|
Theo dự kiến, cuối tháng 6 năm nay, Công ty Viễn thông Telenor (Na Uy) sẽ hoàn tất mua cổ phần Công ty Truyền thông Schibsted và Công ty Press Holdings (SPH) ở Malaysia, Myanmar và Việt Nam. Về với Telenor, Chợ Tốt vẫn trung thành với mô hình rao vặt trực tuyến ở Việt Nam và chứng minh định hướng này bằng cách mở thêm mảng rao bán ôtô và bất động sản, bất chấp đang có những thay đổi khá lớn trong hai mảng này.
Trung thành với rao vặt
Thương vụ hoàn thành, các dịch vụ đăng tin rao vặt thuộc 2 tổ chức này gồm Chợ Tốt (Việt Nam), Mudah (Malaysia), One Kyat (Myanmar) và ImSold (Malaysia và Việt Nam) sẽ thuộc quyền điều hành của Telenor.
Telenor hiện là nhà mạng lớn nhất Na Uy, thuộc top 3 nhà mạng tại nhiều quốc gia như Đan Mạch, Thụy Điển, Hungary, Pakistan, Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia... Theo định hướng, bên cạnh viễn thông, Telenor đang xây dựng hệ sinh thái kỹ thuật số bằng cách gia nhập ngành adtech (các công ty công nghệ quảng cáo, điển hình như Facebook, Google...) và rao vặt trực tuyến.
Ngoài thương vụ Schibsted và SPH, năm ngoái, Telenor đã chi 360 triệu USD mua lại 95% cổ phần Tapad, một công ty công nghệ quảng cáo có trụ sở ở New York (Mỹ). Chính vì thế, về với Telenor, sẽ không có sự thay đổi gì về chiến lược của Chợ Tốt trong thời gian tới. “Mô hình rao vặt sẽ luôn là hạt nhân phát triển kinh doanh của Chợ Tốt ở Việt Nam”, ông Bryan Teo, Tổng Giám đốc Chợ Tốt, khẳng định.
Không khó hiểu khi ông Bryan Teo có thể tự tin như vậy, vì trong mảng rao vặt đồ dùng đã qua sử dụng, Chợ Tốt đang dẫn đầu thị trường Việt Nam. Tại Việt Nam, mặc dù có nhiều trang rao vặt nhưng thị trường đang điều chỉnh và thanh lọc theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn, không còn đất cho mô hình diễn đàn hoặc trang rao vặt tự phát như trước.
Ngay cả các đối thủ của Chợ Tốt như 5giây (Nhật Nguyệt) hay Rồng Bay (VCCorp) cũng đã bị bỏ xa về lượng truy cập kể từ chiến dịch quảng cáo rầm rộ của Chợ Tốt từ 2 năm trước. Giờ đây, Chợ Tốt đang thâm nhập vào hai lĩnh vực nóng nhất hiện nay là rao bán ôtô và bất động sản.
Theo nghiên cứu của Công ty, giá trị thị trường ôtô đã qua sử dụng ở Việt Nam năm 2016 trị giá khoảng 3 tỉ USD, dự kiến sẽ tăng lên con số 6 tỉ USD vào năm 2020. Mảng bất động sản cũng có mức tăng trưởng ấn tượng không kém: trong 4 năm nữa, sẽ có 800.000 lượt mua bán giao dịch bất động sàn (bao gồm thuê và bán) thành công ở Việt Nam.
Tính từ tháng 10.2016, trang xe của chotot.vn có 10 triệu lượt truy cập hằng tháng, 100.000 tin đăng và 2,4 triệu lượt liên lạc giữa bên bán và mua. Mảng bất động sản vừa mở mục mua bán dự án chưa hoàn thành và ghi nhận mức truy cập tăng 50% so với cùng kỳ năm 2016. Ông Bryan Teo cho biết, trong năm nay, mảng xe và bất động sản sẽ được xây dựng các tính năng đề xuất các sản phẩm phù hợp với hành vi tìm kiếm của người mua, song song đó là hợp tác với các bên kiểm định, vay vốn ngân hàng...
Nhìn chung, mô hình rao vặt ở Việt Nam có 2 nguồn thu chính là từ dịch vụ đẩy tin và quảng cáo. Giao dịch trên một số trang web rao vặt cho thấy, trung bình một chủ gian hàng có khoảng 100 lượt đẩy tin mỗi ngày thì chi phí mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng. Nếu có 5.000 gian hàng hoạt động, thì chỉ riêng khoản doanh thu này, mỗi tháng một website rao vặt cũng có doanh thu lên tới 5 tỉ đồng, chưa tính doanh thu từ quảng cáo và nhiều dịch vụ khác.
Chợ Tốt hiện chỉ áp dụng hình thức đẩy tin với chi phí từ 8.000-15.000 đồng/tin. Theo thông tin từ Chợ Tốt, mỗi ngày có khoảng 1 triệu lượt truy cập và trung bình có khoảng 600 triệu lượt xem trang/tháng. Công ty cũng cho biết có hơn 3.000 giao dịch thành công. Dù rất thích chia sẻ về các con số nhưng doanh thu cũng như chi phí của Chợ Tốt vẫn được ông Bryan Teo giữ kín cho đến nay. Hiện doanh nghiệp này có 180 nhân viên chính thức, 100 người trong số đó phụ trách mảng duyệt tin và chăm sóc khách hàng.
|
Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng lên tới 22%/năm, thị trường thương mại điện tử Việt Nam dự báo trong 5 năm tới, quy mô thị trường có thể đạt 10 tỉ USD. Việt Nam có dân số 91 triệu người, trong đó 45% dân số đã tiếp cận internet; 28% người sử dụng internet đã tiếp cận thương mại điện tử. Có thể nói, mua sắm và kinh doanh trực tuyến đã trở thành một thị trường lớn tại Việt Nam. Trong đó, mô hình chợ điện tử giao dịch cá nhân (C2C) vẫn có tiềm năng phát triển tốt vì phù hợp với thói quen mua bán nhanh gọn, tốn ít chi phí của người Việt Nam.
Thực ra không chỉ Chợ Tốt mới nhận thấy sức hấp dẫn từ mảng xe và bất động sản. Không dưới 5 doanh nghiệp đang theo đuổi các mảng này ở Việt Nam. Ở mảng ôtô đã qua sử dụng, có nhiều cái tên khá nổi bật như Carmudi.vn (một dự án của Rocket Internet), Anycar (Việt Nam), bonbanh.com... tham gia. Tương tự, ở mảng bất động sản, batdongsan.com.vn (PropertyGuru đầu tư chiến lược vào năm 2016) là đơn vị dẫn đầu thị trường. Ngoài ra, còn có các cái tên mới như Homedy.com, Rever.com, Propzy.vn...
Tìm mô hình tối ưu
Không khó để nhận ra điểm yếu của mô hình rao vặt tài sản có giá trị lớn là các nhóm môi giới thường đưa giá thấp hơn giá thị trường để thu hút lượng truy cập, khi khách hàng gọi tới sẽ được báo hết hàng và chuyển sang một tài sản khác, thường có giá trị cao hơn. Một số trang còn giữ lại thông tin tài sản đã được rao bán để đa dạng nguồn hàng dẫn đến hiện tượng hàng thật thì ít, hàng ảo thì nhiều.
Anh Ngọc Lâm, nhân viên văn phòng ở quận Phú Nhuận, cho biết năm ngoái khi mua xe đã liên hệ một số trang rao vặt trong nước. “Đa số chủ xe báo đã bán gần hai tuần, còn nếu là chủ garage thì báo đã hết hàng và giới thiệu mẫu khác”, anh Lâm nói. Trường hợp của anh Công Duy, ở quận 10, cũng không khá hơn. Theo hướng dẫn từ một trang rao vặt bất động sản, anh đến gặp một người môi giới và được thông báo là căn nhà anh ưng đã có người mua. Người này đề nghị anh đóng thêm 100.000 đồng để đi xem thêm 4 căn nhà khác.
Chính vì thế, các trang chợ điện tử thành lập sau này thường né mô hình rao vặt vì không kiểm soát được chất lượng dịch vụ dù có nguồn thu rất tốt từ việc đăng tin của nhóm môi giới. Như Anycar. Đơn vị này kiểm định xe trước khi bán cho khách hàng hay Rever cung cấp thông tin về các dự án ở quận 2... Điểm hạn chế của nhóm này là nguồn hàng không đa dạng nhưng bù lại chất lượng thông tin khá tốt.
Tuy vậy, niềm tin của ông Bryan Teo vào thị trường rao vặt ở Việt Nam là có cơ sở, ít nhất là về mặt số liệu. “Hiện các tin đăng trên Chợ Tốt được bán thành công nhanh nhất là vài giờ và chậm nhất là một tuần, tăng hiệu quả khoảng 20%. Số lượt liên lạc tìm mua sản phẩm từ đầu năm đến nay tăng trung bình 8% mỗi tháng. Điều này cho thấy rao vặt vẫn là một thị trường sôi nổi và còn dư địa phát triển”, ông Bryan Teo cho biết.
Theo đó, Chợ Tốt sẽ hạn chế những điểm yếu của mô hình rao vặt bằng các chức năng hỗ trợ người mua phản hồi với các tin đăng có dấu hiệu lừa đảo, đồng thời sẽ lên kế hoạch hợp tác với các bên liên quan để xác định thông tin của người bán, yêu cầu họ lập hồ sơ riêng và ghi nhận lịch sử giao dịch.
Bên cạnh đó, Công ty đã đầu tư cho hệ thống xử lý thông tin dựa trên trí thông minh nhân tạo từ cuối năm 2016. Dịch vụ này được kỳ vọng sẽ giúp Chợ Tốt phản ứng nhanh với tốc độ bùng nổ tin đăng trong thời gian tới mà không phải tăng số lượng nhân viên duyệt tin.
Trên thế giới, có 2 mô hình rao vặt khá thành công là Craigslist và Ebay, cả hai đều xuất phát từ Mỹ. Theo đó, doanh thu Ebay đến từ việc thu phí mỗi giao dịch thành công, trung bình khoảng 10% giá trị món hàng được bán. Còn nguồn thu của Craigslist đến từ việc đăng tin như Chợ Tốt. Do giao dịch bằng tiền mặt vẫn phổ biến ở Việt Nam nên mô hình Ebay không phù hợp.
Theo AIM Group, năm 2016, doanh thu Craigslist là 700 triệu USD, 80% số đó là lợi nhuận. Đơn giản vì chi phí hoạt động của doanh nghiệp này rất thấp; họ chỉ có khoảng vài chục nhân viên. Để có lợi nhuận như Craigslist, Chợ Tốt cần phải giảm chi phí vận hành và đây mới thực sự là bài toán khó ở Việt Nam trong thời gian tới.
Theo NCĐT