Theo tin từ Văn Phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”.
Chính phủ khẳng định sẽ xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan tại các dự án yếu kém, thua lỗ |
Tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại
Mục tiêu của Đề án nhằm thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước để DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên.
Bên cạnh đó, đề án cũng nhằm mục tiêu để DNNN ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư; thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật trong cổ phần hoá và thoái vốn, không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản Nhà nước.
Đầu tư của DNNN tập trung vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ; ngành, lĩnh vực mang tầm chiến lược, có tính dẫn dắt, định hướng xây dựng nền kinh tế tri thức, có hàm lượng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế.
Đồng thời, Đề án này cũng đặt nhiêm vụ nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của DNNN; kiện toàn nâng cao năng lực quản lý và năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Hoạt động của DNNN được quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch, bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác.
Đề án cũng tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của DNNN và DN có vốn Nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường.
Hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát DNNN và vốn, tài sản Nhà nước đầu tư tại DN; sớm tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước tại DNNN và DN có vốn Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương.
Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 doanh nghiệp
Nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là hoàn thành cổ phần hóa 137 DN; phấn đấu đến hết năm 2020, Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 DN (chưa bao gồm các công ty nông, lâm nghiệp, DN quốc phòng, an ninh, SCIC, DATC và VAMC, công ty thủy nông thực hiện sắp xếp theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) theo Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 tại Quyết định số 58 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Đề án cũng xây dựng lộ trình và tổ chức bán phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên để phù hợp với tiêu chí tại Quyết định số 58 năm 2016.
Đề án cũng tiếp tục cơ cấu lại toàn diện DNNN. Cụ thể, sắp xếp lại DNNN; nâng cao năng lực tài chính; đổi mới công tác quản trị, công nghệ; đổi mới tổ chức, quản lý nguồn nhân lực; cơ cấu sản phẩm, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đáng chú ý, với đề án này, Chính phủ sẽ rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của DNNN và DN có vốn Nhà nước; “kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan”.
Trong quá trình này, tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương và tiếp tục rà soát đối với các dự án, DN khác.
Theo Dân Trí