Vào khoảng năm 2014, ứng dụng Uber và Grab bắt đầu gia nhập thị trường Việt Nam. Giai đoạn 2015 đến đến giữa 2016 là thời kỳ đỉnh cao của loại hình xe chạy theo ứng dụng mới mẻ này. Giá xe chạy Grab, Uber rẻ, liên tục có khuyến mãi, phần mềm lại nhanh chóng và tiện lợi nên được nhiều người lựa chọn.
Cùng với sự phát triển của người dùng, cả Grab và Uber liên tục có những chính sách và trả công rất hậu hĩnh cho đội ngũ chủ xe. Chẳng hạn, lái xe chạy trên 40 chuyến hoặc 50 chuyến một ngày thì được thưởng 1,2-1,5 triệu đồng; trợ giá một số đoạn đường ngắn. Nếu tài xế chạy được trên 5 chuyến trong khung giờ buổi trưa từ 12h đến 14h thì được thưởng ngay lập tức 200.000 đồng… Một ngày chăm chỉ, tài xế thu về khoảng 1 triệu đồng sau khi trừ các chi phí là rất bình thường.
Nhờ đó, một lượng lớn các tài xế bị thu hút vào loại hình vận chuyển mới mẻ này. Theo như ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Uber Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp này tại Việt Nam cao thứ hai thế giới (chỉ sau Trung Quốc).
Sự hấp dẫn của các chính thu hút tài xế của cả Uber và Grab tung ra không chỉ những người có xe nhàn rỗi mà còn nhiều người còn quyết định mua xe mới để kinh doanh.
Grab từng đưa ra quảng cáo thu nhập lên tới 35 triệu mỗi tháng với ôtô nhàn rỗi. Cụ thể, hãng này cho biết thu nhập tài xế "trung bình 26-33 triệu khi hoạt động toàn thời gian mỗi tháng, và sẽ đạt đến 35 triệu/tháng trong mùa cao điểm như mùa mưa, lễ tết".
Việc ứng dụng nền tảng công nghệ đã làm cho Uber và Grab có sức cạnh tranh vượt trội hơn so với taxi truyền thống. Uber và Grab nhanh hơn, rẻ hơn, tiện ích hơn ngay lập tức thu hút một lượng lớn khách hàng chuyển từ taxi truyền thống sang. Khách hàng có thể đặt xe một cách nhanh chóng với giá tiền được hiển thị ngay tại màn hình điện thoại.
Các chương trình khuyến mãi mang tính gây sốc liên tiếp được Uber và Grab đưa ra trên thị trường. Đi 2 chuyến tính tiền một chuyến, đi từ chuyến thứ 2 giảm 50%, giảm 30.000 cho 3 chuyến vào cuối tuần, giảm 50% khi đi vào ban đêm... là những chiêu thức được đưa ra để mở rộng thị phần.
Uber bắt đầu gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2014 nhưng đến nay cũng gặp phải một số điểm chìm về chất lượng theo chia sẻ của khách Ảnh: Hiếu Công. |
Mới đây, Grab còn tung ra khuyến mãi đi GrabTaxi dưới 4 km chỉ có giá 15.000 đồng gây “sốc” toàn thị trường. Uber thì tung ra gói cước sân bay chỉ 150.000 đồng/lượt đi, 200.000 đồng/lượt về mà không taxi truyền thống nào theo kịp. Theo một số người dùng, đối với cung đường này, đây là giá đi lại bằng ôtô rẻ chưa từng có tại Việt Nam.
Những hạn chế của taxi truyền thống như trễ hẹn, chất lượng dịch vụ không đồng đều, thích chở thì chở, không thích thì thôi, ép giá, giá cao... được người tiêu dùng đem ra so sánh với những hàng vận tải ngoại quốc.
Nhiều người đã chuyển đổi từ việc đi taxi truyền thống sang Grab và Uber với lý do tiện lợi, xe sạch sẽ, thơm tho, chạy êm, tài xế lịch sự, không bỏ khách. Hơn hết, giá rẻ và nhiều khuyến mãi đang là một chiêu thức thu hút thị phần chưa từng có ở thị trường vận tải Việt Nam.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng taxi truyền thống đang phải chịu nhiều “bất bình đẳng” so với Grab và Uber nên không thể cạnh tranh được.
Theo anh Lâm, một tài xế tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), taxi truyền thống đang bị áp dụng các điều kiện kinh doanh ngặt nghèo. Các điều kiện bao gồm bãi đỗ, giấy phép tần số, logo, bảng giá, đồng phục, đăng ký giá, hay vấn đề cấm đi vào một số tuyến vào giờ cao điểm… Ngoài ra còn có các khoản đăng kiểm, mua bảo hiểm hành khách, bảo hiểm thân vỏ xe cao hơn, chi tiền mua sảnh đón khách…
Lâm cho biết giới tài xế taxi truyền thống rất bất bình khi Grab và Uber ít chịu ràng buộc, đặc biệt là được tùy ý tăng số lượng xe, không chịu các khoản phí trên. Thậm chí, anh Lâm còn gay gắt phản ánh việc Uber và Grab cạnh tranh không lành mạnh, phá giá thị trường. Việc phá giá ảnh hưởng đến các loại hình vận tải nói chung và taxi truyền thống nói riêng.
Theo thông báo của Tổng cục thuế, số thuế phải thu của Uber trong hai năm 2014 và 2015 là 19 tỷ đồng. Trong khi, Vinasun chỉ với hơn 6.000 xe, từ năm 2014 đến 2016 đã phải nộp 692 tỷ đồng.
Xung đột lên đến đỉnh điểm khi ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), khẳng định sẽ nộp đơn khởi kiện các công ty công nghệ như Uber, Grab và Bộ Giao thông Vận tải vì những cạnh tranh không công bằng.
Doang thu và lợi nhuận của Vinasun ngày càng chững lại vì Uber, Grab. Đồ họa: Hiếu Công. |
Anh Nam, một tài xế taxi khu vực Ba Đình (Hà Nội) nhận định sự khác biệt cơ bản, và được coi là không lành mạnh của Uber và Grab là tăng giá "vô tội vạ" khi nhu cầu cao, thời tiết xấu. "Taxi truyền thống không bao giờ tăng giá một cách bất thường. Mà nếu muốn tăng giá đều cần có sự đồng ý của cơ quan chức năng, có hồ sơ chứng minh rõ ràng", anh Nam nhấn mạnh.
Anh Huệ, một tài xế khác tại khu vực Đống Đa, Hai Bà Trưng, thì ví taxi truyền thống như bia đỡ đạn của khách hàng. Vào giờ bình thường, người tiêu dùng thường chọn Uber, Grab vì giá rẻ mà bỏ quên taxi truyền thống. Tuy nhiên khi Uber và Grab tăng giá thì khách hàng lại quay về với taxi truyền thống.
"Taxi truyền thống đã chịu đủ khó khăn, kinh doanh thua lỗ. Trong khi đó, khách hàng chỉ coi chúng tôi như bia đỡ đạn mỗi lúc không dùng được Uber, Grab. Chúng tôi thì không bao giờ bỏ rơi khách hàng. Khách hàng có đi ngắn, đi dài, trời nắng, trời mưa chúng tôi vẫn sẵn sàng phục vụ", anh Huệ nói.
Chị Mai, một khách hàng thường xuyên dùng Grab, Uber đúc rút kinh nghiệm về một số trường hợp tài xế Grab và Uber biết trước đoạn đường đi của khách theo app nên đã từ chối nếu khách không thích đi xa hoặc đi những đoạn đường ít tiền.
Có vẻ như chiến lược "nuốt chửng thị trường" vẫn đang được Uber và Grab tích cực thực hiện. Đặc biệt là việc hạ gục taxi truyền thống. Các chương trình khuyến mãi ngày càng nhiều liên tiếp khiến thị trường bị sốc. Mới nhất là câu chuyện Uber hạ giá xe đi sân bay chỉ với 150.000 đồng/lượt. Với giá trên, gần như không có hãng taxi truyền thống nào có thể cạnh tranh nổi.
Quá trình hình thành và phát triển của Uber và Grab tại Việt Nam. Đồ họa: Châu Châu. |
Theo Zing