáng sản được cấp quyền khai thác là 480.000m3/năm. Tổng số tiền phải nộp là 307.800.000 đồng.

Công ty Dương Khang hiện có 3 xáng cạp thực hiện nạo vét trên nhánh sông Tiền nhưng bị dân phản ứng đã tạm dừng múc cát nạo vét.

Bến Tre cấm khai thác cát vào ban đêm

Trong cuộc họp với các sở ngành và Công an tỉnh Bến Tre sáng 22-5, ông Nguyễn Hữu Lập - phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho biết UBND tỉnh đã có thông báo chính thức về việc quy định hoạt động tại các mỏ cát trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các mỏ chỉ được phép hoạt động vào ban ngày, từ 6h-18h hằng ngày, tuyệt đối không được khai thác vào ban đêm.

Theo đại tá Lê Văn Hòa - phó giám đốc Công an tỉnh Bến Tre, hiện tình hình vi phạm về khai thác khoảng sản cát lòng sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang diễn biến khá phức tạp, đã xuất hiện trường hợp chống người thi hành công vụ, đẩy cán bộ kiểm tra rớt xuống sông. Trên các tuyến sông như Cổ Chiên, Hàm Luông và sông Tiền đang có nguy cơ hình thành 15 “điểm nóng” về cát tặc gây bức xúc cho người dân.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích