|
Ông Sơn tuyên bố sẽ trả lại tàu vỏ thép |
Buổi làm việc diễn ra căng thẳng do các ngư dân cho rằng việc máy tàu bị hỏng là do đơn vị đóng tàu (Công ty TNHH MTV Nam Triệu) hoặc chất lượng máy không đảm bảo, trong khi nhà phân phối cho rằng nguyên nhân của các sự cố là do quá trình vận hành tàu của ngư dân.
Lãnh đạo Công ty TNHH ôtô Đông Hải cam kết sẽ bảo hành máy Doosan trên tàu vỏ thép bị hỏng dù chưa xác định được trách nhiệm là do bên nào. Tuy nhiên, các ngư dân cho rằng phía nhà máy đóng tàu và Hãng Doosan còn phải có trách nhiệm đối với những chuyến biển mà ngư dân lỗ vốn hàng trăm triệu đồng do máy tàu gặp sự cố, chi phí cho thời gian chờ sửa chữa tàu...
Ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH ôtô Đông Hải, khẳng định đơn vị này cung cấp gần 50 máy của Hãng Doosan cho các đơn vị đóng tàu vỏ thép cho ngư dân Bình Định, nhưng hiện chỉ có 4 máy đang thực hiện bảo hành. Trong đó có máy tàu vỏ thép BĐ 99245 TS của ngư dân Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, H.Phù Mỹ) bị gãy trục chính. Ba chuyên gia của Hãng Doosan đã kiểm tra máy trên tàu vỏ thép của ông Sơn nhưng vẫn chưa xác định được lỗi. Ông Hải cho biết trong tháng 6 sẽ nhập linh kiện, phụ tùng về VN để khắc phục hư hỏng máy tàu cho ông Sơn.
Tuy nhiên, ông Sơn không đồng ý với việc thay thế phụ tùng máy mà yêu cầu phải thay bằng máy mới, nếu chỉ thay thế phụ tùng thì ngư dân không dám đưa tàu ra khơi. Ông Chulhe Jeong, Trợ lý Tổng giám đốc phụ trách sau bán hàng khu vực châu Á của Hãng Doosan, cũng khẳng định chỉ thay thế phụ tùng máy cho ông Sơn theo chính sách bảo hành toàn cầu của hãng, không có trường hợp ngoại lệ. Ông Sơn tuyên bố sẽ làm đơn gửi các cơ quan chức năng trả lại tàu vỏ thép cho nhà máy. Sau đó, các ngư dân đồng loạt bỏ về.
Cùng ngày, đoàn công tác Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã gặp các chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng, kém chất lượng, để ghi nhận tình trạng hỏng hóc về máy, vỏ tàu... Sau đó, đoàn đã làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định để xem xét quy trình giải quyết những thủ tục hành chính giúp dân vay vốn trong thời gian qua có đúng thủ tục hay không.
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, sau đợt kiểm tra này, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục làm việc với các nhà máy đóng tàu của Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, kết hợp với phản ảnh của ngư dân và của nhà máy đóng tàu để kết luận được nguyên nhân ban đầu về tình trạng hỏng hóc, từ đó có giải pháp khắc phục sớm nhất các tàu cá bị hư hỏng. Hiện cả nước triển khai được 379 tàu vỏ thép, trong đó có nhiều tàu đánh bắt trên biển đã phát huy hiệu quả nhưng cũng có 15 tàu bị trục trặc về máy hay vỏ tàu.
Các chuyên gia Hàn Quốc kiểm tra máy trên tàu vỏ thép của ông Sơn. |
Ngày 26.5, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã có ý kiến bằng văn bản yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương có nghĩa vụ sửa chữa tàu cá vỏ thép bị hư hỏng theo hợp đồng đã thỏa thuận với chủ tàu (phải hoàn thành trong tháng 6.2017).
Đơn vị đóng tàu không được tự ý thay tôn thép vỏ tàu từ loại của Nhật Bản/Hàn Quốc sang loại của Trung Quốc mà không được sự chấp thuận của chủ tàu, đồng thời phải xem xét hoàn trả các khoản chi phí cần thiết cho chủ tàu, hỗ trợ cho chủ tàu vì tàu cá nằm bờ không ra khơi được... Nếu các đơn vị đóng tàu không thực hiện nghĩa vụ của mình, chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các bên liên quan hướng dẫn chủ tàu các thủ tục pháp lý để tiến hành khởi kiện ra tòa đòi quyền lợi chính đáng.
Theo Thanh Niên